Từ Đông Nam Á tới Bắc Phi
Theo các chuyên gia, IS đang mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Đông Nam Á với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt tại miền Nam Philippines với “tay trong” là Abu Sayyaf. Những hoạt động này cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của “hệ tư tưởng IS” trong khu vực. Sau những cuộc thảo luận kéo dài một năm giữa những nhóm khủng bố địa phương tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi, Hội đồng Shura (Hội đồng tư vấn của IS) đã chọn Isnilon Hapilon làm “lãnh đạo” chi nhánh IS tại Philippines. Hapilon là thủ lĩnh của tổ chức Abu Sayyaf tại Basilan (hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Sulu, Philippines).
Nếu thành công trong việc tạo dựng một “căn cứ an toàn” tại Basilan và mở rộng hoạt động khủng bố từ quần đảo Sulu đến toàn bộ Philippines lẫn Malaysia, IS sẽ tạo ra những mối nguy hiểm khó lường trong khu vực. Sự hiện diện của những trại huấn luyện sẽ giúp IS thu hút không chỉ những kẻ khủng bố từ Đông Nam Á mà còn từ những quốc gia khác – từ các công dân Australia cho đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Trung Quốc), những người không thể tới Syria để theo IS.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) mới đây đã lên tiếng cảnh báo về mối liên kết giữa các chiến binh Hồi giáo thuộc nhóm Boko Haram ở Nigeria và IS. Các tay súng thuộc lực lượng này bị nghi ngờ tham chiến tại Libya, cũng như có mối quan hệ với các nhóm có liên quan tới mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại khu vực Sahel.
Từ năm 2009, Boko Haram thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bạo lực và bắt cóc con tin tại Nigeria nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo tại đây. Theo thống kê, ít nhất 20.000 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị bắt cóc và hơn 2,6 triệu người bị mất nhà cửa trong các vụ tấn công do Boko Haram tiến hành. Chính quyền Nigeria đã đẩy mạnh cuộc chiến chống Boko Haram, khiến nhóm Hồi giáo cực đoan này tìm cách mở rộng hoạt động sang Niger, Chad và Cameroon và trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với khu vực Tây Bắc châu Phi. Năm ngoái, lực lượng này đã nguyện trung thành với IS, thậm chí, còn tự đổi tên thành tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo (ISWAP). Các chuyên gia nhận định, hiện nay sự di chuyển luân phiên giữa Boko Haram và IS ở Tây Phi có thể là một sự chuyển tiếp thực sự, trở thành loại hình thánh chiến toàn cầu.
Mảnh đất màu mỡ của tư tưởng cực đoan
IS có nhiều lý do để lựa chọn các địa bàn hoạt động mới này. Với Đông Nam Á, ngoài tầm quan trọng đối với giao thương hàng hải toàn cầu, khu vực là ngôi nhà của 1/4 dân số Hồi giáo thế giới (1,6 tỷ người) và là nơi “dự phòng chiến lược” tự nhiên của IS. Thủ lĩnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi, không chỉ đơn thuần tìm cách củng cố “Vương quốc Hồi giáo” ngay tại trung tâm lãnh thổ hiện tại của tổ chức này, mà còn tìm cách mở rộng IS ra toàn thế giới. Và khu vực Đông Nam Á đã được chọn là mục tiêu mở rộng quan trọng của IS.
Bên cạnh đó, cùng với chiến lược trực tiếp được áp dụng tại Trung Đông thì bắt tay với các chân rết sở tại tấn công các mục tiêu phương Tây ở những nước này là một giải pháp không tồi. Nói cách khác, đây là chiến lược tránh đối đầu trực diện với một liên minh quân sự vượt trội ở Trung Đông bằng cách tấn công các lợi ích ở những khu vực tương đối yếu, bao gồm các mục tiêu “mềm” ở khu vực Đông Nam Á. IS có thể bù đắp cho tình hình chiến lược xấu đi của chúng ở Iraq và Syria khi đối mặt với áp lực quân sự của liên minh bằng cách gia tăng tội ác ở nước ngoài.
Với châu Phi, có thể nói IS đã có có sẵn tiền đồn khi từ năm 2015, một số nhóm Hồi giáo cực đoan ở Algeria, Ai Cập, Tunisia, Nigeria tại đây đã tuyên thệ trung thành với IS và lập nhiều trại huấn luyện quân sự cho các chiến binh Hồi giáo. Libya là trung tâm của khu vực khi nước này đã trở thành một căn cứ thực tế, một đại bản doanh mang tính biểu tượng của IS. Tại quốc gia Bắc Phi này, các nhóm công khai trung thành với IS đã mở rộng rất nhanh chóng, chỉ trong năm ngoái đã thu nhận từ 200 lên tới 2.000 thành viên. Sức mạnh đang ngày càng gia tăng của chúng, cùng với mớ hỗn độn chính trị và an ninh thời hậu Kaddafi vẫn tồn tại ở Libya, đã khiến giới chức châu Âu lo ngại và phải triển khai các máy bay do thám xung quanh các căn cứ của mình. Cũng chính tại quốc gia Bắc Phi bất ổn này, IS đã xây dựng các kế hoạch táo bạo, trong đó có huấn luyện các chiến binh để tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các nước Tunisia và Algeria láng giềng. Trên thực tế, sự hiện diện của IS tại Libya, dù còn khiêm tốn, nhưng đã bắt đầu lan tỏa trên phương diện châu lục. Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria đang nỗ lực đưa người qua hướng quốc gia láng giềng Chad để tới Libya nhằm mục đích huấn luyện và nhận các trang thiết bị quân sự và vũ khí từ IS.
Mở rộng địa bàn, chuyển hướng mục tiêu đang trở thành một chiến lược nguy hiểm của IS khi hội đủ các điều kiện cần và đủ.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)