Nền kinh tế tiếp tục cải thiện ở hầu hết lĩnh vực

Năm 2014, tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tăng khá, trong đó GDP cả năm đạt 5,98 %, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (5,8%).

Ngành nông nghiệp ít dịch bệnh, năng suất và sản lượng cây trồng đều tăng, dù diện tích canh tác giảm nhẹ. Có sự cải thiện khá tốt về giá và sản lượng đàn trâu, bò, lợn và gia cầm, thủy sản đánh bắt và nuôi trồng trên cả nước. 

Tính chung 11 tháng so cùng kỳ năm 2013: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% (so với mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm trước) và tăng liên tục, ổn định qua các quý (quý I tăng 5,3%, quý II tăng 6,9%, quý III tăng 7,8%). 

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11/2014 đã trở về bình thường, giảm 0,3% so với tháng 10 và chỉ tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2013. 

Việt Nam đã đón 7,217 triệu lượt khách quốc tế, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khách từ Nga tăng 25,2% và từ Trung Quốc tăng 5,1%). 

Thu ngân sách nhà nướctính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm 2014 thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Số doanh nghiệp thành lập mới vẫn hoạt động và phục hồi hoạt động tăng cao hơn số dừng hoạt động, với trên 68.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm trên 936 ngàn tỷ đồng, 14.208 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8%. 

Cả nước thu hút hơn 1.427 dự án FDI mới; tổng vốn đăng ký là 20,23 tỷ USD, tăng 19% so với kế hoạch năm 2014.

Thị trường tài chính êm ả

So với nhiều năm trước, năm 2014 là một năm yên tĩnh và khá thành công cho ngành tài chính – ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được coi là  điểm đến của dòng vốn ngoại. 

Lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm và tổng vốn huy động, cho vay tín dụng vẫn tăng theo kế hoạch đề ra, trong đó có cho vay các lĩnh vực ưu tiên. 

Nợ xấu và các ngân hàng, tổ chức tài chính yếu kém được kiểm soát, từng bước xử lý linh hoạt, bảo đảm ổn định hệ thống, từng bước tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ chung. 

Bất động sản ấm dần

Năm 2014 có sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.

Giá trị tồn kho BĐS giảm khoảng 13-15% so với cuối năm 2013 và BĐS vẫn có mức tăng dư nợ tín dụng cao hơn mức tăng dư nợ chung toàn ngành ngân hàng. Độ ấm dần của thị trường BĐS là minh chứng cho thấy nhu cầu thực trên thị trường BĐS, nhất là nhu cầu nhà ở xã hội và sự điều chỉnh tích cực trong quản lý nhà nước, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, định giá đất; nới lỏng quyền sở hữu nhà, chuyển nhượng BĐS và cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; sự ưu đãi thuế suất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và điều kiện tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua, thuê, xây mới và cải tạo nhà; sự rút ngắn thủ tục và tăng tốc chuyển đổi công năng, tính chất, diện tích BĐS và sự cải thiện lòng tin thị trường nhờ cơ chế về quản lý dòng tiền, bảo lãnh, bảo hành và khuyến mại mới…

Một chu kỳ mới của thị trường BĐS đang hình thành, ngày càng tăng trưởng về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn vào những năm cuối thập kỷ này, với triển vọng nhất là phân khúc nhà ở xã hội có diện tích và giá cả vừa phải, chất lượng bảo đảm; nhà và mặt bằng kinh doanh được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, “thuê-mua” và “mua-cho thuê”; các căn hộ chung cư trung-cao cấp được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao, giá hợp lý…

Lạm phát thấp

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2014 – tức mức lạm phát – là 4,09%, thấp nhất trong 10 năm qua.

CPI thấp cả năm 2014 là tất yếu do giảm giá xăng, dầu và giá gas trong nước gần 20%; do tiết giảm đầu tư công và kiểm soát vĩ mô giá một số mặt hàng thiết yếu, đầu vào; hạn chế đầu cơ ngoại hối và do hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh (giảm lãi suất và miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế); phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện khuyến mãi lớn, diện rộng, chuyên nghiệp hơn, triển khai sớm trên toàn quốc. 

CPI thấp còn nhờ thời tiết và điều kiện canh tác thuận lợi, năng suất và sản lượng nông nghiệp cả nước tăng; nhờ xu hướng giá vàng giảm ổn định trên thế giới; nhờ tỷ giá VND và Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia được cải thiện bởi sự linh hoạt, quyết đoán, chính xác trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước. FDI cũng góp phần duy trì CPI thấp.

CPI thấp góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân; củng cố sức mua đồng nội tệ, khả năng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tín dụng; tăng hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế mới. 

Môi trường đầu tư, niềm tin thị trường được cải thiện

Năm 2014, Việt Nam tiếp tục có cải thiện về giảm thuế, lãi suất và điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công, sự bình đẳng thị trường, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả; thu nhận được nhiều thành quả trong các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, mà dấu ấn quan trọng là kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-Hàn Quốc và Việt Nam-Liên minh Hải quan Nga-Belarus và Kazakhstan.

CPI thấp và những nhân tố trên góp phần cải thiện môi trường đầu tư và mức tín nhiệm của Việt Nam, như chỉ số BCI-Chỉ số niềm tin kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Chỉ số tín nhiệm quốc gia  của Moody’s (từ B2 lên B1, mức triển vọng và “tích cực”); và Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của Ngân hàng ANZ ở Việt Nam. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng nâng 1 bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và triển vọng dài hạn ở mức “ổn định” và sẽ ở trạng thái tốt…

Lòng tin sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện nhiều đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng đúng chỗ, đúng lúc; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của doanh nghiệp.

(Nguồn tổng hợp từ Báo điện tử Chính phủ)