Giải cứu Hy Lạp thành công
Năm 2015, Hy Lạp chìm trong hai cuộc khủng hoảng: cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ 5 và cuộc khủng hoảng di cư leo thang nhanh chóng từ đầu năm. “Bão” nợ công khiến nước này trải qua giai đoạn khốn khó chưa từng có trong lịch sử khi hệ thống ngân hàng hầu như “đóng băng” vì không có tiền mặt. Trước nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo ở Brussels và Athens sau rất nhiều cuộc đàm phán cuối cùng cũng đạt được đồng thuận về các gói giải cứu với tổng trị giá hơn 110 tỷ euro, khép lại tiến trình thương lượng kéo dài do những tranh cãi xung quanh các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà bộ 3 chủ nợ đề ra cho Hy Lạp. Athens cuối cùng đã phải nhượng bộ để tránh phá sản và nguy cơ phải rời EU.
Đánh giá những nỗ lực của chính phủ mới ở Hy Lạp trong giải quyết khủng hoảng, các chuyên gia cho rằng, việc ký thỏa thuận về gói cứu trợ tài chính thứ 3 là đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn đang chờ Hy Lạp giải quyết trong năm 2016. Việc liên tục trì hoãn thực thi những cam kết tranh cử cộng với làn sóng phản đối các chính sách khắc khổ mới nhất khiến viễn cảnh phục hồi ổn định và tăng trưởng trở nên u ám hơn.
Cuộc chiến “trừng phạt kinh tế” Nga – phương Tây
Năm 2015 tiếp tục chứng kiến cuộc chiến trừng phạt kinh tế chưa có điểm dừng giữa Nga và phương Tây. Mỹ và châu Âu liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột ở Ukraine và sự can thiệp của Điện Kremli vào tình hình Syria. Những đòn trừng phạt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào tình thế lao đao. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Nga, nền kinh tế Nga đã sụt giảm 4,1% trong quý III/2015 với nguyên nhân chủ yếu là giá dầu thế giới giảm và tác động của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga. Theo IMF, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể sẽ khiến Nga bị thiệt hại khoảng 9% GDP (khoảng 100 tỷ USD/năm) trong trung hạn.
Tuy nhiên, Nga không phải là nước duy nhất chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt này. Đức, Pháp, Na Uy, Thụy Điển… cũng thiệt hại nặng do các biện pháp trả đũa của Nga. Trong nửa đầu năm 2015, xuất khẩu của Đức sang Nga sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến thủy sản của Na Uy cũng bị ảnh hưởng khi mất 11% lợi nhuận. Bên cạnh đó, châu Âu còn đánh mất thị trường Nga vào tay Trung Quốc, các nước châu Á và Trung Đông.
Hoàn tất đàm phán TPP
Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, 12 quốc gia ở vành đai Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận lịch sử về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như mang đến không ít thách thức cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.
Quy tụ 12 nền kinh tế, trong đó có 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Nhật Bản, cùng với nhiều nền kinh tế phát triển và năng động trong khu vực, TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước tham gia, tạo thêm nhiều việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Tuy vậy, với tính chất mở cửa sâu rộng với các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và xuất xứ nội khối, hiệp định cũng mang tới nhiều thách thức cho các nước tham gia.
Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ
Sau thời kỳ dài gần 7 năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt tăng cực kỳ mạnh bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt một năm đã có những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi thị trường chứng khoán Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/6/2015 với tổng mức giảm lên tới hơn 30%. Thị trường đã phải trải qua gần một tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc. Chỉ trong 4 tuần, đã có 6,2 nghìn tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ngày 24/8/2015, hơn 800 cổ phiếu giảm kịch sàn biên độ 10% trên sàn chứng khoán Thượng Hải khiến Shanghai Composite Index xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Cú sốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng mạnh.
FED tăng lãi suất sau gần một thập kỷ
Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006, FED đã nâng lãi suất tiền gửi ngắn hạn đồng USD thêm 0,25%, kết thúc 7 năm giữ lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cuối năm 2008. Quyết định này của FED báo hiệu kinh tế Mỹ đã phục hồi từ cuộc suy thoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi. Lãi suất đồng USD cao hơn sẽ khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm nhiều lợi nhuận hơn. Các nước cũng phải trả nhiều hơn cho các khoản vay bằng đồng bạc xanh.
Giá dầu lao dốc
Giá dầu thô thế giới trong tháng cuối năm 2015 rớt xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng và có lúc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Sự sụt giảm gần đây của giá dầu tương đương với mức sụt giảm trong các năm 1985 – 1986, khi các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định tăng nguồn cung để giành lại thị phần.
Thị trường dầu mỏ bị nhấn chìm trong “cơn bão giá” do 3 yếu tố: nguồn cung mất ổn định bởi cuộc cách mạng năng lượng đá phiến từ Mỹ, nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng do sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu nói chung và sự tụt dốc khá nhanh ở các nền kinh tế mới nổi nói riêng, sự chia rẽ trong OPEC làm giảm vai trò của khối này trong việc điều chỉnh giá trên thị trường dầu mỏ. Vào thời điểm năm 2016 đang tới rất gần, các nhà giao dịch dầu mỏ vẫn chưa tìm thấy lý do thuyết phục để lạc quan hơn, khi nguồn cung dầu mỏ tiếp tục tăng. So với lúc cao đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014, giá dầu thô hiện giảm khoảng 70%.
Hy vọng vào những điểm sáng
Việc FED tăng lãi suất cho thấy sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Nhưng trong bối cảnh nhiều nước đang phải đối mặt với những thách thức từ lạm phát, động thái tăng lãi suất của FED khó có thể là “liều thuốc chữa lành vết thương” cho các nền kinh tế khác.
Theo dự báo, tăng trưởng toàn cầu năm 2016 chỉ ở mức 3,4% – 4% do sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng u ám trên các thị trường đang nổi. Giới phân tích không “đặt cược” vào khả năng đồng USD hạ giá, song cho rằng đồng euro sẽ sụt giá so với đồng USD. Đồng nhân dân tệ, hiện đã có mặt trong giỏ tiền tệ quốc tế – đã liên tục giảm giá, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang lao đao.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới cũng có những điểm sáng nhất định. Các nước phát triển sẽ có sự phục hồi chắc chắn hơn trong năm 2016, với mức tăng trưởng trung bình dự kiến khoảng 2%. Các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ (tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp, lạm phát, thất nghiệp và tạo việc làm) đều khả quan, với mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm tới có thể đạt trên 3%.
EU được coi là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới 2016 bởi đây là khu vực duy nhất sở hữu tiềm năng tăng trưởng ổn định. Với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới gia hạn gói nới lỏng định lượng tiền tệ ít nhất tới hết tháng 3/2017, khu vực đồng euro càng có thanh khoản tài chính dồi dào để đầu tư phát triển.
Một số nền kinh tế đang nổi cũng có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng của Ấn Độ được dự đoán sẽ có những chuyển biến khá tích cực trong năm tới, cùng với động lực có được từ việc cắt giảm lãi suất hồi đầu năm 2015 và tỷ lệ lạm phát thấp.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ
Thông tấn xã Việt Nam và các báo)