Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco) giai đoạn 2

đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Tisco.

 

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, mục tiêu Ban chỉ đạo Chính phủ xử lý các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) đề ra hết năm 2018 cơ bản xử lý hoàn tất vướng mắc, yếu kém của 12 dự án ngành công thương có khả năng khó về đích như lộ trình. Bởi ngoài công nghệ lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng, các nhà máy này còn gánh những khoản nợ khổng lồ và vướng nhiều thủ tục phức tạp, rối như mớ bòng bong.

 

Không dễ xử lý

 

Đánh giá công tác chỉ đạo xử lý yếu kém, vướng mắc của Ban Chỉ đạo đối với 12 dự án thua lỗ, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, điều quan trọng nhất là quan điểm của Chính phủ thống nhất, xuyên suốt không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách để xử lý khó khăn, tồn tại của dự án và quá trình xử lý phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Tuy vậy, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc xử lý triệt để các dự án này theo mục tiêu đề ra không hề đơn giản, khả năng thành công không cao bởi không chỉ tính đến yếu tố kinh tế, mà còn phải cân nhắc vấn đề an sinh xã hội, phát triển bền vững các ngành kinh tế,… Chúng ta đang ở thế không thể không làm, vì càng kéo dài, không giải quyết thì Nhà nước càng bị thiệt hại.

 

Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, kinh nghiệm các nước đối với trường hợp này là cho phá sản doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nếu phá sản sẽ không tránh khỏi hệ lụy mất vốn, mất việc làm của người lao động. Do đó, cần nghiên cứu kỹ giải pháp cho từng dự án; xem xét khả năng cho các nhà đầu tư khác vào mua lại. Về cơ bản, cần đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN.

 

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 16 bộ, cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc việc xử lý yếu kém của 12 dự án nói trên. Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã thận trọng rà soát từng hạng mục, nội dung cụ thể, nhưng nhiều nội dung nhiệm vụ có tính chất phức tạp, nhất là việc làm rõ và xử lý các tranh chấp, vướng mắc liên quan các gói thầu EPC và công tác quyết toán. Tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Tisco, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm những phát sinh, vướng mắc với nhà thầu MCC.

 

Từ khi dừng thi công (tháng 6-2012), trải qua hơn 12 lần đàm phán, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất cuối cùng. Việc đàm phán lại với phía đối tác được Tisco thực hiện từ năm 2014 đến giờ vẫn chưa hoàn tất. Trong hợp đồng EPC có nhiều điều khoản đặt trong bối cảnh hiện nay, chúng ta rất khó chấp nhận, cho nên ngay cả khi VnSteel xin gia hạn đến hết quý II cũng sẽ khó đạt được. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập đánh giá dự án cũng phát sinh nhiều điểm vướng mắc. Bộ Công thương không rõ việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (kể cả với gói thầu giá trị hơn 500 triệu đồng) hay áp dụng theo Luật Đấu thầu.

 

Bộ Công thương đã xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 30-6. Tổng Giám đốc VnSteel Nguyễn Đình Phúc cho biết, sau Tết Nguyên đán vừa qua, Tisco đã mời tổng thầu MCC sang làm việc, song MCC lại đề nghị nâng đơn giá các hạng mục còn lại. “Các đề nghị này của MCC không có căn cứ rõ ràng cho nên Tisco chưa chấp thuận và sẽ đàm phán tiếp. Có điều, lúc nào xong thì rất khó nói vì quá phụ thuộc vào đối tác” – ông Phúc cho hay.

 

Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Anh Dũng thông tin, tại dự án đạm Hà Bắc, Vinachem đã triển khai việc quyết toán từ năm 2016, song do khối lượng công việc lớn, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý cho nên đến nay chưa hoàn thành. Vướng mắc lớn nhất là hầu hết các nhà máy đã vận hành, bàn giao rồi nhưng hồ sơ thủ tục để quyết toán được hợp đồng EPC còn vướng và… xin lùi thời hạn đến hết tháng 9-2017.

 

Khi các tranh chấp còn chưa ngã ngũ, khó rạch ròi thì liệu nhà đầu tư nào dám nhảy vào?

 

E ngại bỏ thêm vốn

 

Rất nhiều phương án xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả đã được Ban Chỉ đạo xây dựng, trong đó phân tích rất rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng dự án. Tựu trung, hầu hết phương án được chọn là thoái vốn, chuyển nhượng dự án; bán đấu giá tài sản, công nợ;… Lãnh đạo một công ty chuyên mua bán, sáp nhập DN cho biết, khi xem xét một dự án thua lỗ cần xử lý, trước tiên nhà đầu tư phải xem xét kỹ khả năng hồi phục của DN dựa trên tiềm năng sản phẩm, thị trường, công nghệ, thiết bị và vấn đề tài chính. Điều khiến các nhà đầu tư ngần ngại nhất là tại hầu hết các dự án này, công nghệ sản xuất nói chung lạc hậu hoặc không phù hợp, xuất phát từ các quyết định đầu tư sai lầm khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại bỏ vốn thêm vào.

 

Theo tính toán, thà bỏ vốn đầu tư mới các dự án tương tự còn khả thi hơn nhiều việc rót tiền vào các dự án “nghìn tỷ” đang đắp chiếu. Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) khi chạy thử có tải, cả hệ thống dây chuyền luôn gặp trục trặc. Tuy công nghệ mới, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng nhà thầu “cải tiến” dây chuyền từ sử dụng nguyên liệu gỗ sang đay, trên thế giới chưa có dây chuyền nào tương tự. Bản thân chuyên gia của nhà thầu Andritz (Pháp) cũng không dám cam kết dây chuyền dạng này có cho ra được sản phẩm cuối cùng không, trong khi máy móc không có thiết bị dự phòng, thay thế. Sau nhiều lần rà soát, Bộ Công thương kết luận, dự án không đạt được mục tiêu ban đầu do công nghệ, thiết bị, nguyên liệu, thị trường,… không hiệu quả, khả thi nên phải dừng toàn bộ.

 

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề mấu chốt của các dự án này là thị trường tiêu thụ, vì thế cho dù tiếp tục khôi phục sản xuất thì cũng chưa chắc bán được sản phẩm. Đơn cử, dự án xơ sợi Đình Vũ (PVTex) của PVN, hiện nay công tác quyết toán dự án vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu thi công gói thầu EPC. Thiết kế kỹ thuật của nhà máy có một số bất cập dẫn tới phát sinh chi phí, tiềm ẩn rủi ro trong vận hành. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn do chưa có hệ thống nhà cung cấp và khách hàng bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Chất lượng sản phẩm không ổn định và bị đánh giá thấp hơn chất lượng của các đối thủ khác trên thị trường, bị khiếu nại về chất lượng sản phẩm từ phía khách hàng, nhất là vấn đề nhuộm mầu.

 

Một vấn đề khác cũng khiến nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà tham gia xử lý dự án, đó là tình trạng thua lỗ, nợ nần. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận định, nhìn từ trường hợp cụ thể của Tisco, tổng vốn vay ngân hàng của các dự án có thể tới hàng chục nghìn tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong nợ quá hạn, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, còn cả những dự án vay nước ngoài và khoản vay được bảo lãnh bởi công ty mẹ hoặc vay của VDB. Đơn cử, PVN bảo lãnh hơn 5.600 tỷ đồng cho dự án xơ sợi Đình Vũ, và vì thế không thể cho phá sản được, bởi nếu phá sản, PVN cũng sẽ phải trả khoản nợ này, tức là mất hết tiền. Trong bối cảnh thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc cùng với hiện trạng nợ nần chồng chất, chắc chắn việc mua bán, thoái vốn, chuyển nhượng DN sẽ ít hấp dẫn nhà đầu tư và khó thực hiện.

 

Với những dự án được Ban Chỉ đạo lựa chọn phương án tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhiều chủ đầu tư đã kiến nghị, đề xuất những giải pháp hỗ trợ. Thí dụ, dự án đạm Ninh Bình có “công nghệ châu Âu, tổng thầu Trung Quốc”, sản xuất u-rê từ than đã lỗi thời, không thể cạnh tranh được với các dự án đạm từ khí cho nên bài toán đầu ra hết sức nan giải.

 

Vinachem và chủ đầu tư kiến nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ gốc và lãi vay của công ty tại VDB trong 5 năm; gia hạn thời hạn hợp đồng vay đến hết năm 2028; điều chỉnh giảm lãi suất đối với các dư nợ gốc vay từ 10,8%/năm trở lên về lãi suất 8,55%/năm. Đồng thời, được giãn thời gian trích khấu hao trong ba năm và ưu đãi giảm 20% giá bán than. Ngoài ra, cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm, đồng thời dừng tính lãi trong ba năm (2017 – 2019) đối với khoản cho vay lại 250 triệu USD của Ngân hàng China Eximbank.

 

Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã thống nhất và kiên định quan điểm về xử lý đối với 12 dự án này. Việc cơ cấu lại nợ (thời hạn, lãi suất,…) nếu có cũng phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường trên cơ sở chia sẻ rủi ro và lợi ích của nhà đầu tư cũng như các chủ nợ. Nếu các ngân hàng thương mại không cơ cấu lại nợ thì các DN này không thể hoạt động hoặc phục hồi. Trong trường hợp này, vốn đầu tư cho các dự án sẽ bị “bốc hơi”, trở thành nợ xấu hoàn toàn. Tuy nhiên, việc cho giãn khấu hao phải trên cơ sở nguyên tắc có đầu tư vốn để trả nợ các khoản vay,…

 

Có thể thấy, cuộc “đại phẫu” các “khối u” nghìn tỷ nêu trên không hề dễ dàng, ngổn ngang nhiều vấn đề khó giải quyết. Điều này đòi hỏi các cấp ngành, địa phương, DN liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt xử lý trên tinh thần trách nhiệm cao. Từ thảm cảnh của 12 dự án, để tránh tình trạng tương tự xảy ra trong thời gian tới, cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, có biện pháp chấn chỉnh DN trong các khâu từ lập dự án đến thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký hợp đồng và quản lý, giám sát triển khai đầu tư bảo đảm chặt chẽ, tính toán và thẩm định kỹ các vấn đề về thị trường, công nghệ, nguồn vốn.

 

Công tác xây dựng pháp luật và cơ chế chính sách quản lý phát triển các ngành, lĩnh vực cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, toàn diện, nâng cao hơn nữa chất lượng, kịp thời sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các DN. Các quy định về quản lý hoạt động đầu tư của DN nhà nước cần được xem xét để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan và kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước đầu tư qua các DN.

 

Các quy định về phân công, phân cấp, phối hợp của Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đầu tư cần được rà soát, hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm. Công tác xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển trong các ngành/lĩnh vực, nhất là vấn đề chất lượng và hiệu lực thực thi của các chiến lược, chất lượng quy hoạch cần được chấn chỉnh để bảo đảm các dự án đầu tư đúng hướng, có hiệu quả.

 

Khi xử lý nợ của Vinashin, theo kế hoạch tái cơ cấu, Nhà máy đóng tàu DQS được bàn giao cho PVN. Thời điểm cuối năm 2014, DQS đã mất cân đối về tài chính; thời điểm ngày 30-3-2016, nợ phải trả của DQS lên tới 6.953 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 5.912 tỷ đồng. Nếu phá sản, dù DQS có bán thanh lý hết tài sản với giá trị theo giá trị sổ sách, vẫn còn thiếu nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Trong trường hợp phá sản, PVN sẽ không thể thu hồi khoản cho DQS vay là hơn 3.100 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.990 tỷ đồng do PVN cấp cũng “bốc hơi” theo. Ngoài ra, chi phí khấu hao tài sản cố định khoảng 340 tỷ đồng được khoanh trong các năm 2014 và 2015; ngân sách nhà nước cấp 575 tỷ đồng đầu tư nhà máy cũng mất theo.

(Nguồn: Thanh tra Chính phủ)

 

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN