Đáng lưu ý là chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Islamabad diễn ra chỉ 3 tuần trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – một đối thủ truyền thống của Pakistan. Theo giới chuyên gia, động thái này sẽ làm nảy sinh những câu hỏi về quan hệ New Delhi và Bắc Kinh.

 

Trong chuyến đi tới Nam Á lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch đầu tư trị giá 46 tỷ USD. Với khoản tiền này, Pakistan hy vọng có thể kết thúc cuộc khủng hoảng năng lượng dai dẳng cũng như biến đất nước thành một trung tâm kinh tế của khu vực. Trong số 46 tỷ USD được công bố, 28 tỷ USD đã sẵn sàng được ký kết trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Khoản tiền này lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ mà Mỹ dành cho Pakistan trị giá 5 tỷ USD từ năm 2010 song vẫn chưa tạo ra được một sự tác động to lớn nào như mong muốn.

 

 

Với dự án mang tên “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” (CPEC), Bắc Kinh hy vọng sẽ tăng cường đầu tư tại Pakistan trong bối cảnh nước này đang có tham vọng nhân rộng các dấu ấn thương mại và giao thông của mình trên khắp Trung và Nam Á, để đối phó với ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ tại đây. Giới chức hai bên đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng, cơ sở hạ tầng, thương mại và kinh tế. Islamabad trao quyền điều hành cảng nước sâu chiến lược Gwadar cho Trung Quốc trong 40 năm. Hải cảng này dự kiến là nơi đóng đô của nhiều cơ sở dịch vụ cho tàu thủy và tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đang hoạt động tại Ấn Độ Dương.   

 

Ngoài kinh tế, an ninh khu vực cũng chi phối cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo. Trung Quốc lo ngại về sự xâm nhập của các phần tử Hồi giáo cực đoan Pakistan sang vùng miền Tây Tân Cương của Trung Quốc, vốn thường xuyên bao trùm sự bất ổn. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép buộc Islamabad cải thiện điều kiện an ninh cho công dân Trung Quốc – những người đã trở thành mục tiêu của các nhóm chống đối tại Pakistan.

 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Pakistan sau 9 năm. Kết quả chuyến thăm này được đánh giá là phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.

 

Pakistan, quốc gia với 200 triệu dân, đa số theo đạo Hồi, luôn phải chiến đấu chống lại sự nổi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoạn từ hơn một thập kỷ nay, đang hy vọng các khoản đầu tư từ Trung Quốc sẽ vực dậy nền kinh tế lâu nay trì trệ, với mức tăng trưởng 4,3% trong năm nay theo dự kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Từ nhiều thập kỷ nay, hai quốc gia đồng minh này luôn có mối quan hệ ngoại giao và quân sự chặt chẽ, song sự liên kết về kinh tế chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây: thương mại song phương vượt 12 tỷ USD trong năm ngoái, so với 2 tỷ USD vào thập kỷ trước.

 

Pakistan đã phải đối mặt với tình trạng  thiếu điện thường xuyên trong những năm gần đây, tác động tiêu cực đối với tăng trưởng GDP, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Dự án CPEC hứa hẹn sẽ mở ra các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống đường ống dẫn, có khả năng rút ngắn hàng nghìn kilômét của tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Trung Quốc, và tránh đi qua đối thủ chung là Ấn Độ.

 

Giới phân tích nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình phản ánh sự mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc tại Nam Á, thách thức vị trí của Ấn Độ. Trước tiên, Bắc Kinh xây dựng quan hệ với các quốc gia nhỏ xung quanh Ấn Độ thông qua viện trợ và thương mại, và sau đó chuyển sang thiết lập các mối quan hệ quân sự. Ông Pant Harsh từ Đại học King’s College ở London từng nhận xét: Chiến lược của Trung Quốc đối với Nam Á là nhằm bao vây và khóa chặt Ấn Độ trong tọa độ địa lý của khu vực… Chiến lược này được bắt đầu với Pakistan và đã dần dần bao gồm các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Bangladesh, Sri Lanka và Nepal. Các xu hướng bảo hộ của Ấn Độ đã tạo ra cơ hội để Trung Quốc được khoác chiếc áo thủ lĩnh về kinh tế trong khu vực.

 

Theo giới phân tích, động thái này cho thấy, việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh thương mại của mình với ý đồ “không có sự lựa chọn nào khác” cho Ấn Độ, ngoài việc trở thành một phần của trật tự này hoặc tiếp tục đứng ngoài, bởi đã quá muộn để Ấn Độ có thể thiết lập một trật tự của riêng mình tại châu Á.

(Nguồn Thông tấn xã Việt Nam)