Những thiệt hại to lớn

Theo tính toán của OECD, hàng năm chính phủ các nước thất thu từ 100 – 240 tỷ USD, tương đương 4 – 10% nguồn thu thuế toàn cầu, do hành vi trốn thuế gây ra. Tưởng chừng một khu vực có nhiều hành lang pháp lý ràng buộc như EU, mọi chuyện sẽ minh bạch và dễ dàng hơn. Song trên thực tế, EU từ lâu đã phải đau đầu đối phó với vấn nạn nghiêm trọng này. Năm 2013, nhiều người dân châu Âu giận dữ trước thông tin một số tập đoàn lớn như Google, Starbucks, Microsoft… bị cáo buộc trốn thuế giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn. Đến tháng 1 vừa qua, ước tính, riêng tại thị trường khu vực này, các tập đoàn đa quốc gia đang trốn đóng khoản thuế lên tới gần 80 tỷ USD/năm, trong đó có thể kể đến một loạt “đại gia” như Apple, Facebook và Amazon. Cũng mới đây, ngày 15/2, hãng nội thất hàng đầu thế giới Ikea bị cáo buộc đã trốn thuế 1 tỷ euro tại châu Âu trong suốt khoảng thời gian từ năm 2009 – 2014. Trong báo cáo của Nghị viện EU ghi rõ, hành động của Ikea đã khiến cho các nước như Đức, Anh, Pháp thất thu hàng chục triệu euro tiền thuế chỉ riêng trong năm 2014. Nạn trốn thuế khiến lục địa già thiệt hại khoảng 1 nghìn tỷ euro mỗi năm, hơn mức chi cho y tế của khu vực.

 

 

Những cam kết “rắn”

Trước những tổn thất nghiêm trọng trên, đặc biệt là sau vụ rò rỉ Tài liệu Panama, ngày 12/4, Ủy ban châu Âu đã trình Nghị viện liên minh này các biện pháp chống tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Theo tờ trình, EU buộc mỗi nước thuộc liên minh công bố dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn này hoặc doanh thu, lợi nhuận, ngưỡng trần tính thuế mà họ phải nộp. Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia trên, bất kể quốc tịch nào, hoạt động tại EU, có doanh thu trên 750 triệu euro/năm, phải công bố các thông tin về tình hình kế toán, tài chính; lợi nhuận thu được tại nước nào phải nộp thuế tại nước đó. Ngoài ra, những công ty đa quốc gia không có chi nhánh ở EU cũng bị yêu cầu công khai các thông tin hoạt động kinh doanh của họ trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các nước bị đưa vào danh sách “thiên đường trốn thuế”. EU cũng sẽ ấn định mức trần miễn giảm từ thu nhập chịu thuế để tránh trường hợp các tập đoàn chuyển nợ sang các chi nhánh tại các quốc gia có mức miễn giảm cao hơn để trốn đóng thuế.

Về cơ bản, các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận với các nội dung trên. Những thỏa thuận này dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

EU cũng cam kết trong thời gian sớm nhất có thể lập một “danh sách đen” các “thiên đường trốn thuế”. Trước đó, chỉ 8 nước trong liên minh, mới đây có thêm Pháp, chính thức coi Panama một trong những thiên đường nói trên. EU còn đang xem xét một đề xuất táo bạo hơn, cho phép các dữ liệu thuế được công khai trước công chúng chứ không chỉ cho phía chính quyền.

Vẫn còn âu lo

Tuy nhiên, các cam kết và đề xuất nói trên của EU vẫn chưa làm hài lòng các tổ chức phi chính phủ khi họ liên tiếp kêu gọi tất cả các doanh nghiệp minh bạch hơn nữa. Tổ chức phi chính phủ One bày tỏ thất vọng khi quy định chỉ bắt buộc công khai thông tin tài chính cơ bản của các tập đoàn lớn có doanh thu trên 750 triệu euro, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn không bị đụng đến. Đồng quan điểm, nhật báo phố Wall nhẩm tính, khoảng 6.500 công ty trên toàn thế giới có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi đề xuất mới của EU, trong đó có khoảng 2.000 công ty đang đặt trụ sở tại châu Âu.  Song, theo tác giả bài viết, đề xuất này sẽ bỏ sót hoạt động của quá nhiều công ty đa quốc gia. Vụ Tài liệu Panama đã cho thấy nhiều công ty doanh thu chỉ vài chục triệu USD cũng trốn thuế.

Trong khi các nhà quản lý muốn doanh nghiệp phải công khai hơn nữa, phía doanh nghiệp lại cho rằng đề xuất của EU quá cởi mở khi muốn công khai thông tin thuế đến tận công chúng. Thêm vào đó, quy định trên sẽ vấp phải sự phản đối hoặc trì hoãn của không ít quốc gia thành viên, bởi các nước EU chưa thống nhất quan điểm chung về một danh sách những nước bị coi “thiên đường trốn thuế”.

Ngoài ra, theo nhiều nhà phân tích, việc bắt buộc các công ty phải tiết lộ những dữ liệu nhạy cảm có thể thể làm suy giảm dòng đầu tư vào châu Âu. Do có nhiều lo ngại tương tự, quy định trên chỉ áp dụng từ năm 2017. Để tạo sự công bằng, các nước thuộc EU cũng đề nghị cho phép đại diện các công ty đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola trình bày ý kiến của họ về các quy định, đề xuất mới này trước Nghị viện châu Âu.

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)