Không vội vã

Như đã được khẳng định nhiều lần qua các nguồn phát ngôn chính thống, đây sẽ là Đại hội Đảng cuối cùng mà thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959 dẫn dắt. Với nhiệm vụ quan trọng là vạch ra lộ trình và mục tiêu cụ thể cho giai đoạn phát triển đất nước sắp tới, qua việc đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong quá trình Cập nhật mô hình kinh tế – xã hội được triển khai trong 5 năm qua, Đại hội Đảng VI năm 2011 được xem là cột mốc định hướng con đường phát triển của Cách mạng Cuba trong giai đoạn lịch sử mới, thông qua việc thể chế hóa những thay đổi trong mô hình kinh tế và tham vấn toàn dân để đạt đồng thuận cao về hướng đi này.

 

 

5 năm qua, Cuba đã thực hiện những bước tiến “vững chắc nhưng không vội vã” – như khẩu hiệu mà Chủ tịch Raul Castro đề ra – với việc cấp phép và tạo điều kiện bước đầu cho các hợp tác xã phi nông nghiệp tự quản và các thành phần kinh tế tư doanh phát triển, đồng thời thay thế một số doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng ăn uống hay vận tải công cộng, tinh giản biên chế nhà nước, ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, xây dựng Đặc khu phát triển Mariel, nơi có cảng biển nước sâu duy nhất của Cuba hiện tại, nhằm biến nơi đây thành điểm thu hút đầu tư, công nghệ nước ngoài và đầu tàu phát triển kinh tế đất nước.

Sự thận trọng được thể hiện qua việc hoãn thống nhất hai đồng tiền peso nội tệ (CUP) và peso chuyển đổi (CUC) do tác động to lớn có thể có đối với hệ thống kinh tế và đời sống của người dân; chưa xóa bỏ chế độ tem phiếu để ngăn ngừa những ảnh hưởng có thể có đối với những thành phần xã hội nhạy cảm nhất; hay buộc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải ký hợp đồng lao động với công dân Cuba qua cơ quan trung gian nhà nước, để đảm bảo không có hiện tượng bóc lột. Ở khía cạnh xã hội, Cuba đã khẳng định sẽ duy trì và củng cố hệ thống y tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí, mang tính nhân văn và chất lượng cao, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Xác định “tốc độ” cập nhật mô hình kinh tế

Hướng đi đã được vạch ra, nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần này sẽ là xác định “tốc độ” cần có của quá trình cập nhật mô hình kinh tế – xã hội, để Cuba không bị tụt hậu với thời đại, nhưng cũng không bị đẩy nhanh quá mức tới mất kiểm soát. Để thực hiện nhiệm vụ then chốt này, gần 1.000 đại biểu dự Đại hội phân tích, thảo luận và biểu quyết thông qua 6 văn kiện chính, trong đó bao gồm các nội dung đánh giá lại thực trạng kinh tế Cuba giai đoạn 2011 – 2015; đánh giá việc triển khai 313 đường lối cập nhật mô hình kinh tế – xã hội; phương hướng cập nhật của chính các đường lối này trong giai đoạn 2016 – 2021; định nghĩa mô hình phát triển kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa của Cuba (văn kiện được nhận định là mang tính lý luận nhất trong 6 văn kiện); chương trình phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2030 và tổng kết đánh giá việc hoàn thành các mục tiêu chính trị mà Hội nghị Toàn quốc của Đảng đã thông qua vào tháng 1/2012.

Những phương hướng mà Đại hội đưa ra chắc chắn phải được đặt trong bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt là môi trường bao quanh Cuba, và những thành tựu đối ngoại gần đây của La Habana. So với năm 2011, các chính phủ theo đường lối tả khuynh và tiến bộ thân thiện với Cuba tại Mỹ Latin, đặc biệt là Venezuela, đang gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu do giá dầu thô và các mặt hàng nguyên liệu sụt giá nghiêm trọng trên thị trường quốc tế và những diễn biến chính trị bất lợi trong nước. Đổi lại, nhờ vào nỗ lực ngoại giao bền bỉ và kiên cường, Cuba đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và hai nước đang tiếp tục thương lượng bình thường hóa quan hệ, giảm bớt phần nào tình thế bị bao vây cấm vận. Cuba cũng đã chính thức bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu và đang dần mở cánh cửa tới các thị trường vốn quốc tế thông qua một loạt thỏa thuận giảm nợ với Câu lạc bộ Paris, Nga, Nhật Bản…Đại hội lần này sẽ tiếp tục đưa ra những nghị quyết tạo thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như du lịch, năng lượng, công nghệ sinh học; cải cách hành chính theo hướng tinh giản bộ máy nhà nước, bộ máy bầu cử và đấu tranh chống tệ quan liêu; đẩy nhanh cải cách chế độ lương bổng và đãi ngộ theo hướng thu nhập phụ thuộc vào kết quả làm việc, cùng các biện pháp khác nhằm nâng cao năng suất lao động, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; áp dụng chế độ chức vụ theo nhiệm kỳ.

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)