Trong những năm tới, các chính phủ, nhóm đối lập và các tổ chức xã hội dân sự có xu hướng tổ chức nhiều hơn các cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới những chính sách của EU. Các quốc gia có thể sẽ dùng cách như Anh chuẩn bị làm để yêu cầu sự nhượng bộ từ EU. Chủ nghĩa quốc gia và nỗi lo toàn cầu hóa đang nổi lên trong lòng châu Âu.

 

 

Trong thời gian gần đây, châu Âu tràn ngập những cuộc trưng cầu dân ý. Tháng 4/2016, người Hà Lan đã đi bỏ phiếu chống lại Thỏa thuận liên kết giữa EU với Ukraine trong một cuộc trưng cầu dân ý do một tổ chức Euoskeptic (hoài nghi châu Âu) tiến hành. Đầu tháng 5/2016, chính phủ Hungary đã tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch của Ủy ban châu Âu về việc phân bổ hạn ngạch người xin tị nạn cho các quốc gia thành viên. Trong tháng 6/2016, Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý quan trọng về việc đi hay ở lại EU. 3 cuộc trưng cầu này đều có chung đặc điểm: công dân EU được yêu cầu ra quyết định về tiến trình hội nhập của châu lục.

Những cuộc trưng cầu dân ý trên chỉ là một phần trong lịch sử thăng trầm của EU liên quan tới nền dân chủ trực tiếp. Trong quá khứ, các chính phủ EU đã đưa ra rất nhiều quyết định ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia mà không cần tham khảo ý kiến người dân. Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC – tiền thân của EU) là một ví dụ khi EEC được ra đời năm 1957 mà không tham khảo ý kiến người dân. Bốn thập niên sau, những thành viên của Eurozone đã không cần hỏi ý kiến cử tri trước khi thành lập liên minh tiền tệ. Chỉ có Đan Mạch và Thụy Điển tổ chức trưng cầu dân ý về việc có gia nhập Eurozone hay không, kết quả là người dân hai nước này nói “Không”. Còn Anh đã thương lượng để đứng ngoài Eurozone.

Khi các chính phủ hỏi ý kiến người dân, kết quả thường cho thấy đi ngược lại tiến trình hội nhập của châu Âu. Người Ailen ban đầu đã bỏ phiếu chống lại các hiệp ước Nice (2001) và Lisbon (2008) liên quan tới việc chuyển giao thêm quyền cho các thể chế của EU. Sau đó, Ailen đã thương lượng với EU trước khi tiến hành cuộc trưng cầu thứ hai. Kết quả là người dân nước này đã bỏ phiếu ủng hộ. Tại Đan Mạch, phải đến lần bỏ phiếu thứ hai vào năm 1993, người dân nước này mới thông qua Hiệp ước Maastricht (hiệp ước thành lập EU). Nhưng cuộc trưng cầu nổi tiếng nhất của EU có lẽ là ở Pháp và Hà Lan hồi năm 2005, khi người dân đã chống lại kế hoạch xây dựng hiến pháp EU. Sự phản đối của công dân hai nước sáng lập EU đã buộc khối này phải từ bỏ dự án xây dựng một bản hiến pháp chung cho liên minh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay đang làm phức tạp thêm tình hình khi các chính phủ ngày càng ngả theo chủ nghĩa dân tộc. Những gì đang diễn ra tại Anh là điển hình cho xu hướng này và không có gì đảm bảo là các nước khác sẽ không đưa ra các đòi hỏi tương tự trong tương lai. Có một nghịch lý tồn tại trong các cuộc trưng cầu dân ý đó là khi phát huy nền dân chủ trực tiếp để góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại của EU, các cuộc trưng cầu đồng thời là làm phân rã tiến trình hội nhập của châu Âu.

Mặt tối của trưng cầu dân ý

Nhìn bề ngoài, trưng cầu dân ý là công cụ tuyệt vời của nền dân chủ, cho phép người dân đóng góp tiếng nói trực tiếp vào các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Trưng cầu dân ý cho phép cử tri tham gia vào tiến trình chính trị một cách chủ động và tích cực. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chúng đã buộc người dân phải đưa ra các quyết định về những vấn đề phức tạp mà có thể người dân không hoàn toàn nắm rõ. Những vấn đề phức tạp chỉ được gói gọn lại trong hai từ “Có” và “Không”. Các cuộc trưng cầu cũng thường bị chi phối bởi với tình hình chính trị nội bộ quốc gia tiến hành trưng cầu. Nhiều công dân hay đảng phái chính trị có xu hướng xem trưng cầu dân ý như là một cuộc bỏ phiếu cho chính phủ hơn là đem vấn đề ra thảo luận. Kết quả của cuộc trưng cầu, do đó, đôi khi được quyết định bởi tình hình kinh tế hay mức độ ủng hộ của dân chúng đối với chính phủ đương nhiệm.

Thể chế xuyên quốc gia của EU khiến những vấn đề liên quan trở nên khó hiểu với các cử tri hơn là những vấn đề nội bộ đất nước. Họ thường có xu hướng quan tâm tới các vấn đề quốc gia của mình hơn là những câu chuyện của châu lục. Điều này khiến người dân đi bỏ phiếu sẽ ra quyết định dựa trên tình hình chính trị, kinh tế của đất nước. Rất nhiều người Pháp đi bỏ phiếu phản đối Hiến pháp EU đơn giản vì họ không ưu cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Điều tương tự cũng đúng với các cuộc bầu cử tại Nghị viện EU, đa số các đảng phái chính trị triển khai chiến dịch tranh cử tập trung vào các vấn đề nội trị hơn là vấn đề của toàn châu Âu. Do đó, kết quả bầu cử Nghị viện thường phản ánh mức độ ủng hộ của người dân với chính phủ cầm quyền.

Các cuộc trưng cầu dân ý cũng làm phức tạp tiến trình ra quyết định của EU. Các hiệp ước của liên mình này đều cần phải được tất cả các nước thành viên phê chuẩn để có hiệu lực. Vì thế, toàn bộ tiến trình phê chuẩn của EU có thể bị trì hoãn chỉ bởi vì quyết định của người dân một nước thành viên nào đó. Điều này tạo ra rào cản lớn đối với việc thông qua các hiệp ước, song bên cạnh đó, lại đem tới cho quốc gia (nơi người dân phản đối hiệp ước) một vị thế để thương lượng với EU.

Công cụ thương lượng quyền lực

Ở một khía cạnh nào đó, sự xuất hiện của nhiều cuộc trưng cầu dân ý gần đây tại EU là hệ quả của động thái vào tháng 6/2015 của Anh. London đã cho thấy rằng, trưng cầu dân ý có thể được sử dụng để tìm kiếm sự nhượng bộ từ Brussels. Trong những năm tới, các chính phủ châu Âu có thể sử dụng hoặc đe dọa sử dụng công cụ này để đòi hỏi những nhượng bộ từ EU, để biện minh cho các quyết định nội trị hay tăng sự ủng hộ của dân chúng. Hệ lụy của tình trạng này sẽ là đẩy các thành viên EU xa hơn khỏi trung tâm quyền lực Brussels.

Nhưng nói vậy không có nghĩa tất cả các nước có thể sử dụng thành công công cụ thương lượng này. Năm 2015, chính quyền Hy Lạp đã trưng cầu dân ý về biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm gây áp lực giới chủ nợ giảm nhẹ các điều kiện của gói cứu trợ song đã không thu được nhiều thành công. Chính phủ Hungary cũng dự định sẽ dùng sự phản đối của người dân với kế hoạch tái phân bổ người di cư để biện minh cho việc bác kế hoạch này của Brussels và giành thêm tín nhiệm của người dân. Nhưng vị thế đàm phán của Hungary sẽ chỉ tăng lên nếu nước này phối hợp được với các quốc gia có quan điểm tương tự trong EU. Tóm lại, các cường quốc sẽ có vị thế lớn hơn khi đe dọa sử dụng trưng cầu dân ý để mặc cả với EU do các nước này có khả năng gây “thương tích” cao hơn cho toàn khối.

Tại Áo, lãnh đạo Đảng Tự do đã tuyên bố Vienna cần phải được điều hành thông qua trưng cầu dân ý như cách mà Thụy Sĩ đang làm. Đảng Mặt trận Dân tộc của Pháp cũng cam kết sẽ tổ chức bỏ phiếu về tư cách thành viên của EU nếu thắng lợi trong bầu cử Tổng thống vào năm 2017 tới. Đảng Phong trào Năm ngôi sao của Italy cũng tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Eurozone nếu đắc cử. Nếu tất cả những điều này thành sự thật tại Pháp và Italy – nền kinh tế lớn thứ 2 và 3 của Eurozone, nó sẽ là dấu chấm hết cho EU.

Tại Italy, kết quả của trưng cầu dân ý do người dân tổ chức có giá trị pháp lý bắt buộc nhưng chỉ khi số lượng cử tri tham gia phải trên 50% dân số. Đa số các cuộc trưng cầu dân ý do dân tự tổ chức trong vòng 20 năm qua đều không có hiệu lực do không có đủ người tham gia. Tại Hà Lan, con số này quy định thấp hơn (30%) song các cuộc trưng cầu do người dân tổ chức không có tính ràng buộc. Các nước như Croatia, Litva và Hungary cũng có quy định cho phép người dân đề xuất trưng cầu dân ý.

Một số quốc gia có cơ chế dân chủ trực tiếp. Chẳng hạn ở Áo và Phần Lan, người dân có thể buộc nghị viện thảo luận về một chủ đề nào đó nếu thu thập đủ chữ ký. Vào cuối tháng 4 vừa qua, Nghị viện Phần Lan đã tổ chức một cuộc tranh luận về tư cách thành viên Eurozone sau khi một nhóm công dân thu thập đủ chữ ký. Dù các cuộc thảo luận trên nghị trường là không ràng buộc song việc người dân thu thập đủ chữ ký cho thấy mối quan ngại của dư luận đối với tác động của đồng euro đối với tình hình kinh tế Phần Lan.

Những cuộc trưng cầu trong tương lai

Trong những năm tới, có rất nhiều vấn đề tại châu Âu mà người dân có thể yêu cầu tổ chức trưng cầu ý kiến. Dù ít khả năng sẽ xuất hiện một hiệp ước EU mới trong môi trường chính trị hiện nay, nhưng bất kỳ động thái làm thay đổi khung pháp lý của EU có thể châm ngòi cho các cuộc trưng cầu dân ý trên khắp châu lục. Các đảng và tổ chức Euroskeptic ở Nam Âu, cũng như các chính phủ ôn hòa, có thể đe dọa trưng cầu về tư cách thành viên EU hoặc Eurozone nhằm đòi hỏi những nhượng bộ từ Brussels trên các vấn đề liên quan tới tài khóa, tái cấu trúc nợ. Các lực lượng Euroskeptic ở Bắc Âu cũng có thể dùng công cụ này để thắt chặt các biện pháp bảo vệ sự giàu có của quốc gia mình.

Các phong trào ly khai tại Calalonia, Scotland và Flanders sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc trưng cầu dân ý như là công cụ để tìm kiếm sự tự trị hoặc một nền độc lập lớn hơn từ chính quyền trung ương. Các chính phủ khu vực hoặc cấp vùng cũng có thể chống đối kế hoạch phân bổ người tị nạn bằng cách tổ chức trưng cầu ý dân. Cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp ở phía Nam và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc đang chuẩn bị thương lượng để thống nhất quốc đảo này, tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận thống nhất nào sẽ cần hai khu vực nhất trí thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Các cuộc trưng cầu dân ý cũng tác động tới các vấn đề quốc tế. Áp lực dư luận có thể buộc các chính phủ ở một số nước EU phải tổ chức trưng cầu ý dân về các thỏa thuận thương mại như Thỏa thuận thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Các quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển cũng khó mà gia nhập NATO mà không trưng cầu ý dân. Áo và Ailen chưa có kế hoạch gia nhập NATO nhưng nếu muốn, sẽ khó mà không hỏi ý kiến toàn dân về vấn đề này thông qua trưng cầu dân ý.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)