Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X các đại biểu đã tập trung thảo luận các Chương trình hành động 3 Nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục tái cơ cấu lại, đổi mới về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời cho ý kiến về Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là những nội dung quan trọng nhằm đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo động lực cho TP phát triển nhanh và bền vững.
Nhiều giải pháp cụ thể
Về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, TP sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; minh bạch, thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động;…
TP phấn đấu đến năm 2020 sẽ thành lập mới 200.000 doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp TP có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó, khu vực tư nhân đóng góp 65% GRDP, 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. “TP xác định việc phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương mang tính chiến lược lâu dài, là động lực khai thác triệt để mọi nguồn lực của xã hội, phục vụ phát triển kinh tế” – Đồng chí Lê Thanh Liêm khẳng định.
Về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đại diện Ban Cán sự UBND TP cho biết, TP phấn đấu đến năm 2020 phát triển đồng bộ các loại thị trường; tập trung cải thiện các yếu tố căn bản tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của TP nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước đối với phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng UBND TP tập trung phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh của TP; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận toàn diện các nguồn lực của TP. Cùng với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, TP sẽ đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng về kinh tế – xã hội,…
Về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục tái cơ cấu lại, đổi mới về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND TP đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa tại 40 tổng công ty, công ty mẹ-con, công ty độc lập và công ty thành viên, trong đó duy trì những doanh nghiệp Nhà nước hoạt động ở những ngành, lĩnh vực trọng điểm và những doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP giữ vốn chi phối, nhằm đảm bảo vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế của TP; hoàn thành thoái vốn theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2017-2020 tại các doanh nghiệp mà TP không cần nắm giữ, tham gia góp vốn.
Chương trình hành động cũng đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước TP; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước TP; đồng thời phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp tại doanh nghiệp Nhà nước.
Tận dụng thời cơ để triển khai xây dựng đô thị thông minh
Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, TP đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực và gặt hái nhiều kết quả tích cực, điển hình như ở các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành trong giao thông vận tải, y tế, môi trường, giáo dục, quản lý nguồn nhân lực… Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã thông qua 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020. Các kế hoạch hành động triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá nói trên, các giải pháp thực hiện đều thể hiện vai trò xuyên suốt của công nghệ thông tin trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của từng lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong công tác điều hành của chính quyền và phục vụ người dân, đặc biệt chưa đáp ứng được nhu cầu về dự báo phát triển cho TP.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến: “Trong 5 năm trở lại đây, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh bởi tác nhân thúc đẩy từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, cần tận dụng thời cơ này để bắt đầu triển khai xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh nhằm phát huy các thế mạnh của TP giải quyết các thách thức hiện nay và định hướng cho TP phát triển một cách khoa học, chính xác".
Trình bày Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, tầm nhìn đặt ưu tiên cao nhất là việc phát triển kinh tế của TP, phù hợp với các định hướng phát triển của TP tại Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội để TP đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp vi mạch. Cùng với đó, sẽ tận dụng dữ liệu mở, người dân, doanh nghiệp, và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở. Đồng thời, thông qua việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính và tăng cường hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực, đô thị thông minh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế TP theo hướng kinh tế tri thức.
Một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng TP thông minh cần nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân… Đô thị thông minh giúp chính quyền cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP. Đồng thời, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.
Về các giải pháp xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đại diện UBND TP cho biết, đề án sẽ tập trung thực hiện 6 giải pháp trọng tâm, trong đó, xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kỉnh tế xã hội của TP và khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho đô thị thông minh. Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; đồng thời thành lập Trung tâm An toàn thông tin TP và xây dựng Trung tâm điều hành thông minh,…
Nguồn thanhuytphcm.vn