“Người tăng, kẻ giảm”
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm(SIPRI) tháng 4/2016 đã công bố những dữ liệu mới nhất về số tiền mà các nước chi cho quân sự trong năm 2015. Theo đó, con số này đã tăng 1%, lên tới 1,67 nghìn tỷ USD. Đứng đầu danh sách là Mỹ với 596 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 tổng chi quốc phòng toàn thế giới. Thứ hai là Trung Quốc với 215 tỷ USD, Ảrập Xêút đứng thứ ba với 87,2 tỷ USD, thứ tư là Nga với 66,4 tỷ USD và thứ năm là Anh với 55,4 tỷ USD. Đáng chú ý, nếu so với mức chi quốc phòng năm 2014, nổi lên có Trung Quốc và Ảrập Xêút đều có mức tăng trên 7% trong lĩnh vực này.
Còn nếu xét trong số 15 quốc gia đứng đầu danh sách có mức chi quốc phòng mạnh tay nhất năm 2015, nước có mức tăng cao nhất lại là Australia tăng gần 8% so với năm 2014. Trong khi đó, nước có ngân sách quốc phòng giảm mạnh nhất là Italy, giảm 9,9%.
Xét theo khu vực, châu Á và châu Đại Dương có chi phí quân sự tăng 5,4%, đạt khoảng gần 450 tỷ USD, tương đương khoảng 1/4 tổng chi quốc phòng toàn cầu. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Liên quan đến tương quan Mỹ – Trung trong lĩnh vực quốc phòng, trong khi ngân sách quân sự của Mỹ giảm 4% giai đoạn 10 năm (2006 – 2015) thì chi tiêu quân sự trong giai đoạn này của Trung Quốc lại tăng mạnh, tới 132%. Cũng giống như Mỹ, kể từ năm 2009, các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu đã từng bước cắt giảm ngân sách quốc phòng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và điều chỉnh chính sách can dự tại các chiến trường tiêu tốn nhiều tiền của như Iraq và Afghanistan.
SIPRI đã có một hình ảnh để nói sự khủng khiếp của các chi tiêu quốc phòng hiện nay: Nếu chỉ dùng 10% ngân sách quốc phòng toàn cầu, nạn đói trên toàn thế giới sẽ được xóa bỏ. Nếu trích từ 10 USD dành cho chi tiêu quốc phòng 1 USD thì chỉ cần 15 năm, số tiền này có thể giúp được cho toàn bộ người nghèo trên Trái đất.
Những nguyên do chính
Có hai nguyên nhân chính cho việc tăng, giảm ngân sách quốc phòng của các nước, đó là mối lo an ninh hiện hữu và khả năng ngân sách của quốc gia.
Thực tế cho thấy, càng đứng trước các bất ổn an ninh, các nước càng gia tăng chi tiêu cho quân sự. Những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đã khiến cho 3 nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có tổng mức chi quốc phòng tương đương hơn một nửa số ngân sách quân sự của cả châu Á. Tình hình Syria, mối nguy hiểm từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng là những yếu tố gia tăng mạnh chi phí quân sự tại Trung Đông, trong đó Ảrập Xêút có mức chi quốc phòng đứng thứ ba thế giới. Xung đột khu vực leo thang cũng khiến chi tiêu quân sự của Iraq tăng hơn 5 lần chỉ sau một thập niên, từ năm 2006 đến năm 2015. Các quốc gia tiếp tục chi mạnh cho quốc phòng tập trung chủ yếu ở châu Á, Đông Âu và Trung Đông, nổi lên có Trung Quốc, Angeria, Nga,…
Cũng trong một thập niên qua, giá dầu cao đã giúp các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ “mở rộng hầu bao” cho chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, giá dầu hạ liên tục đã buộc các quốc gia này phải cắt giảm mạnh ngân sách chi tiêu cho quốc phòng. Venezuela cắt giảm ngân sách quốc phòng tới 64% trong năm 2015, con số này ở Angola là 42%. Các quốc gia khác như: Bahrain, Brunei, Ecuador, Kazakhstan, Oman, Nam Sudan cũng đều giảm chi quốc phòng để cân đối ngân sách eo hẹp. Giới chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2016. Còn tại châu Âu, nếu trong năm 2014, Pháp là quốc gia đứng thứ 4 có mức chi tiêu quân sự cao nhất thế giới, thì tới năm 2015, quốc gia này đã tụt xuống vị trí thứ 7. Năm 2015, mức giảm ngân sách quốc phòng trung bình của các quốc gia phương Tây và Trung Âu vào khoảng 1,3% so với năm 2014, mức giảm thấp nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, xu hướng cắt giảm ngân sách của các quốc gia châu Âu có thể sẽ sớm chấm dứt trước mối nguy cơ an ninh mới.
Mua bán và liên minh
Trong khi chạy đua vũ trang, gia tăng chi phí quốc phòng là câu chuyện của người mua, còn người bán vũ khí có vai trò và lợi ích thế nào lại là một câu chuyện khác. Việc xuất khẩu vũ khí không chỉ mang lại nguồn thu cho một quốc gia mà nó còn là cách thức để các quốc gia gây ảnh hưởng quân sự cũng như củng cố các liên minh chính trị hay hóa giải các cạnh tranh về vị thế quân sự.
Các số liệu thống kê trong một thập niên qua cho thấy, Trung Quốc tăng gấp đôi doanh số bán vũ khí, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Nga. Việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự, đồng thời trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhằm mục tiêu tranh giành ảnh hưởng với siêu cường quân sự Mỹ. Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ đuổi kịp chi tiêu quốc phòng của Mỹ vào những năm 2030.
Động cơ chính trị cũng là mục tiêu của các hợp đồng vũ khí giữa Nga và Trung Quốc mới đây. Khi Nga đang phải đối phó với những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukrainevà cấm vận của phương Tây, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Nga. Theo đó, Moscow đã hoàn tất một thỏa thuận bán cho Bắc Kinh 24 máy bay chiến đấu Su-35 trong giai đoạn 2016 – 2018 với tổng giá trị lên đến 2 tỷ USD, bao gồm cả thiết bị dự phòng và các phương tiện hỗ trợ mặt đất. Đối với Trung Quốc, đây là bước đi cần để khẳng định sức mạnh quân sự. Đối với Nga, hợp đồng vũ khí sẽ giúp Moscow có thêm nguồn thu cho các khoản chi tiêu cần thiết khi bị cấm vận.
Trong số những thương vụ mua bán vũ khí đình đám không thể không kể đến những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD giữa Pháp và Ai Cập, Mỹ và Ảrập Xêút hay giữa Nga và Ấn Độ. Nga cũng là đối tác cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ – một cường quốc đang trỗi dậy và có nhu cầu mua sắm vũ khí tới hàng trăm tỷ USD, trong đó, đáng kể nhất là hợp đồng Ấn Độ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf hiện đại của Nga với tổng giá trị khoảng 4,5 tỷ USD vào tháng 12-2015. Đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa phòng không S-400 với khả năng tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ khoảng cách xa 400 km mà Nga bán cho đối tác nước ngoài.
Năm 2015, Mỹ cũng đã ký một loạt hợp đồng “khủng” cung cấp vũ khí cho Ảrập Xêút, Ai Cập hay Qarta, trong đó, các thương vụ mua bán vũ khí giữa Washington với Riyadh có trị giá lên tới hàng chục tỷ USD, qua đó nhằm khẳng định vị thế cường quốc quân sự đối với một số quốc gia vốn có vai trò quan trọng đối với an ninh ổn định tại Trung Đông và Bắc Phi.
Có thể nói, thị trường vũ khí sẽ vẫn nóng và xu hướng chi tiêu quốc phòng toàn cầu sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là một trong những thước đo phản ánh tình hình địa chính trị, kinh tế của các điểm nóng trên thế giới.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)