Tuy nhiên, thông tin rò rỉ từ các cuộc họp trù bị lại cho thấy các thành viên sáng lập đã quyết định sử dụng đồng bạc xanh của Mỹ là đồng tiền thanh toán ở AIIB. Vì sao Bắc Kinh chấp nhận quyết định này?

 

USD hay Nhân dân tệ?

 

Trong một bài báo có tiêu đề “Năm câu hỏi quan trọng mà AIIB đang phải đối mặt”, Tạp chí Outlook của Trung Quốc nhận định, có ba phương án lựa chọn đồng tiền thanh toán của AIIB là USD, NDT và rổ tiền tệ AIIB, trong đó USD được coi là đồng tiền tiện lợi nhất và hiệu quả nhất về mặt chi phí, trong khi đồng NDT là đồng tiền bất tiện nhất và đắt đỏ nhất. Rổ tiền tệ AIIB là một phương án hấp dẫn nhất cho dù rổ tiền tệ này chịu tác động nhiều hơn trước những biến động trên thị trường.

 

 

Tất nhiên, Trung Quốc mong muốn NDT sẽ trở thành đồng tiền thanh toán của AIIB. Ông Hong Hao – chuyên gia kinh tế của Công ty Bocom International, nhận định Trung Quốc sẽ cố gắng đưa NDT trở thành đồng tiền thanh toán. Nếu đồng bạc xanh của Mỹ được sử dụng, nó sẽ làm suy yếu các nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng NDT và thách thức vị trí thống trị của USD.

 

Tuy nhiên, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, 57 thành viên sáng lập AIIB đã quyết định lựa chọn đồng USD là đồng tiền thanh toán ở AIIB. Nguồn tin trên đã tham gia vòng thứ 4 của hội nghị trù bị diễn ra ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 3/2015 nhằm chuẩn bị cho việc ký kết Hiến chương AIIB vào cuối tháng 6 tới. Theo đó, các sáng lập viên đã nhất trí Hiến chương AIIB sẽ khẳng định “USD là đồng tiền thanh toán” của ngân hàng này.

 

Theo quan điểm của Trung Quốc, AIIB được thành lập để sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ của họ, trong đó chủ yếu là các tài sản được định giá bằng đồng USD. Vì vậy, Trung Quốc không có ý định phản đối việc sử dụng USD là đồng tiền thanh toán ở AIIB.

 

Nguồn tin trên cũng cho biết, các sáng lập viên đã nhất trí vốn điều lệ của AIIB là 100 tỷ USD, cao gấp đôi so với con số mục tiêu ban đầu. Các thành viên châu Á ở AIIB, trong đó có Nga, có thể sẽ giữ 75% cổ phần tại AIIB, trong khi các thành viên đến từ các châu lục khác sẽ chiếm phần còn lại. Theo dự kiến, vòng cuối cùng của cuộc họp nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của AIIB sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 20 đến 22/5/2015.

 

Lựa chọn khôn ngoan

 

Trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT, thời gian qua, Trung Quốc đã ký kết 20 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương các nước và vận động thành lập các trung tâm thanh toán bù trừ bằng NDT trên khắp thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trao vị thế đồng tiền dự trữ cho đồng bản tệ và đưa NDT vào rổ tiền tệ hình thành nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Tuy nhiên, nỗ lực đó của Bắc Kinh đang vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ.

 

Chính vì vậy, Trung Quốc muốn sử dụng AIIB và SRF như những công cụ để đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng bản tệ. Dẫu vậy, Bắc Kinh hiểu rằng họ khó có thể thuyết phục các thành viên sáng lập AIIB chấp nhận phương án sử dụng NDT, nhất là khi nhiều người vẫn quan ngại về ý đồ thực sự của Trung Quốc khi đưa ra các sáng kiến trên.

 

Sau khi Bắc Kinh đưa ra sáng kiến thành lập AIIB, nhiều người đã nhận định rằng AIIB chính là đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những định chế tài chính quốc tế vẫn đang bị phương Tây chi phối. Và với việc thành lập AIIB và SDF, Trung Quốc muốn định hình lại trật tự tài chính toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Do vậy, với việc chấp nhận để USD làm đồng tiền thanh toán ở AIIB, Bắc Kinh đã tạm thời làm dịu bớt những quan ngại đó.

 

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng về lâu dài, AIIB sẽ vẫn là công cụ để Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT và đưa đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng Yifan Hu của công ty Haitong Securities International nhận định sẽ rất khó để đạt được đồng thuận về rổ tiền tệ AIIB. Thực tếcho thấy, sau nhiều năm thương lượng, ADB đã thất bại trong việc xây dựng một rổ tiền tệ riêng của mình. Vì vậy, đồng bạc xanh của Mỹ sẽ được sử dụng trong giai đoạn đầu của AIIB. Sau đó, AIIB sẽ dần dần chuyển sang sử dụng kết hợp USD và NDT.

 

* Ba nhân tố quyết định sự thành công của Dự án “Một vành đai, một con đường”

 

Dự án “Một vành đai, Một con đường” (OBOR), “Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” đã trở thành từ khóa chính và mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Giới học thuật Trung Quốc cho rằng, năm 2013 đánh dấu sự “thai nghén” ý tưởng OBOR, năm 2014 chứng kiến những chuyển động đầu tiên nhằm hiện thực hóa ý tưởng này. Năm 2015, nhiệm vụ chính là thực thi đầy đủ OBOR. Có 3 nhân tố quyết định thành công của dự án.

 

Nhận diện chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ

 

Trước hết, OBOR được đưa ra trong bối cảnh Mỹ công bố chiến lược “tái cân bằng ở châu Á”, nhằm đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh. Vì vậy, ở khía cạnh nhất định, việc thúc đẩy sáng kiến OBOR là câu trả lời của Bắc Kinh cho những ảnh hưởng tiêu cực mà chiến lược xoay trục của Mỹ có thể gây ra. Trung Quốc nhìn nhận chiến lược tái cân bằng của Mỹ như thế nào sẽ có ảnh hưởng lớn tới phản ứng và các biện pháp phòng ngừa của Bắc Kinh.

 

Nếu chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải đối phó bằng cách thiết lập và mở rộng các liên minh, cũng như khai thác quan hệ bán đồng minh và đối tác với các nước bạn bè. Bằng cách đó, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị, làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở ngoại vi của Trung Quốc. Thế nhưng, chiến lược của Mỹ có thể không nhắm tới mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Thay vào đó, mục đích tái cân bằng của Mỹ nhằm phát đi thông điệp: Washington có khả năng đối đầu với Trung Quốc, nhưng sẽ không làm như vậy, mặc dù Washington không loại trừ khả năng này nếu đó là phương sách cuối cùng. Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ theo đuổi các lợi ích quốc gia trong phạm vi quốc tế chấp nhận và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Trong ngắn hạn, tái cân bằng là chiến lược bảo hiểm rủi ro của Mỹ, với mục tiêu kép là vừa tham gia, vừa răn đe. Trong trường hợp này, có sự chồng chéo giữa Mỹ và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, cạnh tranh đồng thời và hợp tác sẽ trở thành tiêu chuẩn mới.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thực tế, Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Lập luận chung là Washington muốn Tây hóa Trung Quốc về ý thức hệ và chính trị; tăng cường liên minh và hỗ trợ các đối thủ của Trung Quốc; ngăn chặn việc bán các công nghệ tiên tiến và vũ khí cho Trung Quốc; buộc Bắc Kinh áp dụng nền kinh tế thị trường và thúc đẩy sự xâm nhập văn hóa thông qua các hoạt động trao đổi và đào tạo.

 

Trong thời đại hậu Chiến tranh Lạnh, thách thức lớn nhất của Mỹ là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dưới chính quyền Clinton, Washington đặt ra chiến lược phòng ngừa rõ ràng đối với Bắc Kinh, gồm cả tham gia và ngăn chặn. Tại thời điểm đó, Trung Quốc chưa đủ khả năng thách thức Mỹ, vì vậy Washington tập trung hơn vào việc lôi kéo Trung Quốc tham gia hệ thống chính trị – kinh tế thế giới. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế thế giới, buộc Mỹ phải điều chỉnh chính sách đối với nước này. Washington đưa ra chiến lược Xoay trục sang châu Á, sau này đổi tên thành Tái cân bằng châu Á. Đồng thời, Mỹ đưa ra ý tưởng về một Indo – châu Á – Thái Bình Dương, nhằm lôi kéo các nước Nam Á trong khi kiềm chế Trung Quốc. Đáng lưu ý là Mỹ đã không từ bỏ việc tham gia với Trung Quốc.

 

Sự mất lòng tin của các nước láng giềng

 

Gần đây, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập mọi cơ chế quốc tế mà trong đó Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh quan hệ cường quốc và chủ trương chính sách không liên kết, trong khi đưa ra những hành động khiêu khích trong các tranh chấp trên biển. Do đó, các nước lân cận lo ngại việc Trung Quốc theo đuổi các lợi ích quốc gia sẽ gây tổn hại cho các nước láng giềng. Vì mối lo này, nhiều nước đã áp dụng chiến lược phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, song song với dựa dẫm an ninh vào Mỹ. Việc thực thi sáng kiến OBOR sẽ giúp tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ từ các nước nằm dọc vành đai Con đường tơ lụa trên biển, đặc biệt ở mặt trận an ninh. Đây có thể là thách thức lớn nhất của chiến lược OBOR.

 

Về kinh tế, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược OBOR thông qua đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng chung, nhằm chia sẻ tăng trưởng kinh tế của nước này với các nước thuộc con đường tơ lụa. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vừa và nhỏ lo ngại, sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc sẽ kéo theo dòng người nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc, cùng sự gia tăng tình trạng tham nhũng trong nước.

 

Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức khác, như việc một số nước nằm trên con đường tơ lụa lo ngại về tác động tiêu cực của các dự án hạ tầng quy mô lớn tới môi trường. Những nước nhỏ lo ngại đầu tư vĩ mô sẽ làm thay đổi văn hóa truyền thống và tập quán của các nước này. Chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề này trong nước, nhưng tình hình hiện tại đòi hỏi Trung Quốc giải quyết những vấn đề này khi áp dụng với đầu tư nước ngoài.

 

Những rủi ro chính trị và kinh tế

 

Một quốc gia đang nổi lên chắc chắn cần thiết lập không gian riêng về chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa. Trong lịch sử, không gian này là độc quyền. Thậm chí ngày nay, chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ đang tìm cách xây dựng cơ chế an ninh và kinh tế độc quyền, đó là tăng cường các liên minh song phương và bán liên minh, hay hình thành quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương độc quyền (TPP).

 

Trung Quốc lại hành động rất khác khi hoan nghênh Mỹ tham gia các cơ chế khu vực do Trung Quốc dẫn đầu như các khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). So với sáng kiến của Mỹ, các hành động của Trung Quốc cho thấy sự cởi mở và toàn diện hơn.

 

Thiết lập không gian khu vực riêng của mình là bước cần thiết của Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc toàn cầu. Do thế mạnh của Trung Quốc nằm ở lĩnh vực kinh tế, OBOR chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc vực dậy nền kinh tế của tất cả các nước nằm trên con đường tơ lụa là nhiệm vụ vượt quá khả năng và trách nhiệm của bất kỳ nhà nước đơn lẻ nào. Do đó, Trung Quốc cần thận trọng về các rủi ro kinh tế và chính trị trong việc thực hiện chiến lược của mình.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, động lực chính trong nước của chiến lược OBOR là làm giảm dự trữ ngoại hối và chuyển đổi thừa công suất. Tuy nhiên, ba nguyên tắc của dự trữ ngoại hối là an ninh, thanh khoản và lợi nhuận, với an ninh là nguyên tắc quan trọng nhất. Xét rằng môi trường đầu tư trong các nước thuộc con đường tơ lụa không phát triển như môi trường ở châu Âu và Mỹ, lợi nhuận trên đầu tư nhiều khả năng sẽ thấp, một số khoản đầu tư thậm chí có thể trở thành nợ xấu. Đây sẽ là sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý dự trữ ngoại hối, khi để các quỹ này trở thành nợ xấu. Do vậy, Trung Quốc cần phải tránh nguy cơ này bằng mọi giá.

 

Ngoài ra, cũng đáng lưu ý về những rủi ro chính trị của chiến lược OBOR. Nhiều nước thuộc con đường tơ lụa đang trong tình trạng mất ổn định chính trị, tham nhũng nghiêm trọng hoặc các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Vậy làm thế nào để tìm nước ổn định chính trị, có tiềm năng kinh tế sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc? Đây là câu hỏi nghiên cứu chính cho chiến lược OBOR. Có thể tạm phân loại các nước con đường tơ lụa thành bốn nhóm: các nước vừa và nhỏ; các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc; các quốc gia có quyền hạn tiểu vùng và các quốc gia có tiềm năng hoạt động như các quốc gia mũi nhọn, tức là có khả năng trở thành đối tác đáng tin cậy đối với Trung Quốc và đạt đến ngưỡng nhất định của nước mạnh. Các nước trong nhóm cuối cùng này là chìa khóa của chiến lược OBOR.

 

Tóm lại, bất cứ cách tiếp cận hay sự điều chỉnh nào của Trung Quốc trong chiến lược phát triển nhằm phản ứng trước ba thách thức nêu trên đều cần được coi như một phần quan trọng trong tổng thể sự phát triển của Trung Quốc. Chiến lược OBOR là mốc quan trọng mà Trung Quốc cần vượt qua để trở thành cường quốc thế giới toàn diện, đồng thời là phép thử đối với năng lực quốc gia của Trung Quốc và Mỹ ở mọi khía cạnh. Nếu OBOR thất bại, điều đó đồng nghĩa với cơ hội cho Mỹ và rắc rối cho Trung Quốc.

 

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp)