Hơn 30 phút trên đò ngang với con nước ngược từ thành phố Long Xuyên đoàn đã đến Cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Mặc dù trời đã tối nhưng đoàn đã đến ngay Khu tưởng niệm Bác Tôn. Tại đây các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đến vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

 

 

Cũng tại khu lưu niệm Bác Tôn, trong không khí nghiêm trang và ấm áp đoàn đã được giao lưu với ông Nguyễn Văn Ky, nguyên Giám đốc khu tưởng niệm là người được sinh ra và có một đời gắn với Cù lao Ông Hổ. Với giọng dân dã, bình dị của người Nam bộ ông đã kể về quá trình hình thành và những giai thoại về Cù lao Ông Hổ, về thân thế, sự nghiệp của Bác, về những câu chuyện đời thường cũng như hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với truyền thống anh dũng kiên cường của quê hương trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. … mọi người rất cảm động với câu chuyện về bà Nguyễn Thị Dị, người mẹ suốt đời tần tảo, nuôi dưỡng và chờ đợi đằng đẵng nối tiếp những ngày nhớ đêm mong, đến lúc cuối đời vẫn không gặp được con; về bà Đoàn Thị Giàu, người con gái xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, người vợ kiên cường, thủy chung của Bác.

 

 

Sáng hôm sau đoàn tiếp tục đến tham quan ngôi nhà sàn 3 gian 2 chái làm bằng các loại gỗ quý, mái lợp bằng ngói âm dương nơi Bác Tôn được sinh ra, lớn lên, học tập trong suốt thời niên thiếu do thân sinh Bác Tôn là cụ ông Tôn Văn Đề và cụ bà Nguyễn Thị Dị xây dựng từ năm 1887. 

 

Sau đó, đoàn đến thăm khu trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Tôn, của cách mạng Việt Nam cùng một số hiện vật lịch sử quan trọng như: chiếc ô tô Peugeot 404 là phương tiện đưa đón Bác Tôn đi làm việc ở Hà Nội; chiếc máy bay Yak-40 đã đưa bác từ Hà Nội vào Sài Gòn để chủ trì lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15-5-1975… tất cả đều hết sức sống động và chân thật.

 

 

Cũng trong chuyến hành trình theo loại hình du lịch Homestay, cả đoàn đã nghỉ ngơi, sinh hoạt, giao lưu trong không khí nhiệt tình và hiếu khách của người dân địa phương tại 2 căn nhà ở xã Mỹ Hòa Hưng; thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon của vùng sông nước Nam Bộ như cá linh chiên giòn cuốn bánh tráng, lẩu cua đồng, cá lóc, cá xác sọc kho tộ, bông điên điển xào tép… trong một không gian mát rượi gió quê. Tất cả không gian, thời gian ở Cù lao Ông Hổ, từ âm thanh, ánh nắng ban mai đến món ăn miệt vườn dân dã đều có những hương vị rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được.

 

 

Buổi chiều, trong cảnh sắc yên bình của miền sông nước vào mùa nước nổi, đoàn cán bộ nữ đi tham quan Rừng Tràm Trà Sư , đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu. Ngồi trên những chiếc Tắc Ráng len lỏi qua những lũng sen tuyệt đẹp, chèo xuồng ba lá ngắm cánh rừng biếc xanh bạt ngàn mênh mông, nở đầy những bông hoa tràm trắng tinh khiết trong nắng chiều thu, hương tràm thoảng đưa nhẹ nhàng khiến tinh thần trở nên thư thái, lâng lâng, mang lại cho mỗi người cảm giác mát mẻ, hòa mình vào thiên nhiên. 

 

 

 

Mặc dù rất mệt với nhiều hoạt động trong ngày nhưng đến 4 giờ sáng hôm sau các chị đã tranh thủ dậy sớm không ngại cái chớm lạnh sương mai của vùng sông nước, đón Tắc Ráng từ bến đò Ô Môi đi tham quan Chợ nổi Long Xuyên, một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân An Giang; cùng nhau ngắm cảnh bình minh trên sông và thích thú với món bún cá được ăn vội trong cơn sóng nhẹ và nhâm nhi ly ca phê lắc lư bồng bềnh theo con sóng, giữa những chiếc ghe đang neo đậu chằng chịt, san sát nhau thành từng cụm để mua bán, trao đổi hàng hóa, cùng tiếng cười tiếng nói giòn giã vang khắp mặt sông, đưa lại cho mỗi người một cảm giác nhớ mãi không quên.

 

Tạm biệt Cù lao Ông Hổ, suốt hành trình trở về Thành phố Hồ Chí Minh, những mẫu chuyện về Bác Tôn vẫn được tiếp tục trao đổi trên xe, đặc biệt là mẫu chuyện mua quà tặng vợ của Bác Tôn do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Trúc, Trưởng đoàn thuật lại làm cho các thành viên trong đoàn xúc động sâu sắc. Chuyện kể rằng “vào năm 1950, Bác Tôn sang Liên Xô nhận Giải thưởng Hòa Bình Quốc tế Lênin, nước bạn có đưa cho Bác 10.000 rúp để mua quà về cho gia đình, bè bạn; các thành viên đi cùng mỗi người được 1.000 rúp ai cũng mua hết số tiền; riêng Bác Tôn chỉ mua một cái cối xay tiêu đem về cho bác gái hết 7 rúp, còn 9.993 rúp Bác trả lại cho nước bạn”. Câu chuyện cho thấy Bác Tôn là một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, đồng thời cũng là một tấm gương về tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung, là một mẫu mực về hạnh phúc gia đình cho chúng ta noi theo.

 

Chuyến đi kết thúc tốt đẹp, ngoài việc ôn lại truyền thống của dân tộc, đã để lại cho đội ngũ cán bộ nữ Satra những ấn tượng sâu sắc, những phút giây vui tươi, thư giãn. Qua đó, đã góp phần chăm lo và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, sự giao lưu trong toàn Tổng Công ty; động viên, khích lệ tinh thần làm việc hăng say cho đội ngũ cán bộ nữ, những nhân tố đã và đang có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.

 

Ngô Chiến Sỹ.