Từ đặc điểm vừa dựng nước vừa giữ nước trong lịch sử dân tộc, cha ông ta đã tổng kết: Việc nhân nghĩa cốt ở an dân, đẩy thuyền là dân và làm lật thuyền cũng là dân (Nguyễn Trãi). Có dân là có tất cả. Lòng dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình. Có dân, có niềm tin của dân là có sức mạnh dời non lấp bể. Các vị minh quân, trung thần qua các triều đại luôn coi trọng, đề cao dân – dân vi bản, dân vi quý. Vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long là bởi: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì lấy: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi luôn xem: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”…
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận
Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh Tư liệu (TTXVN)
Tiếp nối và phát triển truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vị trí của dân không chỉ là gốc, là quý nhất mà dân còn là chủ và làm chủ. Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 7 thập kỷ, sau ngày Bác Hồ về nước, vận động phong trào cách mạng ở Cao Bằng để phát triển rộng ra cả nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác trả lời: Bắt đầu từ dân, có dân sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả.
Nói về thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhiều người đã nói tới tầm nhìn, sự quyết đoán của Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ trong chớp thời cơ và quyết tâm của cả dân tộc với tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Còn một cội nguồn rất quan trọng nữa, đó là: Sự thúc giục của lòng dân và sức dân như “nước vỡ bờ”. Ông Lê Trọng Nghĩa, một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, lúc sinh thời từng kể lại rằng: Sở dĩ Hà Nội quyết định hành động trước khi nhận được lệnh của Trung ương vì lẽ chính nhân dân đã tác động vào những người lãnh đạo. Buổi sáng 17/8/1945, khi cuộc mít tinh phản động do Tổng hội Công chức tổ chức tại Nhà hát Lớn với mục đích được thông báo là để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật thì những người lãnh đạo của Hà Nội chỉ chủ trương đả phá mục tiêu đó. Nhưng chính diễn biến của sự kiện, đặc biệt là ý chí của người dân đã tác động sâu sắc vào quyết định của lãnh đạo. Ông Nghĩa khẳng định rằng, chính vì nắm bắt được mạch đập của dân mà người lãnh đạo đã thành công trong một sứ mệnh tưởng chừng vô cùng khó khăn, trong khi mọi sự lưỡng lự hay dao động vào thời điểm này có thể làm thời cơ vượt qua trong khoảnh khắc của lịch sử.
Lòng dân, sức dân đã làm nên kỳ tích của cuộc cách mạng. Lòng dân là khát khao độc lập, tự do, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, niềm tin vào thắng lợi của chính nghĩa dân tộc, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa… Sức dân là ý chí, hành động của hàng chục triệu quần chúng được giác ngộ, với ý thức giành chính quyền cho mình và của mình để rồi xây dựng chính quyền mưu lợi cho hạnh phúc của chính mình. Lòng dân, sức dân ấy đã chuyển hóa thành sức mạnh vô địch, với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, xông lên cứu nước, cứu nhà. Điều đó lý giải tại sao, Đảng bộ Hà Nội đã dám quyết định Tổng khởi nghĩa vào lúc chưa nhận được bản Quân lệnh số 1 phát ra từ Chiến khu Tân Trào cách đó mấy ngày. Sài Gòn cũng vậy, khi quyết định nổi dậy giành chính quyền thì vẫn chưa nhận được chỉ thị của Trung ương. Nhưng lòng dân sục sôi, khí thế cách mạng dâng trào, cộng với tin từ Hà Nội và nhiều địa phương khác đã khiến lãnh đạo quyết khởi nghĩa và đầu não chính trị phía Nam đã giành được chính quyền vào ngày 25/8. Chính vì lãnh đạo nắm được mạch đập của dân với lòng dân, sức dân đã sẵn sàng, mà làm nên thành công của cuộc cách mạng vĩ đại ấy.
Chỉ khi những người lãnh đạo nắm được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân thì đường lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống. Đó là bài học lớn từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trải qua hơn 30 năm. Bên cạnh những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử thì hiện trạng xã hội cũng còn biết bao điều nhức nhối. Đặc biệt là tình trạng quan liêu, cửa quyền, không tôn trọng dân, là những biểu hiện sa sút phẩm chất, tham nhũng, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Những biểu hiện đó khiến lòng dân không yên và việc huy động sức dân trong sự nghiệp đổi mới bị giảm sút. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại bài học của cha ông: “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước”. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng khẳng định: “Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc”.
72 năm trước, chỉ với 5 nghìn đảng viên, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa thành công. Sau đó, trong thử thách ngặt nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền non trẻ, chúng ta vẫn vượt qua cuộc kháng chiến ác liệt, gian khổ. Đó là bởi chúng ta đã phát huy được đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, sức mạnh của nhân dân. Là bởi chúng ta có đội ngũ những người lãnh đạo liêm chính, Chính phủ hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân.
Ngày nay, sức ta đã bền, thế ta đã mạnh hơn thời kỳ Cách mạng Tháng Tám nhiều lần, nhưng bài học lòng dân của cuộc cách mạng vẫn mang nguyên vẹn tính thời sự cho Đảng ta, Nhà nước ta và mọi người noi theo. Gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí đã trở thành phong trào qua xử lý kỷ luật hàng loạt những vụ việc như: Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ), Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương), Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang), …Việc xử lý nghiêm các vụ việc trên đã chứng tỏ quyết tâm của Đảng và Nhà nước là không có vùng cấm trong chống tham nhũng. Điếu này đã tác động đến dân, khơi lại niềm tin trong dân, xốc dậy phong trào chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mong rằng hàng triệu cán bộ, đảng viên luôn nhớ bài học lòng dân để áp dụng vào hôm nay./.