Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, vấn đề xây dựng văn hóa Đảng thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận? Theo Giáo sư, nội dung cốt lõi của văn hóa Đảng là gì?

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên: Văn hóa Đảng hay văn hóa trong Đảng là cốt lõi của văn hóa chính trị, là văn hóa của chủ thể cầm quyền, của thể chế lãnh đạo, là khoa học-nghệ thuật cầm quyền và lãnh đạo. Cầm quyền thế nào, lãnh đạo ra sao, mục đích và cách thức đạt mục đích chính trị thế nào… thể hiện văn hóa chính trị-văn hóa Đảng. Có thể nói đây là vấn đề phức tạp, cho nên có nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau.

 

Có quan niệm đồng nhất văn hóa trong Đảng với văn hóa Đảng. Thực ra, hai khái niệm này có sắc thái và nội hàm khác nhau. “Văn hóa trong Đảng” là Đảng cầm quyền, lãnh đạo theo đúng các chuẩn mực văn hóa nào đó. Còn “văn hóa Đảng” là một dạng văn hóa-Đảng cầm quyền, lãnh đạo theo một cách thức riêng. Để xác định được văn hóa Đảng, trước hết cần phải xác định khái niệm gốc-"văn hóa", từ đó mới đi vào được, bóc tách ra được nội hàm, nội dung văn hóa Đảng. Từ góc độ triết học, tôi tiếp cận văn hóa và văn hóa Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam ở ba khía cạnh căn cốt nhất của nó, đó là ba khía cạnh: Giá trị, hoạt động và nhân cách.

 

PV: Trước hết, ở khía cạnh giá trị, Giáo sư đánh giá thế nào về giá trị văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam?  

 

GS, TS Nguyễn Văn HuyênVăn hóa Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam là toàn bộ giá trị được Đảng sáng tạo ra trong quá trình hoạt động từ khi thành lập cho đến bây giờ. Giá trị này biểu hiện, thứ nhất ở tư duy chính trị của Đảng, đó là tư duy chính trị xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tức là, Đảng lấy chủ nghĩa xã hội (CNXH) làm mục đích, lý tưởng để phấn đấu. Đây là cách nghĩ, cách lựa chọn giá trị chính trị tối ưu của Đảng, là sản phẩm giá trị tiến bộ của Đảng ta. Thứ hai, từ tư duy chính trị đó, Đảng đã xây dựng Cương lĩnh, xác định mục tiêu và con đường xây dựng, phát triển đất nước như một hệ giá trị văn hóa chính trị quý báu. Thứ ba, giá trị văn hóa Đảng của Đảng ta cũng chính là những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH: Hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; công cuộc kiến thiết, đổi mới để phát triển đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Trong bối cảnh hệ thống XHCN tan rã, Đảng ta vẫn kiên định mục tiêu XHCN, quyết tâm nhận thức mới, đổi mới lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH: Đổi mới chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế để đẩy nhanh và đẩy mạnh CNH và HĐH đất nước… đưa Việt Nam lên tầm và vị thế mới trong thế giới hiện đại. Đó là kho báu giá trị văn hóa Đảng vô giá của Đảng ta.

 

PV: Còn ở khía cạnh hoạt động, văn hóa Đảng thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên: Văn hóa Đảng của Đảng ta còn biểu hiện sâu sắc ở hoạt động chính trị của Đảng. Trước hết, ở tầm nhìn chiến lược về sứ mệnh của Đảng. CNXH là mục tiêu cao cả của loài người, kiên định mục tiêu XHCN trong cơn bão táp chính trị cuối thế kỷ 20, đặc biệt sự vươn lên, vượt qua mọi thách thức cả khách quan và chủ quan trong bối cảnh chính trị-xã hội hiện nay không chỉ thể hiện bản lĩnh và tài năng chính trị, mà còn thể hiện tầm văn hóa rất cao của Đảng. Với thành tựu hiện có, chúng ta có thể khẳng định, hoạt động cầm quyền và lãnh đạo của Đảng đã đạt tầm văn hóa chính trị cao: Từ tổ chức bộ máy, sử dụng nhân lực, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ bên trong, cho đến hội nhập, quan hệ, hợp tác với thế giới bên ngoài để thực hiện mục đích XHCN của Đảng, của nhân dân.

 

Chiều sâu văn hóa đảng của Đảng ta còn thể hiện ở nội dung, phương thức lãnh đạo đạt tầm khoa học-nghệ thuật, hiệu quả cao. Xây dựng CNXH trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay là thách thức lớn. Đảng lãnh đạo Nhà nước cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối thành Hiến pháp, pháp luật; lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và phát triển KTTT định hướng XHCN thành công biểu hiện văn hóa Đảng cao ở phương diện hoạt động.

 

Chiều sâu văn hóa Đảng còn thể hiện qua việc Đảng tổ chức và lãnh đạo hệ thống chính trị (HTCT). Đây là nét đặc thù trong cầm quyền, lãnh đạo của Đảng ta. Đảng lãnh đạo chứ không làm thay Nhà nước. Đảng là thành viên, nhưng lại là hạt nhân lãnh đạo MTTQ. Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. MTTQ tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân, huy động lực lượng toàn dân thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH. Đây là một sáng tạo to lớn trong mô thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng. Hiếm có Đảng cầm quyền nào tài huy động toàn bộ lực lượng xã hội để thực hiện mục tiêu chính trị của mình như Đảng ta. Đảng cầm quyền, lãnh đạo HTCT và xã hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ; duy nhất cầm quyền, lãnh đạo mà phát huy được cao độ sức lực, trí tuệ tài năng toàn dân tộc là văn hoạt động đặc sắc của Đảng.

 

“Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-nhân dân làm chủ” vừa là cơ chế, song cũng là mô thức văn hóa cầm quyền, lãnh đạo. Đây là mối quan hệ xuyên suốt HTCT, rất đặc thù mà cũng rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta. Nhân dân là người làm chủ, Nhà nước là của nhân dân, Đảng lãnh đạo để nhân dân thực sự làm chủ. Nhà nước chỉ đại diện quyền lực cho nhân dân, sử dụng quyền lực đó để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chứ không sở hữu quyền lực đó. Đó là sự khác biệt giàu tính văn hóa.

 

Văn hóa Đảng còn biểu hiện ở năng lực, cách thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Cấp ủy lãnh đạo chính quyền nhưng lãnh đạo bằng những nghị quyết sát đúng, bằng tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, bằng gương mẫu “đảng viên đi trước”. Đây là một mô thức văn hóa lãnh đạo đặc sắc.

 

PV: Còn nhìn ở khía cạnh nhân cách? Thưa Giáo sư, tôi thấy khá độc đáo khi nhìn văn hóa Đảng qua khía cạnh này. Vì nhân cách thường được nhìn nhận ở góc độ cá nhân chứ ít khi được đề cập ở khía cạnh tổ chức ? 

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên: Đúng như anh nói. Nhân cách ở đây là một khái niệm chung, thường người ta nói tới nhân cách một cá nhân. Nhưng nhân cách tôi nói ở đây là muốn nói về cái chất NGƯỜI của Đảng. Đảng hoạt động vì con người, vì dân, vì nước, ngoài ra Đảng không còn mục đích nào khác, không có mục đích tự thân. Trên thế giới, không phải đảng chính trị nào cũng có được phẩm chất này. Các đảng chính trị như thế chỉ vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Chỉ riêng điều này đã thấy nhân cách văn hóa cao đẹp của Đảng ta.

 

Vì nhân cách cao đẹp đó mà đảng viên của Đảng phải đáp ứng tiêu chuẩn rất cao. Vào Đảng không phải để làm quan, phát tài như các đảng chính trị khác, mà vào Đảng để cống hiến, để đấu tranh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Như vừa rồi Trung ương công bố, tiêu chí quan trọng để chọn cán bộ cấp cao của Đảng phải là người “không tham vọng quyền lực”. Người không hiểu sâu sắc, sẽ không đồng tình, nhưng hiểu sâu sắc thì thấy đây đúng là bản chất, là tiêu chuẩn văn hóa rất cao mà Đảng ta cũng đang phấn đấu đạt tới.

 

Chúng ta nói về văn hóa Đảng, nên ta nói thấu đáo bản chất của Đảng là như thế. Đó không phải là lý thuyết suông. Vừa rồi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” là thể hiện năng lực tự phê bình và phê bình rất mạnh mẽ trong Đảng. Bác Hồ nói, Đảng phải thường xuyên chống chủ nghĩa cá nhân, vì nó là căn bệnh gốc đẻ ra tất cả thứ bệnh khác của Đảng cầm quyền. Chúng ta cũng không bao giờ quên những cảnh báo của V.I.Lênin về căn bệnh kiêu ngạo cộng sản, quan liêu, quan cách mạng.

 

Nhân cách của Đảng còn thể hiện ở những tiêu chuẩn cao trong xây dựng Đảng về đạo đức, về đạo đức của từng đảng viên. Giá trị, thành tựu của Đảng biểu hiện ra trong lời nói, việc làm của đảng viên. Người dân cũng có cách đánh giá Đảng thông qua những đảng viên cụ thể, gần gũi trong cuộc sống quanh họ. Văn hóa Đảng nhìn từ khía cạnh nhân cách là những hiện thực sống động toát ra từ mỗi đảng viên. Cho nên, xây dựng văn hóa Đảng, trước hết phải xây dựng mỗi đảng viên trở thành những con người có văn hóa-văn hóa nhân cách và nhân cách văn hóa.

 

PV: Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề cập tới hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Nhìn từ khía cạnh văn hóa, Giáo sư thấy thế nào về hiện tượng này?

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên: Lo ngại của Tổng Bí thư là chính xác. Trước hết là hiện tượng "khô Đoàn”. Hoạt động của Đoàn khô cứng, hình thức, thiếu linh hoạt, sáng tạo thì làm sao thu hút được thanh niên. Không thu hút được thì chuyện thanh niên phai nhạt lý tưởng XHCN cũng khó tránh khỏi. Hiện tượng “nhạt Đảng” cũng vậy. Sinh hoạt Đảng mà thiếu tính chiến đấu, thiếu đấu tranh, thấy đúng, thấy sai đều không bày tỏ chính kiến; đảng viên không đấu tranh, không tự phê bình và phê bình, không say sưa học tập lý luận chính trị… thì sinh hoạt Đảng cũng trở nên nhạt. Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng từ đó mà ra. Giá trị của danh từ cao quý “đảng viên” vì thế mà suy giảm. Nhân cách của đảng viên ít được coi trọng. Đó là nguy cơn lớn cần được nhận diện để khắc phục.

 

PV: Tự phê bình và phê bình hiện nay rất khó, vì cái đúng, cái sai đôi khi rất khó nhận diện. Như khi chúng ta đưa ra xử vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm. Bên cạnh phần đông nhận xét đây là bản án nghiêm minh và nhân văn thì trong xã hội cũng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Giáo sư theo dõi vụ án, có thấy đây cũng là bài toán “hóc búa” nhìn từ góc độ văn hóa?

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên: Tôi thì lại thấy điều này thể hiện rõ bản lĩnh văn hóa của Đảng. Công khai, minh bạch, khách quan là những biểu hiện văn hóa cao của một đảng cầm quyền. Công-tội phân minh, rạch ròi như thế mới là văn hóa. Với một người từng giữ cương vị cao như ông Đinh La Thăng, khi đưa ra xét xử công khai, bản thân ông ấy cũng xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân chứng tỏ chúng ta đã thành công trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, chứng tỏ nước ta không có vùng cấm trong xử lý tiêu cực, tham nhũng. Chứng tỏ đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không phải là tổ chức “siêu quyền lực” như một số người rêu rao.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1949, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực triết học, văn hóa học, chính trị học ở Việt Nam; là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên và tham gia gần 80 đầu sách, đã công bố hơn 500 công trình khoa học.

Gần đây, Giáo sư công bố nhiều công trình chính trị học như: Quyền lực và quyền lực chính trị; con người chính trị; văn hóa chính trị; Đảng và sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam… 

Năm 2009, Giáo sư được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2013, Giáo sư được vinh danh danh hiệu “Nhà lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, có tài”; năm 2016, được vinh danh “Nhà quản lý theo tiêu chí đạo đức toàn cầu của UNESCO”.

Theo Báo Quân Đội Nhân dân Việt Nam