Tuyên bố về an ninh hàng hải tại Biển Đông
Thông thường Hội nghị bộ trưởng G7 tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế, tuy nhiên hội nghị năm nay đã ra tuyên bố về an ninh hàng hải liên quan đến tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử gần 40 năm của nhóm G7. Ngoại trưởng các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và các đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã tái khẳng định cam kết đảm bảo tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Tuyên bố của G7 đã nhấn mạnh rằng việc chia sẻ các quan ngại về tình trạng hiện nay ở châu Á là rất quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản (hiện dang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc) và Mỹ, mà còn là các quốc gia châu Âu do số lượng lớn thương mại quốc tế được thực hiện thông qua vận chuyển hàng hải và vấn đề an ninh hàng hải là một điều kiện tiên quyết cho đảm bảo tự do của các hoạt động kinh tế. Phát triển và khai thác các quyền và lợi ích hàng hải phải được tiến hành theo hướng hợp tác giữa các quốc gia và trên cơ sở các quy tắc luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của G7 phản đối mọi hành động đơn phương gây căng thẳng cho khu vực, bao gồm cải tạo đất trên diện rộng, làm thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua. Bên cạnh đó, G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận hay các công cụ giải quyết tranh chấp khu vực, kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong khi ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lo ngại về tình trạng gia tăng các tranh chấp tại Biển Đông gần đây và công khai nói rằng Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để gây sức ép đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau khi Bắc Kinh công khai tuyên bố kế hoạch xây dựng và cải tạo các đảo tại Biển Đông ngày 9/4/2015.
Biển Đông trên bàn nghị sự G7
Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6/2015 tại Đức. Bên cạnh cuộc khủng hoảng quan hệ Nga – phương Tây, vấn đề Biển Đông lần đầu tiên xuất hiện trên bàn nghị sự G7.
Diễn ra ngay sau Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore, nơi Bắc Kinh chứng kiến một loạt những chỉ trích mạnh mẽ từ đại diện các quốc gia về hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông, hội nghị G7 năm nay không bàng quan trước diễn biến nghiêm trọng này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Nhật Bản và Mỹ mong muốn thúc đẩy G7 ra một tuyên bố mạnh mẽ tương tự như tuyên bố cấp Ngoại trưởng vừa qua trước việc Trung Quốc hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ Thông tấn xã Việt Nam và các báo)