5 cường quốc cùng nhìn về châu Á
– Mỹ:Chính sách xoay trục của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến triển trong 5 năm qua với hai hướng chính là sang Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Với Đông Nam Á, Washington chú trọng mở rộng khuôn khổ liên minh, thể hiện qua nỗ lực khuyến khích Nhật Bản và Australia theo đuổi hợp tác ba bên. Cùng với đó là tăng cường hợp tác với ASEAN. Trong khi đó, sự xoay trục Đông Bắc Á của Nhà Trắng là nhằm củng cố mối quan hệ liên minh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn trước những căng thẳng mới: sự bất đồng về các chính sách đối với Trung Quốc và Triều Tiên, mâu thuẫn trong phản ứng với Nga, và sự thù địch đang ngày càng tăng giữa hai đồng minh của Washington là Seoul và Tokyo. Sự xoay trục này ít nhiều bị gián đoạn khi hai nước này khăng khăng làm theo cách riêng của họ trong khi củng cố mối quan hệ quân sự với Mỹ, và tất cả các bên chờ đợi những động thái tiếp theo của Triều Tiên và những phản ứng của Trung Quốc và Nga đối với họ.
– Trung Quốc:Dưới sự “cầm cương” của nhà lãnh đạo cứng rắn Tập Cận Bình cũng có những bước đi của riêng mình tại châu lục này. Bắc Kinh đã đề xuất các sáng kiến “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, “Con đường tơ lụa trên biển”, kêu gọi tăng cường hợp tác ASEAN +1, xúc tiến hành lập Ngân hàng Đầu tư phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)… Theo giới phân tích, các sáng kiến này đều lấy Trung Quốc làm trung tâm để đối trọng với Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN lãnh đạo và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.
– Nga:Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine dẫn tới các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin cũng lựa chọn “Đông tiến”. Chính sách xoay trục của Moscow được nhìn nhận như một chiến lược tái cân bằng cơ bản, chuyển mình từ một đất nước mà trong hơn nửa thiên niên kỷ được biết đến như một cường quốc châu Âu. Sau tranh cãi từ thế kỷ XIX về việc Nga có thể đạt được sự cân bằng giữa châu Âu và châu Á như thế nào, Moscow đã tạo sự thay đổi đột ngột có thể gọi một cách thích hợp là “rời khỏi châu Âu” và “bước vào châu Á”. Chính sách xoay trục sang châu Á hiện này của Nga dựa vào mối quan hệ ngày càng gần gũi với Trung Quốc, nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nga trong một khuôn khổ an ninh đa phương tập trung vào Triều Tiên và đặt vấn đề năng lượng và phát triển vùng Viễn Đông Nga và Đông Siberia lên đầu chương trình nghị sự.
– Ấn Độ:Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đưa ra một chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Chính sách ngoại giao của ông Modi ở Đông Nam Á, bắt đầu với Myanmar – cửa ngõ đối với Ấn Độ – và mở rộng các mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam, Singapore và Indonesia. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng chú trọng xây dựng năng lực kinh tế và quân sự, khiến Đông Bắc Ấn Độ trở nên kết nối tốt hơn với các bang khác của Ấn Độ và Đông Nam Á, xây dựng sự kết nối trên biển, và không còn giữ thái độ trung lập về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực.
– Nhật Bản:Cuối cùng là sự xoay trục của Nhật Bản với các chuyển động ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe. Năm 2014 đã cho thấy tầm hoạt động của ông Abe mở rộng sang Đông Bắc Á -Nga và Triều Tiên – và với Đông Nam Á, Australia và Ấn Độ. Khi các cuộc đàm phán tiếp tục về TPP đặt trọng tâm vào sự lãnh đạo Mỹ -Nhật và Nhật Bản khẳng định rằng các giá trị chung và an ninh tập thể là cốt lõi của chiến lược khu vực của nước này, vai trò mang tính hỗ trợ của nước này trở nên rõ ràng hơn. Hướng tới các đối tác trong châu lục đã trở thành một sáng kiến “chủ động” mạnh mẽ vượt quá những giới hạn của chính sách đối ngoại thời hậu chiến.
Cuộc đua của hai siêu cường
Với vai trò và vị thế của mình, hai định chế AIIB và TPP thực sự là cuộc đọ sức giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương.
– Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB)đặt trụ sở tại Bắc Kinh, có vốn pháp định là 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD. Ngân hàng này có 35 thành viên sáng lập, sau lại có thêm 23 nước xin tham gia, nâng tổng số thành viên lên 58 nước.
Trong AIIB, Trung Quốc chiếm vị thế áp đảo vì đóng góp tới 30% vốn (nắm giữ 26% quyền biểu quyết), thứ hai là Ấn Độ (8%), Nga (6,5%), Đức (4,5%), Pháp (3,4%), Brazil (3,2%). Nếu so sánh AIIB với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì WB có 118 thành viên và 223 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp 16% vốn; ADB có 67 thành viên và 175 tỷ USD vốn, phần lớn do Nhật Bản và Mỹ đóng góp. Nhưng ngay từ bây giờ, người ta đã không loại trừ khả năng AIIB về lâu dài sẽ qua mặt ADB và thậm chí còn trở thành đối thủ ngang tầm với WB đang bị Nhật và Mỹ chi phối. Các nhà phân tích thế giới còn cho rằng, trong việc lập AIIB, Bắc Kinh còn muốn thực hiện một tham vọng sâu xa hơn là làm cho được “con đường tơ lụa mới” kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi và Trung Đông và thực hiện dự án “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, theo đó Trung Quốc sẽ nổi lên là một đối thủ cạnh tranh về nhiều mặt với Mỹ trên toàn cầu.
– Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP):Là một kế hoạch hội nhập kinh tế do Mỹ đề xướng, bao gồm 12 quốc gia trong vùng lòng chảo Thái Bình Dương, trong đó có ba nước ở Mỹ La tinh là Peru, Chile và Mexico. Khối nước này chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và Washington coi TPP là một công cụ phục vụ cho chính sách xoay trục của Mỹ sang vùng châu Á – Thái Bình dương rộng lớn, đông dân, giàu tài nguyên, giàu tiềm năng và cũng đang phát triển năng động nhất trong thế kỷ hiện nay.
Cùng với TPP, Mỹ đang thương lượng với châu Âu về Hiệp định thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây dương, gọi tắt là (TTIP). TPP và TTIP có thể là nguồn gốc cho việc thiết lập các quy định về thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ toàn cầu từ 50 năm đến 100 năm. Chính quyền Obama đang đẩy nhanh cả hai hiệp định này cùng một lúc cho thấy tầm quan trọng về lâu dài của việc kết hợp hai hiệp định này và tham vọng của người đứng đầu Nhà trắng hiện nay là muốn để lại cho hậu thế một di sản chính trị của mình. Thậm chí, một khi TPP được ký kết, nó cũng đặt nền móng cho một trật tự thương mại quốc tế mới với các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, các khoản trợ giá bị hạn chế và các quy định được thống nhất, điều mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thể chế tiền thân của nó không làm được trong 50 năm.
Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ các vòng đàm phán của TPP nhưng chưa thể “nhẹ nhõm” vì nhiều thách thức đang đặt ra với Bắc Kinh, trong đó có hai thách thức lớn nhất:
Một là,Trung Quốc sẽ mất cơ hội tham gia vào việc định hình các quy tắc thương mại mới thay thế các quy tắc của WTO, vì Mỹ đã tham gia vào việc xây dựng các luật mới này thông qua đàm phán TPP, TTIP và Hiệp định thương mại trong lĩnh vực dịch vụ (TISA).
Hai là,đàm phán TPP sẽ dẫn tới làn sóng chuyển dịch ồ ạt về thương mại và đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương. Do giá lao động tại Trung Quốc tăng cao, nguồn đầu tư nước ngoài chuyển tới các quốc gia đang phát triển, thay vì vào Trung Quốc như trước đây.
*Theo giới phân tích, sự chuyển hướng của các nước dường như mang nhiều hơn màu sắc của sự đối đầu, cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự quyết đoán của Trung Quốc đang đẩy Nhật Bản và có thể cả Ấn Độ cũng như các cường quốc bậc trung như Australia tiến gần hơn với Mỹ. Ấn Độ hiện chưa thể trở thành một siêu cường và phải chịu quá nhiều áp lực từ Trung Quốc khiến không thể nhìn thấy được những lợi ích từ việc tiến gần hơn đến phe do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, nước này cũng không thể bỏ qua Washington. Trong khi đó, những khó khăn nội tại và sự quyết đoán của Nga, được thúc đẩy bởi bản sắc dân tộc hơn là bởi các lợi ích quốc gia, cũng đang ràng buộc nước này vào Trung Quốc.
Trong thế đan xen cạnh tranh lợi ích giữa các cường quốc, các nước châu Á là tâm của sự xoay trục cần theo đuổi một chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt và thận trọng trên cơ sở đề cao lợi ích dân tộc và độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như các chuẩn mực quốc tế.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp
từ Thông tấn xã Việt Nam và các báo)