Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ, Mỹ đẩy nhanh tiến độ “chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông”, đồng thời thực thi chiến lược “tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương. Tạp chí Chính trị Trung Quốc đã có bài phân tích với nội dung cơ bản như sau:

Động lực chiến lược của việc Mỹ can dự vào vấn đề biển Đông Á

Địa vị chủ đạo của Mỹ trong cục diện địa chính trị và an ninh châu Á – Thái Bình Dương là cơ sở bá quyền toàn cầu của Mỹ. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ luôn khẳng định vai trò chủ đạo ở châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, thìsự cảnh giác và lo ngại của Mỹ ngày càng tăng lên, buộc phải tăng cường sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại Đông Á, để tỏ rõ ưu thế bá quyền của mình. Cùng với đó, Mỹ đẩy mạnh mức độ đầu tư chiến lược đối với khu vực Đông Á.

Từ phương diện kinh tế cho thấy sự thay đổi tình hình của khu vực Đông Á liên quan đến lợi ích chiến lược trên các mặt như kinh tế và tài chính của Mỹ. Thứ nhất, Đông Á tập trung các quốc gia và khu vực có quan hệ kinh tế hoặc chính trị mật thiết với Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và là khu vực nhập khẩu hàng hóa quan trọng nhất của Mỹ. Thứ hai, do trong thương mại giữa Đông Á và Mỹ, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, Mỹ luôn tồn tại tỷ lệ nhập siêu thương mại rất lớn. Vì vậy, khối kinh tế Đông Á có lượng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD và mức trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất, có vai trò không thể thiếu đối với sự bá quyền đối với đồng USD. Thứ ba, Mỹ được hưởng lợi ích thương mại rất lớn ở vùng biển Đông Á, đặc biệt là Biển Đông.

Từ phương diện chính trị và anh ninh cho thấy, trong quy chế chiến lược toàn cầu của Mỹ, sự can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông Á chủ yếu xuất phát từ 3 nhân tố: Thứ nhất, truyền thống chiến lược của Mỹ quyết định Mỹ phải đảm bảo sự kiểm soát đối với vùng biển Đông Á. Thứ hai, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, kinh tế Trung Quốc có sự phát triển nhanh chóng và Mỹ luôn cảnh giác cao độ với sự phát triển này. Thứ ba, hạn chế khuynh hướng “ly tâm” của các nước đồng minh châu Á – Thái Bình Dương và ngăn cản tiến trình nhất thể hóa Đông Á.

Cách thức can dự vào vấn đề biển Đông Á của Mỹ

– Về tuyên bố chính trị, trong vấn đề Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ chủ yếu thông qua các phương thức như hỗ trợ gián tiếp để ủng hộ các nước trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

– Về mưu đồ chiến lược, Mỹ tìm cách thông qua việc tăng cường chiến lược “tái cân bằng” châu Á – Thái Bình Dương, củng cố vị thế chủ đạo của Mỹ ở Đông Á và hạn chế vai trò của Trung Quốc.

– Về các hành động thực tế, những năm gần đây, Mỹ đã dần mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như tăng cường liên minh quân sự, mở rộng hợp tác quân sự, tăng cường bố trí trang thiết bị quân sự tiên tiến, năng lực tấn công tầm xa…

Ảnh hưởng của việc Mỹ can dự vào Biển Đông

Thứ nhất, ở mức độ nào đó,xu hướng phức tạp hóa vấn đề biển Đông Á ngày càng nghiêm trọng.

Thứ hai,Mỹ can dự vào vấn đề biển Đông Á không thể tránh khỏi việc làm đình trệ tiến trình nhất thể hóa khu vực Đông Á.

Thứ ba,việc Mỹ can dự vào khu vực biển Đông Á gây nên ảnh hưởng đối với sự phát triển của Trung Quốc và làm tăng thêm tính dễ bùng nổ trên khu vực biển Đông Á.

Tóm lại, chiến lược can dự của Mỹ, ở một mức độ nào đó đã trở thành nhân tố then chốt kiểm soát và giải quyết tranh chấp biển Đông Á. Trung Quốc đã có những tính toán để thúc đẩy việc cùng khai thác và quản lý, kiểm soát tranh chấp; nhằm mở rộng không gian chiến lược và hạn chế ảnh hưởng của nhân tố Mỹ đối với vùng biển này.             

(Tổng hợp từ Thông tấn xã Việt Nam)