Mời “vua khởi nghiệp” về dạy
“Vào một buổi sáng cách đây hơn 5 năm, khi tôi đang ngồi trong văn phòng tại ĐH Stanford thì Nguyễn Thái Đông Hương – một nữ sinh viên Việt Nam đang du học tại trường gõ cửa xin vào. Với cách chia sẻ đầy tự tin, tâm huyết, em nói với tôi rằng muốn làm điều gì đó cho cộng đồng khởi nghiệp nước mình. Em nói về ý tưởng một mạng lưới khởi nghiệp tại Việt Nam và muốn mời tôi về đó hỗ trợ, truyền cảm hứng cho những người trẻ thực hiện hoài bão khởi nghiệp”. Giáo sư Tom Kosnik (ĐH Stanford, Hoa Kỳ) cho biết rất bất ngờ khi lần đầu tiên nghe một sinh viên Việt Nam đề nghị như vậy.
GS Tom Kosnik được biết đến như một “vua khởi nghiệp” tại Hoa Kỳ. Ông giảng dạy tại Chương trình đầu tư công nghệ – một trung tâm hàng đầu về khởi nghiệp trực thuộc ĐH Stanford. Ông cũng là người sáng lập, cố vấn cho nhiều dự án/công ty như Microsoft Co., Hewlett Packard Co., Plug and Play Centers… Trước khi đến ĐH Stanford, GS từng giảng dạy chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard.
Trước sự nhiệt huyết của Đông Hương, năm 2011, GS Tom Kosnik đã nhận lời sang giảng dạy cho sinh viên Việt Nam với giáo trình Gear up nổi tiếng chỉ giảng dạy tại ĐH Stanford. Năm 2011 cũng là lần đầu tiên giáo trình này được chia sẻ ngoài ĐH Stanford. Đông Hương đã rất bất ngờ khi ý tưởng của mình được GS Tom Kosnik chấp thuận với mức chi phí 0 đồng.
Sau uổi gặp đó, Hương đã tìm kiếm thêm nhiều bạn sinh viên cùng chí hướng như Lê Thụy Mai Trâm, Nguyễn Xuân Thu, Trần Nguyễn Bạch Lan, Trần Bích Ngọc để thực hiện dự án của mình. Những “nhà sáng lập trẻ” này đã dùng tựa sách Bánh răng khởi nghiệp của GS Tom Kosnik làm nền móng xây dựng Hội trại Khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE Boot Camp) – một khóa học ngắn hạn về khởi nghiệp được tổ chức tại TPHCM. Từ đó đến nay, hội trại luôn được duy trì tổ chức hàng năm. GS Tom Kosnik dù bận rộn với các dự án có giá trị tại Hoa Kỳ vẫn sắp xếp thời gian để sang Việt Nam dạy miễn phí trong khuôn khổ hội trại này.
Các hoạt động của VYE bao gồm Chương trình Đào tạo khởi nghiệp thường niên, Câu lạc bộ Khởi nghiệp trẻ, Cộng đồng trực tuyến và Chương trình Kết nối đầu tư. VYE Bootcamp 2016 diễn ra giữa tháng 8 vừa qua có hơn 100 sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, có các kỹ năng làm việc nhóm, khả năng về ngôn ngữ tham gia. Đặc biệt, 30 sinh viên đến từ các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á cũng tham gia hoạt động này.
Không chỉ với Đông Hương, GS Tom Kosnik còn ấn tượng mạnh với nhiều bạn trẻ Việt Nam, có các dự án khởi nghiệp được nhiều người biết đến. “Từ thung lũng Silicon, tôi đã đi rất nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Một số điểm giống nhau giữa các bạn trẻ khắp nơi đó là sự thông minh, sáng tạo. Nhưng với giới trẻ Việt, tôi rất ấn tượng bởi sự ham học hỏi, quyết tâm, dũng cảm và độ ngầu trong cách khởi nghiệp của giới trẻ. Và tôi tin, dù hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn khá non trẻ nhưng không điều gì là không thể…”, GS Tom Kosnik đánh giá.
Truyền cảm hứng cho người trẻ
Suốt thời gian gần đây, từ khóa Bánh răng khởi nghiệp được nhiều sinh viên, bạn trẻ Việt Nam tìm kiếm. Bánh răng khởi nghiệp: Đường đến thành công là cuốn sách do GS Tom Kosnik viết cùng Lena Ramfelt và Jonas Kjellberg. Hiểu rõ giá trị nội dung cuốn sách, các bạn trẻ thuộc VYE đã quyết tâm dịch sách này ra tiếng Việt. GS Tom Kosnik đã không ngớt lời khen ngợi và đánh giá cao họ: “Hơn 2 năm trước, họ đề nghị được dịch quyển sách của tôi ra tiếng Việt. Họ tự lập nhóm dịch thuật và tự kiếm nhà xuất bản. Năm 2016, đã có bản dịch bằng tiếng Việt. Sách được thiết kế nhiều hình ảnh trực quan, sinh động, dễ dàng cảm thụ”.
Dự án dịch và phát hành sách Bánh răng khởi nghiệp đã được VYE ấp ủ từ lâu. Trương Thanh Thủy là người đứng đầu trong dự án chuyển ngữ Bánh răng khởi nghiệp sang tiếng Việt và cũng là người tìm nhà xuất bản cho phiên bản tiếng Việt của tựa sách này. “Đây là cuốn sách khởi nghiệp đặc biệt dành riêng cho giới trẻ Việt Nam. Để gần gũi, Bánh răng khởi nghiệp tiếng Việt còn chứa đựng những câu chuyện có thật của những doanh nhân trẻ, thành đạt hiện nay ở nước ta. Họ là các tổng giám đốc, giám đốc, cổ đông lớn hay nhà sáng lập các thương hiệu quen thuộc như Uber, YanTV, DataFirst, Adayroi, Nhommua, Ticketbox, Triip.me… Chúng tôi cố gắng để câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm ra thế giới, để thế giới biết khởi nghiệp ở việt Nam là như thế nào. Cuốn sách hứa hẹn mang đến một sự lan tỏa lớn trong cộng đồng khởi nghiệp Việt”, Thanh Thủy chia sẻ.
Nguyễn Long Bách Hải, một thành viên nhóm dịch sách cho biết: “Điều khó nhất mà chúng tôi đối mặt là tìm nhà xuất bản cho cuốn sách. Sau thời gian dài bị trên 10 nhà xuất bản từ chối xuất bản thì First News đã nhìn thấy giá trị trong bản thảo của chúng tôi. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để dịch nó, có người dịch khi đang đi trên máy bay, có người dịch trong giờ giải lao một cuộc họp, có bạn sinh viên dịch giữa đêm khuya và cuối cùng, cuốn sách đầy tâm huyết đã đến tay bạn đọc”.
Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam có tuổi đời còn trẻ (thành lập được 5 năm), tập hợp những người trẻ và hướng tới bạn trẻ, chắc chắn sẽ tiếp tục là cầu nối vững chắc của những bạn trẻ Việt khát khao khởi nghiệp bền vững.
VÕ THẮM