Hai đối thủ dừng chân

Hai đối thủ của ông Donald Trump là Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc bang Ohio John Kasich đã liên tiếp tuyên bố dừng chân trong cuộc đua. Mặc dù thiếu 184 điểm mới đạt số điểm điều kiện là 1.237 điểm để trở thành ứng viên đại diện đảng, nhưng việc 2 đối thủ còn lại từ bỏ giấc mơ đã đưa Donald Trump tới thẳng vạch xuất phát trong cuộc đua cuối cùng vào Nhà Trắng với đại diện đảng Dân chủ.

 

 

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết quả bỏ phiếu sơ bộ tại bang Indiana: Ted Cruz giành 36,7% số người ủng hộ còn John Kasich chỉ thu về 7,5% phiếu bầu tại tiểu bang này. Người chiến thắng là Donald Trump với 53,30% phiếu ủng hộ.

Trong phát biểu tại Columbus, Ohio, John Kasich đã hồi tưởng lại chặng đua của mình kể từ khi vận động tranh cử, tuy nhiên, ông không hề đề cập tới đại diện duy nhất còn lại trên đường đua Donald Trump hay lý do dừng chân. 

Trước khi bỏ cuộc, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz từng được coi là ứng viên duy nhất có khả năng ngăn chặn tỷ phú Donald Trump trở thành đại diện đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ. Cũng có những nhận định trước đó về việc Trump hoặc Ted Cruz trở thành chủ nhân Nhà Trắng như: nếu Trump là không phải “giấc mơ đẹp” thì Ted Cruz chính xác còn là “cơn ác mộng kinh hoàng”. Có vẻ “giấc mơ không đẹp cho lắm” đang đến gần còn “ác mộng kinh hoàng” đã qua đi khi Ted Cruz dừng chân mặc dù từng cam kết sẽ theo đuổi cuộc đua đến cùng.

Ước tính số tiền đã mất của 2 ứng viên này trong cuộc đua vào Nhà Trắng là hơn 171 triệu USD. Ted Cruz được cho là người thua cuộc lớn nhất trong chặng đường này bởi chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông đã tiêu tốn đến 141,870 triệu USD. Ứng viên chịu dừng chân sau tuyên bố nghỉ tranh cử của Ted Cruz, John Kasich cũng tiêu khoảng 29,230 triệu USD vào chiến dịch của mình.

Chặng đường trước mắt

Mặc dù đã chính thức trở thành ứng viên duy nhất đại diện đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống vào tháng 11/2016, song chặng đường trước mắt của Donald Trump tới ghế chủ nhân Nhà Trắng còn dài.

Về phía đảng Dân chủ, vòng bỏ phiếu sơ bộ tại bang Indiana đã mang lại chiến thắng cho Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Kết quả cho thấy, ông Sanders giành được 52,75% phiếu bầu trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ, người phụ nữ duy nhất trên đường đua Hillary Clinton chỉ chiếm 47,25% sự ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, chiến thắng này không đủ để giúp ông Sanders đảo ngược tình thế để trở thành đại diện đảng Dân chủ. Bà Clinton đang giữ 2.205 điểm, thiếu 178 điểm nữa để đạt điểm điều kiện trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ. Trong khi đó, ông Sanders mới nắm trong tay 1.401 điểm, thiếu 982 điểm nữa để đạt 2.383 điểm điều kiện. Điểm cách biệt giữa hai đối thủ đại diện đảng Dân chủ rõ ràng quá xa, song ứng viên Sanders vẫn tiếp tục bám đuổi cuộc đua. Hơn 1 tháng nữa, đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ tiến hành đại hội đề cử ứng viên chính thức.

Các cuộc thăm dò dư luận tại điểm bỏ phiếu cho thấy, cứ 10 cử tri đảng Cộng hòa thì có 4 người tuyên bố không bỏ phiếu cho ông trùm tỷ phú trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Mặc dù vậy, tỷ phú Donald Trump vẫn có những lợi thế nhất định khi người được cho là đối thủ tiềm năng của ông, Hillary Clinton – đảng Dân chủ đang vướng vào bê bối sử dụng email cá nhân để giải quyết công việc khi đang tại nhiệm ở vị trí Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 – 2013. Thẩm phán liên bang Mỹ ở Washington Emmet Sullivan cho biết, bà Clinton có thể phải đối mặt với phiên thẩm vấn về vụ bê bối này. Sau khi thẩm vấn các nhân vật có liên quan như cựu Ngoại trưởng Clinton, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Philippe Reines và cựu Chánh văn phòng Ngoại trưởng Cheryl Mills, cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ gửi kiến nghị đến Tổng Công tố viên Loretta Lynch và chờ kết luận của bà về các cáo trạng hình sự nhằm vào ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Kết luận buộc tội bà Clinton chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới con đường vào Nhà Trắng của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ.

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)