Với 60 phiếu ủng hộ và 38 phiếu chống, TPA đã vượt qua cửa ải cuối cùng tại Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/6. Thực tế số phiếu ủng hộ chỉ cần vượt qua 50 phiếu là đủ bảo đảm TPA được thông qua tại Thượng viện. Con số 60 phiếu cho thấy một chiến thắng áp đảo và sự nhất trí cao hiếm có giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Tại cuộc bỏ phiếu, các thượng nghị sĩ Cộng hòa vốn chủ trương phê chuẩn TPA nhận được sự ủng hộ của 15 thượng nghị sĩ Dân chủ. Trước đó, ngày 19/5/2015, TPA được Hạ viện thông qua với tỷ lệ sít sao 218 phiếu thuận và 208 phiếu chống. 

 

Cùng ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua Điều chỉnh Hỗ trợ thương mại (TAA), dự luật nhằm gia hạn chương trình hỗ trợ và đào tạo lại các lao động bị mất việc làm vì TPP, vốn trước đó được đính kèm vào gói dự luật về TPA.

 

Trước đó, các nghị sĩ Dân chủ đã đồng loạt bỏ phiếu chống TAA, chương trình “con đẻ” của đảng này, nhằm cản trở TPA. Tuy nhiên tình thế đã thay đổi, TPA đã rộng cửa rời đồi Capitol và giới quan sát dự đoán Hạ viện cũng sẽ nhanh chóng thông qua TAA. Hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện Sander Levin tuyên bố, các nghị sĩ Dân chủ từng phản đối TAA nay sẽ ủng hộ dự luật.

 

Thắng lợi của TPA và sau đó là TAA cho thấy các nỗ lực vận động hành lang của chính quyền ông Obama những ngày qua, đồng thời đánh dấu sự nhượng bộ của các nhà lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện khi thống nhất phương án tách TPA và TAA thành hai dự luật riêng để tiến hành bỏ phiếu. 

 

Khi được ký thành luật, TPA sẽ có hiệu lực tới năm 2021, cho phép Tổng thống Obama và tổng thống kế nhiệm ông toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài trước khi trình Quốc hội xem xét trong vòng 60 ngày.

 

Sau khi kết quả được công bố, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã hoan nghênh việc thông qua TPA là “một chiến thắng” của tầng lớp trung lưu. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, đánh giá TPA “là dự luật quan trọng nhất được Thượng viện phê chuẩn trong năm nay”.

 

TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của Hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP. Đây sẽ là một thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Obama, góp phần giải tỏa những hoài nghi của 11 đối tác đang đàm phán TPP. Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn thấy chính quyền Obama có được TPA trước khi hoàn tất TPP, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017.

 

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ Thông tấn xã Việt Nam)