1. Khủng hoảng nhập cư tại châu Âu

Đứng đầu danh sách các sự kiện làm thay đổi thế giới năm 2015 là cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu. Trong khi châu Âu vẫn đang “vùng vẫy” để thoát khỏi “vũng” suy thoái kinh tế thì làn sóng nhập cư tràn vào lục địa. Khoảng 1 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc nội chiến, bất ổn và bạo lực tại Syria và Trung Đông đã theo các thuyền buôn người trái phép vượt Đại Tây Dương vào châu Âu – miền đất hứa. Cuộc khủng hoảng đã làm chấn động thế giới, buộc các chính trị gia châu Âu phải tìm hướng giải quyết bằng nhiều cuộc họp chung về việc thay đổi chính sách nhập cư. Chính quyền Obama đã đưa ra dự đoán vào năm 2016, ít nhất 10.000 người tị nạn sẽ tiếp tục tới châu Âu.


2. Sự phát triển của IS trên khắp 3 châu lục


Năm 2015 chứng kiến sự bùng nổ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khi IS mở rộng hoạt động ra khỏi Trung Đông tới các châu lục khác. Điển hình là vụ thảm sát kinh hoàng tại Paris, Pháp vào đêm thứ sáu, ngày 13/11 làm 130 người thiệt mạng. IS đã mở rộng hoạt động tấn công ra khắp nơi trên thế giới và các hình thức khủng bố cũng trở nên tinh vi hơn thay vì sử dụng phần tử sẵn có, IS tập trung xây dựng một mạng lưới “những con sói đơn độc” tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, thế giới bàng hoàng sau hàng loạt các vụ thảm sát thương tâm như đánh bom tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ (102 người thiệt mạng); nổ máy bay chở khách của Nga trên đảo Sinai (224 người thiệt mạng); xả súng ở San Bernardino, California (14 người thiệt mạng)… Mặc dù Nga, Mỹ, thậm chí có cả sự tham dự của các nước phương Tây, song cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.


3. Đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử


Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 kéo dài từ năm 2002, cuối cùng đã chấm dứt vào tháng 7/2015 sau khi các bên nhất trí với Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Theo đó, các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ trong vòng từ 2 – 3 tháng; đổi lại, Iran phải bỏ 97% kho dự trữ uranium đã được làm giàu; giảm 2/3 số máy ly tâm; đóng cửa 1 lò phản ứng nước nặng; đồng thời chấp thuận chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 15 năm. Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận có thể ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân trong hơn một thập kỷ.


4. Hy Lạp và cuộc khủng hoảng nợ công


Năm 2015 đã chứng kiến sự vực dậy của Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ công, khiến nước này có ý định rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu. Một cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra trong tháng 7/2015 với 61% người dân Hy Lạp bỏ phiếu chống lại đề nghị của EU. Một tuần sau cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chấp nhận lời đề nghị của EU để cứu lấy nền kinh tế Hy Lạp khỏi sự sụp đổ. Mặc dù vậy, nền kinh tế Hy Lạp đến nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp chiếm 25%. Bởi vậy, kịch bản “Brexit” (khả năng rời khỏi Liên minh châu Âu) của Hy Lạp và cú sốc có thể gây ra cho hệ thống tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục là điểm nóng mà thế giới quan tâm trong năm tới.


5. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết


Sau 7 năm đàm phán căng thẳng, 12 nước ven bờ Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) đã đạt thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10/2015. Thỏa thuận là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiện ông Obama đang nỗ lực thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua dự luật liên quan đến TPP để hiệp định này sớm có hiệu lực. Cuộc bỏ phiếu về TPP tại Quốc hội Mỹ được dự đoán có thể phải chờ tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.


6. Nga tham gia không kích IS tại Syria


Tháng 9/2015, Nga đã tiến hành các cuộc không kích không báo trước vào các căn cứ được cho là của IS tại Syria. Mặc dù cùng mục đích chống IS tại Syria, song hoạt động quân sự của Nga và Mỹ lại hoàn toàn tách biệt. Điều này ban đầu đã làm dấy lên lo ngại về những cuộc đối đầu trên không giữa hai bên. Tuy nhiên sau đó, Moscow và Washington đã ký kết những thỏa thuận về tránh va chạm trên không khi thực thi các chiến dịch riêng biệt tại vùng trời Syria. Sự tham gia của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan khi không quân nước này liên tiếp phá hủy được lượng lớn căn cứ, cơ sở vật chất cũng như tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố tại đây.


7. Thỏa thuận khí hậu toàn cầu

 

Việc 195 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đạt được thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21) vào tháng 11/2015 tại Paris, Pháp đã đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của thế giới trong nỗ lực đối phó với mối đe dọa về thảm họa thiên nhiên. Thỏa thuận dù bị đánh giá là ít có tác động và quá muộn, song đã thể hiện sự thành công của COP-21; cũng như quyết tâm của các nước trong việc góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính ra môi trường, nguyên nhân chính phá hủy hành tinh xanh.


8. Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ


Quyết định bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8/2015 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế khu vực khi chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 8,5% xuống 3.209,91 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2007, tạo ra hiện tượng “Ngày Thứ hai đen tối” tại thị trường chứng khoán châu Á. Sự biến động này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


9. Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông


Năm 2015 cũng chứng kiến “sự phát triển trái phép về mặt diện tích” của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại nhiều  đảo xa đất liền – nằm trong yêu sách phi lý về “đường 9 đoạn” của nước này. Bên cạnh đó, hoạt động bồi đắp trái phép đảo nhân tạo xung quanh các rạn san hô và đá ngầm tại đây cũng được Trung Quốc tiến hành khẩn trương bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng trong khu vực và sự quan ngại của dư luận quốc tế. Tại các đảo nhân tạo này đang dần hình thành đường băng và căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng.


Mỹ và Chính phủ các nước Đông Nam Á lo ngại chính sách của Trung Quốc sẽ làm nguy hại tới tự do hàng hải trong khu vực – nơi có khối lượng giao dịch thương mại đáng kể trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD qua lại mỗi năm.


10. Ảrập Xêút không kích Yemen


Năm 2015, Ảrập Xêút đã đóng vai trò là quốc gia tích cực nhất trong 10 nước không kích tại Yemen với lý do tấn công nhằm vào quân nổi dậy người Houthis. Động thái diễn ra sau khi phong trào Ansarullah của người Houthis (được sự hỗ trợ của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen bị lật đổ năm 2011 Ali Abdullah Saleh) chiếm đóng Thủ đô Sana’a, Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Abdu Rabbu Mansour Hadi lưu vong sang Ảrập Xêút. Chiến dịch quân sự của Ảrập Xêút tại Yemen bắt đầu từ ngày 26/3 và dự kiến ban đầu sẽ kéo dài cho tới khi người dân nước láng giềng được an toàn khỏi sự đe dọa của quân nổi dậy.


Mỹ lo ngại các cuộc không kích của Ảrập Xêút tại Yemen sẽ làm gia tăng bất ổn tại nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Ảrập (AQAP) – kẻ thù chung của cả Washington và quân nổi dậy người Houthis. Song, mối lo sợ rạn nứt trong quan hệ Washington – Riyadh đã thôi thúc Mỹ cung cấp thông tin tình báo, vũ khí… cho chiến dịch của Ảrập Xêút tại Yemen. Đúng như dự đoán, sự bất ổn ở Yemen đã làm lợi cho chủ nghĩa khủng bố bao gồm cả tổ chức al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực. Mọi hy vọng cho sự yên ổn ở Yemen hiện đang nằm trong tay những lệnh ngừng bắn tạm thời.


(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các tạp chí chuyên ngành)