Trọng tâm kinh tế
Nền kinh tế Triều Tiên vốn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ ), lại vừa “nhận bổ sung” lệnh trừng phạt vào tháng 3/2016, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân mới. Chính vì vậy, kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un càng nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc cải thiện nguồn cung cấp và phát triển năng lượng nội địa, trong đó có điện hạt nhân.
Triều Tiên không công bố các số liệu kinh tế, song năm 2015, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết tăng trưởng của nền kinh tế Triều Tiên năm 2014 đạt 1%. Tuy nhiên, con số ước tính này chưa bao gồm các hoạt động kinh tế thị trường không chính thức, vốn đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ tầng lớp trung lưu và tiêu dùng ngày càng lớn mạnh tại Triều Tiên.
Kế hoạch phát triển kinh tế của Kim Jong-un đã đề cập tới nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó có cơ khí hóa nông nghiệp và tự động hóa các nhà máy, gia tăng sản lượng than đá… song chưa chỉ rõ những mục tiêu cụ thể. Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, được sự tán dương nồng nhiệt của các đại biểu tham dự, ông Kim Jong-un nói: “Chúng ta cần giải quyết vấn đề năng lượng và đưa ngành công nghiệp cơ bản đi theo đúng lộ trình, gia tăng sản lượng nông nghiệp và công nghiệp nhẹ để kiên quyết thúc đẩy đời sống cho người dân”.
Chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden cho rằng, tuy kế hoạch kinh tế mà Kim Jong-un đề ra thiếu các chi tiết rõ ràng song điều quan trọng là ít nhất, nhân vật này cũng đã khởi xướng một chính sách kinh tế. Ông nhận định: “Đối lập hoàn toàn với cha mình, ông Kim Jong-un công khai gánh vác trách nhiệm đối với nền kinh tế và vấn đề phát triển bằng việc đề ra một chính sách. Cha của nhà lãnh đạo này chưa từng có những động thái tương tự”.
Trong suốt quá trình cầm quyền, cha đẻ, và cũng là người tiền nhiệm của Kim Jong-un, đã chủ yếu thực thi chính sách “tiên quân”, chỉ chú trọng đầu tư vào các hoạt động của quân đội và phát triển vũ khí, bất chấp thực tế đất nước ngày càng bị cô lập nặng nề. Ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011 sau cái chết đột ngột của cha mình là cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Tham vọng hạt nhân
Trong bài phát biểu của mình, bên cạnh kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế, ông Kim Jong-un khẳng định, Triều Tiên sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền không bị các quốc gia khác đe dọa dùng vũ khí hạt nhân tấn công. Ông cũng nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ “hoàn thành mọi cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân và đóng góp công sức cho mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn cầu”.
Trên thực tế, tình hình Triều Tiên đã càng trở nên khó khăn sau khi bị LHQ áp đặt thêm lệnh trừng phạt vào tháng 3/2016 vì đã tiến hành thử hạt nhân và phóng tên lửa. Quốc gia này sau đó vẫn tiếp tục có những hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân, thậm chí còn tuyên bố đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới cỡ cần thiết và tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh: “Với tư cách là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, chúng ta sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền của chúng ta bị các thế lực thù địch và hung hăng đe dọa bằng hạt nhân”. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc, nước thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên. Tuy nhiên, mối bang giao giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên hầu như không có tiến triển, dù ông Kim Jong-un từng nhiều lần có các phát biểu kiểu này.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)