Thỏa thuận này còn phải chờ Quốc hội Hy Lạp thông qua và được các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) chấp thuận mới chính thức có hiệu lực. Với thỏa thuận trên, cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp có thể coi là đã tìm được lối thoát và hiện Athens đang chờ đợt giải ngân mới, trước mắt có thể là 10 tỷ euro, để trả nợ và tái cấp vốn cho các ngân hàng.

 

Tuy nhiên, thời gian sắp tới mới là giai đoạn cam go và đầy thử thách đối với chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras khi mà Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp cải cách khắc khổ mới theo đúng cam kết với các chủ nợ quốc tế. Kinh tế Hy Lạp đã kiệt quệ và người dân đã chịu cảnh khốn khó suốt 5 năm qua do các chính sách chi tiêu thắt chặt của chính phủ để đổi lấy 2 gói cứu trợ quốc tế trước đó với tổng trị giá 240 tỷ euro. 

 

Lần này, những đòi hỏi của các chủ nợ còn khắc nghiệt hơn, nhưng Chính phủ Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác. Với họ, đây là một cái kết sáng hơn viễn cảnh rời khỏi Eurozone, bất chấp đa số người dân Hy Lạp nói “không” với các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” mới trong cuộc trưng cầu dân ý hồi đầu tháng 7 vừa qua. Lúc này, bất cứ quyết định nào làm ảnh hưởng đến những người nông dân – nhóm có ảnh hưởng lớn ở Hy Lạp, sẽ mang lại rủi ro chính trị cho ông Tsipras. Thủ tướng Hy Lạp còn phải đối mặt với nhiều sức ép từ chính các thành viên trong đảng cánh tả Syriza của ông, những người nói rằng thỏa thuận mới sẽ làm chồng chất thêm các biện pháp khắc khổ trong nền kinh tế vốn đã yếu kém và đi ngược các cam kết của đảng Syriza đưa ra hồi tranh cử.

 

Trước mắt, Hy Lạp phải thông qua luật ngân sách bổ sung trong thời gian còn lại của năm nay và đưa ra chiến lược tài khóa trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mức thâm hụt ngân sách cơ bản chỉ ở mức 0,25% GDP năm 2015, đạt thăng dư ngân sách ở mức 0,5% trong năm 2016, sau đó tăng lên 1,75% năm 2017 và lên 3,5% vào năm 2018. Để có thêm nguồn lực tài chính, Athens phải thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng, thậm chí có phần khắc nghiệt trong lĩnh vực lương hưu, chính sách thuế, năng lượng, thị trường bán lẻ, giao thông vận tải, thị trường lao động và khu vực tài chính. Bên cạnh đó, Hy Lạp còn phải bán bớt khối tài sản ước tính trị giá hơn 50 tỷ euro theo quy trình nhằm trả lại tiền cứu trợ và giúp tái cấp vốn hệ thống ngân hàng.

 

Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng nợ Hy Lạp kéo dài nhiều năm qua đã gây ra những tổn thất về nền tảng đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này. Do đó, các vấn đề cốt lõi đối với Hy Lạp sẽ chưa thể được xóa bỏ trong “một sớm một chiều”.

 

Việc Hy Lạp và các chủ nợ đạt được thỏa thuận cứu trợ chỉ là bước khởi đầu. Hoạt động kiểm soát vốn có thể vẫn được Hy Lạp duy trì và các biện pháp chi tiêu khắc khổ mới có thể tác động tiêu cực thêm tới nền kinh tế vốn đã rất mong manh của Hy Lạp ít nhất là trong ngắn hạn.

 

Gói cứu trợ mới cho Hy Lạp sẽ từng bước được giải ngân trong 3 năm tới. IMF nhận định, trước những nguy cơ kinh tế lớn mà Hy Lạp đang phải đối mặt, chắc chắn gói cứu trợ 85 tỷ euro lần này là không đủ để đưa Hy Lạp ra khỏi cơn khủng hoảng tài chính. Theo IMF, trong vòng 10 năm tới, gánh nợ công Athens đang “vác trên vai” sẽ trở nên nặng nề hơn nhiều. Dự báo, năm 2016, nợ công của Hy Lạp sẽ tăng vọt lên ngưỡng 200% GDP so với dự báo 177% trước đó. Đến năm 2022, nợ công của nước này sẽ vẫn ở mức cao 170% GDP. IMF cho rằng các nước châu Âu cần phải kéo dài thời hạn trả nợ cho Hy Lạp hoặc xóa một phần nợ của nước này.

 

Việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone là rất tốn kém và chứa đựng nhiều rủi ro. Nhiều nước châu Âu không chấp nhận lấy thêm tiền đóng thuế của người dân để “hào phóng” với Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng họ phải “mạnh tay” hơn đối với một quốc gia mà họ biết rõ những điểm yếu như quan liêu, tham nhũng, trong khi nền kinh tế khép kín chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực công kém hiệu quả. Đã đến lúc Hy Lạp phải tự đứng trên đôi chân của mình.

 

Bài học cho Đông Nam Á

 

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã kéo dài đằng đẵng hơn 5 năm. Vậy đâu là bài học cho các nước ASEAN từ cảnh ngộ của Hy Lạp? Munir Majid – Chủ tịch CIMB ASEAN Research Insitutute đã có bài viết đăng trên Korea Herald với nội dung chính như sau:

 

Trước cảnh ngộ của Hy Lạp, nhiều người trong khu vực có thể cảm thấy may mắn vì ASEAN không có đồng tiền chung. Nhưng thực chất, vấn đề đồng tiền chung thực chất chỉ là là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vấn đề cốt lõi liên quan tới việc quản lý tiến trình hội nhập khu vực. Trong đó, 3 vấn đề nổi lên là kỷ luật tài khóa, chủ quyền quốc gia và tiến trình đàm phán xây dựng cộng đồng.

 

Kỷ luật tài khóa có thể được định nghĩa khá đơn giản, tuy nhiên lại rất khó đạt được một khi sự buông lỏng quản lý xảy ra trong thời gian dài. Theo Thỏa thuận Ổn định Tăng trưởng của EU, thâm hụt ngân sách CP các nước thành viên không được vượt quá 3% GDP và nợ CP phải thấp hơn 60% GDP. Thực tế, Hy Lạp đang chìm nghỉm trong đống nợ lên tới 200% GDP, tăng mạnh so với mức 177% trước đó. Người Hy Lạp đã quen với việc tiêu xài dễ dãi – điều mà các chủ nợ đang yêu cầu họ phải thay đổi.

 

Theo các nội dung chính của thỏa thuận đạt được với các chủ nợ, Hy Lạp đang bị dồn vào chân tường và phải thực hiện những yêu cầu mà nhiều người dân cho rằng vi phạm chủ quyền quốc gia. Trong khi các yêu cầu như cắt giảm lương hưu, tăng thu ngân sách được cho là bình thường trong hoàn cảnh phải tìm kiếm sự cứu trợ, đòi hỏi Hy Lạp phải chuyển giao 50 tỷ euro “các tài sản có giá trị” cho một quỹ độc lập để thế chấp được người dân xem là khó chấp nhận.

 

Vấn đề là chủ quyền quốc gia nào của Hy Lạp bị vi phạm? Nếu Hy Lạp muốn ở lại khu vực đồng euro và cần tới số tiền cứu trợ, liệu nước này còn lựa chọn nào khác? Thủ tướng Hy Lạp có thể trích dẫn ý kiến của nhà kinh tế Paul Krugman về những đau đớn mà chính sách thắt lưng buộc bụng gây ra, nhưng liệu ông ta còn lựa chọn nào khác?

 

Nếu cần tiền, liệu chúng ta có thể tự quyết định mọi việc? Các nước Đông Nam Á có thể nhớ lại tình cảnh của Indonesia vào năm 1998 khi phải hy sinh tự chủ về kinh tế để đổi lấy cứu trợ từ IMF. Đây chính là cái giá của sự tiêu xài hoang phí.

 

Nên nhìn khủng hoảng Hy Lạp như thế nào từ lăng kính ASEAN? Cảm giác đầu tiên có thể sẽ là “May mà ASEAN không có đồng tiền chung!”. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa khủng hoảng Châu Âu và ASEAN không chỉ đơn giản như vậy.

 

Trong ASEAN cũng tồn tại các quốc gia quy mô lớn và nhỏ (tương tự như EU). Chúng ta có thể nói rằng ASEAN có tiến trình đàm phán và ra quyết định khác biệt với EU, rằng các nước ASEAN coi chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ một chiều. Tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN đang được thúc đẩy. Tiếng nói của các nước lớn có trọng lượng lớn hơn. Nếu các nước lớn hành động vì lợi ích chung của cộng đồng thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết là sự thay đổi thái độ của các nước thành viên. Những điều mà các nước thành viên quan trọng không làm cũng tác động tới ASEAN – như hiện tại, khi đang có những quan ngại rằng Indonesia của Tổng Thống Widodo không còn quá gắn bó với ASEAN.

 

Quan điểm của Indonesia và các diễn biến nội bộ tại nước này có tác động tới ASEAN. Vì vậy, việc gắn kết với Indonesia cũng như gắn kết tất cả các nước thành viên là điều quan trọng. Đến giai đoạn phát triển hiện tại, mỗi nước thành viên cần có một Bộ trưởng phụ trách các vấn đề ASEAN. Tất cả các chính phủ đều phải đặt ưu tiên cho xử lý các cơ hội và thách thức chung của ASEAN.

 

Trong khi không có đồng tiền chung, ASEAN vẫn gặp rủi ro từ sự quản lý yếu kém tại một nền kinh tế thành viên, nhất là từ một nền kinh tế quan trọng. Sự lây nhiễm khủng hoảng luôn là nguy cơ. Với sự tăng trưởng thương mại nội khối (dù con số này hiện mới chiếm 1/4 tổng thương mại khu vực), sự lây lan khủng hoảng ra toàn khu vực là không tránh khỏi.

 

Điều quan trọng là chúng ta đang đề cập tới ASEAN như một khu vực, một nền kinh tế với tiềm năng hàng đầu thế giới về tăng trưởng tiêu dùng và quy mô kinh tế (dự báo đứng thứ 4 thế giới vào năm 2050). Với tâm lý bầy đàn của thị trường, việc đảo ngược dòng vốn do lo ngại về sự lây nhiễm khó khăn có thể sẽ dẫn tới khủng hoảng toàn khu vực.

 

Trong khi duy trì các thỏa thuận tài chính với các thể chế toàn cầu như IMF, không nên quên rằng ASEAN vẫn còn cơ chế hoán đổi tiền tệ mang tên CMIM, dù cơ chế này chưa được kiểm chứng hiệu quả. CMIM có quy mô 240 tỷ USD, được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa ASEAN và ba nước đối tác Đông Bắc Á để giải quyết các vấn đề mất cân bằng thanh toán và khủng hoảng thanh khoản ngắn hạn. Một nước thành viên gặp khó khăn có thể được hỗ trợ số tiền bằng 2,5 lần vốn đóng góp cam kết.

 

Nhưng liệu có thể bảo đảm rằng các nước thành viên sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ? Liệu các khác biệt chính trị giữa các nước thành viên có phải là trở ngại? Chưa kể còn cần đánh giá xem liệu quốc gia đang gặp khó khăn có thực hiện kỷ luật tài khóa hay không. Quyết định hỗ trợ cũng sẽ phụ thuộc vào các báo cáo và khuyến nghị của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO). Có thể sẽ có các điều kiện kèm theo khoản hỗ trợ. Có thể sẽ có những kỳ vọng và cả sự thất vọng, giận dữ và bất đồng.

 

Như vậy, ASEAN cần nhận thức những khả năng và thách thức khi quan sát khủng hoảng Hy Lạp, chứ không nên cảm thấy may mắn vì không lưu hành đồng tiền chung. Chúng ta không thể miễn nhiễm từ các hệ quả không mong muốn, khó tiên liệu của tiến trình xây dựng cộng đồng. Chúng ta cần có các thiết chế và sự sáng tạo để giải quyết chúng.

 

(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)