Những năm vừa qua, với các biện pháp của Chính phủ được thực hiện, như: Chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… điều này là dấu hiệu tích cực biểu hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô.Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như kiềm chế lạm phát suốt từ năm 2012 đến nay.

 

 

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2014, xu thế diễn biến của CPI ở các tháng trong năm biến động không nhiều và ổn định hơn những năm trước. Nếu như năm 2012, tháng 7 CPI thấp nhất là -0,29% so với tháng 9 cao nhất là 2,2% thì biên độ dao động là khoảng 2,5%. Đến năm 2013, tháng 2 cao nhất là 1,32% thì tháng 3 thấp nhất:-0,19%, khoảng dao động là 1,5% và năm 2014, tháng 1 cao nhất: 0,69% so với tháng 3 thấp nhất: -0,44%, khoảng dao động chỉ còn là: 1,13%. CPI những tháng đầu năm 2012 – 2014 (dịp Tết Nguyên đán) mặc dù vẫn có mức tăng cao, song tháng 01 – 02/2014 (tăng 0,69% và 0,55%) đãthấp hơn nhiều mức năm 2012 (1,00% và 1,37%) và năm 2013 (1,25% và 1,32%).

 

Năm 2015, tốc độ tăng của CPI dự báo sẽ dưới 5%. Chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng từ 4,14% đến 4,42%. Như vậy, kết quả dự báo cho thấy, lạm phát năm 2015 sẽ tăng so với năm 2014, nhưng vẫn ở mức thấp so với thời kỳ trước năm 2014. Điều này cho thấy, khả năng nới rộng hơn nữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kích thích tăng trưởng, mà không lo ngại gia tăng lạm phát trong năm 2015. Tuy nhiên, cần hết sức cảnh giác với yếu tố sử dụng vốn kém hiệu quả, dàn trải, chậm tiến độ trong sự gia tăng lạm phát.

 

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 6,1 % và lạm phát là khoảng 4,3%.

 

Chuyển từ "kim chế" sang "kiểm soát" lạm phát

 

Như vậy, một sự chuyển hướng chính sách được cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát nhiều năm liên tiếp được kiềm chế ở mức thấp. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, Việt Nam đã có thể chuyển hướng điều hành từ "kiềm chế" sang "kiểm soát" lạm phát, nghĩa là chủ động kiểm soát, chứ không phải là "chạy theo" để giảm tốc độ tăng giá.

 

Về triển vọng, Việt Nam vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và sẽ kiềm chế được mức lạm phát vừa phải. Trong đó, sẽ tiếp tục có sự giảm giá các mặt hàng thuộc diện cắt giảm thuế trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gắn với thị trường và cạnh tranh đầy đủ, nhưng cũng sẽ có sự tăng giá ở những mặt hàng thuộc diện được "giải phóng" khỏi sự kiểm soát giá cả từ phía Nhà nước, như: điện, xăng dầu, thuốc và sắt thép, cũng như các dịch vụ dân sinh, nhất là các dịch vụ đô thị…

 

Động thái lạm phát trong thời gian tới ở Việt Nam phụ thuộc trực tiếp vào cân đối tổng cung – tổng cầu, nhất là hàng hóa lương thực, thực phẩm và nguyên liệu sản xuất, khả năng trả nợ đúng hạn và sự lành mạnh của các khoản nợ tín dụng đã cấp, chi phí sản xuất "đầu vào" của các hàng hóa dịch vụ cung ứng từ nguồn trong nước và từ nhập khẩu, sự chênh lệch tỷ giá giữa VNĐ với USD và các đồng ngoại tệ khác trên thị trường chính thức và thị trường tự do, cũng như biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt.

 

Ngoài ra, mức độ gia tăng và tác động của lạm phát đến đời sống kinh tế – xã hội còn tùy thuộc khá nhiều vào hệ quả và khả năng phối hợp đồng bộ, linh hoạt các chính sách và những yếu tố tâm lý xã hội khác của Việt Nam, trong đó có công tác dự báo, thông tin và yếu tố tin đồn… Thời gian tới, các nhân tố chủ yếu gây tác động mạnh đến triển vọng kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là:

 

-Chính sách tài chính -tiền tệ và sự lành mạnh của thị trường tài chính – tín dụng, cũng như cơ chế điều hành lãi suất ở trong nước.

 

-Cân đối tổng cung – tổng cầu những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là gạo, lương thực và thực phẩm khác, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài.

 

-Các động thái giá cả hàng hóa nguyên liệu ngoại nhập, như: Xăng, dầu, sắt thép và một số hàng nguyên liệu quan trọng khác của nền kinh tế. Các động thái thị trường tài chính quốc tế, nhất là ở các quốc gia -“con nợ”lớn và sự ổn định của các đồng tiền chủ chốt thế giới, cũng như của giá vàng.

 

Tuy nhiên, điều may mắn làdùtrongtrường hợp nào thì lạm phát ngày nay cũng đã khác xa kiểu lạm phát mà Việt Nam đã đối diện trong những năm đầu đổi mới, thời kỳ mà nạn khan hiếm hàng hóa do năng lực sản xuất trong nước yếu kém, tình trạng phong tỏa kinh tế và những bất cập vềthể chế khác đã gây những thiệt hại và ám ảnh nặng nề cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

 

Một số giải pháp để chuyển đổi

 

Để chủ động kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trong nước, cần thực hiện một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất,thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài chính, tiền tệ, giá cả và các giải pháp bổ trợ khác. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, ăn khớp giữa 2 cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước vềtài chính, tiền tệ, giá cả là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Đảm bảo phát huy ảnh hưởng tích cực lẫn nhau giữa các công cụ, giảm thiểu những tác động trái chiều, giữa công cụ tài chính và công cụ tiền tệ.

 

Thứ hai,tuân thủ đúng cả yêu cầu, lẫn quy trình của kinh tế thị trường trong quản lý giá cả. Cần sớm thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ có sự kiểm soát một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chưa tự do hóa cao, như: Ngành than, điện lực và kinh doanh xăng dầu… Đồng thời, cần nâng cao năng lực và hiệu quả trên thực tế của Chính phủ trong công tác giám sát, kiểm soát, xử lý độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan. Trước mắt, cần tăng cường công táckiểm toán giá và các chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền hoặc như độc quyền để giảm thiểu các chi phí không hợp lý, làm giảm giá thành đầu ra của các sản phẩm của chúng, từ đó giúp giảm giá đầu vào của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần hạ mức giá chung và nâng cao sự lành mạnh của thị trường và sự bình đẳng của xã hội, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng, trục lợi cá nhân, thậm chí mọi biểu hiện biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

 

Thứ ba,coi trọng tính đồng bộ, có trọng tâm các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng hữu quan, linh hoạt và phối hợp đổng bộ các công cụ và hoạt động quản lý, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính – tiền tệ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư.

 

Bên cạnh đó, điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế. Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt trong mối quan hệ với lãi suất giữa tiền Việt Nam và ngoại tệ, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại và các kênh đầu tư khác theo hướng ổn định, góp phần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Huy động các nguồn tiền tệ từ doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, kiều hối, tiền gửi từ bên ngoài vào Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối, doanh nghiệp và người dân được vay vốn để phát triển sản xuất.

 

Thứ tư,Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại, cổ phần cho vay ngoại tệ để nhập khẩu theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu trong nước chưa sản xuất được, hạn chế việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không được khuyến khích. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và thực hiện các biện pháp tăng cường thu hút kiều hối, tiền gửi từ bên ngoài vào Việt Nam, giám sát việc sử dụng và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo đúng quy định.

 

Thứ năm,chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng hoạt động của từng tổ chức tín dụng và toàn bộ hệ thống, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về huy động vốn, tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.

 

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện và tăng cường việc kiểm tra, giám sát, thanh tra thực hiện các quy định về cho vay và kịp thời xử lý các vấn để phát sinh về hoạt động tín dụng, cần có sự phối hợp liên ngành, chủ động, ăn khớp và thường xuyên, cũng như cần có sự đồng bộ, nhất quán hơn giữa việc ban hành, triển khai giám sát, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt trong việc sử dụng các công cụ lãi suất, hạn mức tín dụng, dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại hối và chính sách thuế… Tăng cường quản lý công, coi trọng hiệu quả vay và sử dụng các khoản nợ. Đẩy mạnh chống tham nhũng và lãng phí trong chi tiêu công.

 

Thứ sáu,tiếp tục cải cách mạnh thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra giám sát, cải thiện môi trường kinh doanh. Đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Làm tốt công tác dự báo, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Bên cạnh đó, cần cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ. Ngoài ra, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự phối hợp ăn khớp giữa các cơ quan chức năng. Cần nhấn mạnh rằng, việc ngăn chặn các tin đồn liên quan đến chính sách tỷ giá và thị trường tài chính – tiền tệ ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạch định chính sách với công tác truyền thông nhằm đảm bảo thông tin đúng, đủ và thông suốt kịp thời nhất là thông tin kinh tế.

 

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố

 tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư)