Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá
Ngày 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo giảm kỷ lục gần 1,9% đối với tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng NDT đối với USD, xuống còn 6,2298 NDT đổi 1 USD. Động thái này ngay lập tức khiến NDT giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 1/1994. Ngày 12/8 giảm thêm 1,6% vàngày13/8giảm thêm 0,5%, tức là tỷ giá tham chiếu ở mức 6,4010 NDT đổi 1 USD. Biên độ dao động giữa tỷ giá tham chiếu và giá giao dịch thực tế hiện được cơ quan quản lý Trung Quốc giữ ở mức 2%. Do vậy, với mức tham chiếu nêu trên, tỷ giá giao dịch trên thị trường nước này có thể dao động trong khoảng 6,2730 – 6,5290 đổi 1 NDT. Đến ngày 14/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh tăng tỷ giá đồng NDT lên 0,05% so với đồng USD sau 3 ngày liên tiếp giảm giá.
PBOC khẳng định có kế hoạch giữ đồng NDT ổn định ở mức hợp lý; mặt khác, Ngân hàng Trung ương sẽ tăng cường vai trò của thị trường đối với tỷ giá. PBOC còn cho biết, sẽ tìm cách ngăn chặn hiện tượng dòng vốn “bất thường”. Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế yếu đi đã làm Trung Quốc bị “chảy máu” một lượng vốn khá lớn, trong đó nhiều khả năng những biến động trên thị trường chứng khoán gần đây đã khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái của PBOC sẽ giúp cứu vãn lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại. Đồng NDT chịu sức ép sau khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% trong tháng 7/2015, mức thấp nhất trong sáu năm qua, khiến PBOC cho rằng cần có sự điều chỉnh để giữ tỷ giá ở mức hợp lý. Trước đây, PBOC vẫn hỗ trợ đồng NDT nhằm giúp ngăn dòng vốn chảy ra ngoài, đồng thời khuyến khích sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu. Các biện pháp can thiệp của PBOC đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 300 tỷ USD trong 4 quý gần đây. NDT trở thành đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong các thị trường mới nổi, nhưng đi kèm với đó là làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại Bloomberg Intelligence, Tom Orlik ước tính, đồng NDT giảm giá 1% (tính trên tỷ giá thực) sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm 1 điểm phần trăm, với độ trễ là 3 tháng. Nhưng đi kèm với đó sẽ là 40 tỷ USD có thể bị rút ra trên thị trường vốn.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng Trung Quốc phá giá đồng tiền nhằm cứu xuất khẩu, có ý kiến cho rằng, đây là bước đi trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đưa NDT vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng để cho các nước vay. Bởi mới đây, IMF cho biết cơ quan này đã hoãn lại việc xem xét đưa NDT vào giỏ tiền tệ cho đến tháng 9/2016. Quá trình đánh giá sẽ dựa trên những tiến bộ của Bắc Kinh trong việc cải cách nền tài chính, tiền tệ. Trong đợt đánh giá hồi năm 2010, NDT bị coi là chưa đáp ứng tiêu chí sử dụng tự do. Tháng 3/2015, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng đã hối thúc Chính phủ Trung Quốc ngừng các hành động kiểm soát tỷ giá đồng NDT và cho biết, vẫn còn nhiều việc cần làm trước khi đồng NDT có thể gia nhập vào giỏ SDR của IMF. Việc đưa NDT vào giỏ dự trữ ngoại tệ của IMF sẽ giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ đồng tiền này. Chiến lược gia đến từ ngân hàng ANZ chi nhánh Singapore Khoon Goh cho rằng, động thái bất ngờ của PBOC giống như việc Trung Quốc đang chấm dứt chế độ tỷ giá cố định.
Kéo thị trường chứng khoán Mỹ tụt dốc
Quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng NDT (NDT) so với đồng USD đã khiến các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ đồng loạt “trượt” giá khá mạnh.
Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 11/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn của Mỹ bị mất giá 212,33 điểm, tương đương với 1,21%, và chốt phiên ở mức 17.402,84 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite và chỉ số Standard & Poor 500 cũng lần lượt bị mất giá 1,27% và 0,96% xuống còn 5.036,79 điểm và 2.084,07 điểm.
Mỹ đã ngay lập tức cảnh báo Trung Quốc không nên rời xa cam kết hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục giám sát cũng như hối thúc Trung Quốc tiến hành những cải cách cơ chế tỷ giá nhằm cho phép thị trường có vai trò lớn hơn, đồng thời cảnh báo mọi động thái đi ngược lại các biện pháp cải cách sẽ là một diễn biến “tiêu cực”.
Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT, cho rằng động thái này là nhằm đạt được ưu thế xuất khẩu. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Grassley và Hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ Sander Levin đã đề xuất đưa điều khoản về các biện pháp chống hành vi thao túng thị trường vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 đối tác khác đang tham gia đàm phán.
Trong diễn biến liên quan, giá vàng thế giới ngày 11/8 đã leo lên mức cao nhất của ba tuần trong bối cảnh chứng khoán thế giới giảm điểm trước thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, để thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên mức 1.108,66 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích Matthew Turner thuộc Hãng cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính Macquarie nhận định: giá vàng đang được hưởng lợi nhờ những quan ngại về nguy cơ một “cuộc chiến tiền tệ mới” sẽ làm gia tăng những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong thời gian trung đến dài hạn, lực đẩy đó sẽ không thể kéo dài do cuộc chiến này có thể tạo ra sự phá giá đồng loạt trên toàn cầu. Đồng thời, với việc đồng NDT suy yếu so với đồng USD, vàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với giới đầu tư Trung Quốc.
Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, động thái điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của đồng NDT sẽ gần như không gây ảnh hưởng nhiều đến dự định tăng lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). David Meger, Giám đốc High Ridge Futures cho hay, việc FED có thể lùi thời gian tăng lãi suất trong tháng 9/2015 sẽ là một nhân tố tích cực đối với thị trường vàng.
Việt Nam điều chỉnh để tạo sự linh hoạt cho thị trường
NDT mất giá sẽ tác động tiêu cực lên cán cân thương mại Việt Nam và tạo áp lực lên tiền đồng, chứng khoán… song cũng có thể làm nhẹ bớt các khoản vay.
Trong 3 ngày liên tiếp, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lần lượt hạ tỷ giá tham chiếu với các mức 2%, 1,6% và 1,1%. Đây là mức phá giá kỷ lục của nước này từ năm 1994, đảo ngược chính sách ổn định đồng nội tệ trước đó. Là quốc gia láng giềng và có mối quan hệ kinh tế mật thiết, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng từ đợt biến động tài chính này.
Thương mại
NDT mất giá sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng lên do giá rẻ hơn, trong khi xuất khẩu lại gặp khó, nhất là nông sản khi đây là thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tương đương 29 tỷ USD. Nửa đầu năm 2015, con số này là 16 tỷ USD nên số liệu cả năm có thể tăng thêm sau động thái hạ tỷ giá.
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế giảm tốc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tìm cách bán hàng ra bên ngoài để kiếm lợi nhuận. Với sự hỗ trợ về tỷ giá, những mặt hàng như dệt may, thủy sản và thép “Made in China” có thể chèn ép hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Theo thông tin từ các hiệp hội, hiện hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh số một với hàng Việt.
Diễn biến này cũng có thể khiến một số nền kinh tế như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… phải xem xét chính sách tiền tệ nhằm cải thiện tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Điều này sẽ tiếp tục tạo nên bất lợi cho hàng hóa Việt Nam, vốn đã phải chật vật chống đỡ những cú sốc từ yen Nhật, euro thời gian qua.
Ngoại hối
Từ đầu năm, NHNN Việt Nam luôn giữ thông điệp ổn định tỷ giá trong biên độ 2%. Tuy nhiên, một ngày sau khi NDT bị phá giá lần đầu tiên, NHNN đã tăng biên độ tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2%, kéo theo phạm vi biến động tỷ giá có thể lên cao nhất 22.106 đồng. Mặc dù đây không phải động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự do tiền đồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.
Với thông tin này, thị trường ngoại hối lập tức nóng lên. Giá USD ngân hàng thiết lập mặt bằng mới, có lúc lên 22.105 đồng. Giá vàng SJC bán ra gần chạm ngưỡng 35 triệu đồng một lượng vào sáng 14/8.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, động thái điều chỉnh này là cần thiết bởi sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cải thiện cán cân thương mại, đặc biệt khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sắp tăng lãi suất.
“NHNN về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục cam kết giữ mức phá giá tiền đồng tối đa 2% trong năm 2015 ở thời điểm hiện tại, nhưng đây chỉ là một động thái kéo dài thời gian. Đợt phá giá tiếp theo sẽ có biên độ lớn hơn và diễn ra không sớm thì muộn”, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định. Còn nếu muốn tiếp tục bảo vệ tỷ giá, Việt Nam có thể phải trả giá bằng việc dự trữ ngoại hối sẽ bị tiêu tốn.
Chứng khoán
Việc thị trường ngoại hối chao đảo do Trung Quốc phá giá NDT, cộng với những rủi ro doanh nghiệp gặp phải từ tỷ giá biến động đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ 3 ngày liên tiếp, tổng mức giảm của Vn-Index là hơn 20 điểm. “Phá giá đồng NDT làm suy yếu tâm lý thị trường. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Thị trường toàn cầu đồng loạt giảm khi đồng NDT tiếp tục trượt giá”, VCSC hàm ý.
Ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận định “cuộc chiến tranh tiền tệ” xuất phát từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường vốn nên phải theo dõi chặt chẽ.
Song, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi. Trung Quốc hạ tỷ giá có thể khiến quyết định tăng lãi suất của FED chậm lại, kéo theo dòng tiền của khối ngoại vẫn ở lại các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Từ ngày 11-13/8, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 290 tỷ đồng trên sàn TP HCM, tương đương 13 triệu USD.
Đầu tư
Hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 9 trong 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 8,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với mức vốn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…
“Đồng NDT mất giá chưa tác động rõ ràng đến đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam vì đa phần nguồn FDI này đã được chuyển hóa qua kênh thương mại, thông qua con đường nhập khẩu máy móc thiết bị”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chia sẻ.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Quốc đang tham gia nhiều dự án đường sắt đô thị, bởi vậy chi phí ở các dự án này có thể chịu ảnh hưởng. Lấy ví dụ với tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) tổng đầu tư 552 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vốn, tổng thầu cũng là nước này. Khi NDT mất giá, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi máy móc thiết bị mua từ Trung Quốc rẻ hơn, song cũng có mặt hại là phần tiền chi trả cho nhà thầu trong nước, quy đổi từ NDT ra tiền đồng sẽ ít đi.
Tuy nhiên, để lượng hóa tác động cụ thể là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào cơ cấu dự án, trong đó có bao nhiêu phần trăm dùng để mua hàng, trả cho phía nhà thầu Trung Quốc và bao nhiêu phần trăm là do Việt Nam đảm nhận.
Ngân sách
Theo số liệu chính thức gần đây nhất ở Bản tin nợ nước ngoài số 7 của Bộ Tài chính, cuối năm 2010, dư nợ Chính phủ với Trung Quốc là 551,7 triệu USD, chiếm 2% tổng dư nợ Việt Nam; dư nợ của doanh nghiệp vay Trung Quốc được Chính phủ bảo lãnh là 1,12 tỷ USD (quy đổi theo tỷ giá cuối năm 2010). Việt Nam cũng nhận ODA và vay ưu đãi của Trung Quốc 395,8 triệu USD tính đến hết tháng 6/2015 (số liệu đã được quy đổi theo tỷ giá), chiếm 1% tổng vốn.
Với việc NDT mất giá, Việt Nam sẽ được lợi với những khoản vay này khi thanh toán. Song, tỷ giá VND/USD biến động lại gây bất lợi khi các khoản vay bằng đôla Mỹ đến hạn. Một nguồn tin cho biết sau khi Việt Nam “tốt nghiệp” các ưu đãi vào năm nay, tốc độ trả nợ sẽ phải tăng lên, từ mức khoảng 7,5 tỷ USD mỗi năm lên 9,5 tỷ USD, điều này sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách – vốn đã khó khăn, nếu tỷ giá với đôla Mỹ còn tăng tiếp.
Du lịch
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay khách du lịch từ Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các khách quốc tế đến Việt Nam (gần 25%), với mức 1,9 triệu khách năm 2014 và gần 950.800 trong 7 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, việc NDT mất giá liên tiếp sẽ khiến những người có thu nhập trung bình hoặc khá ở Trung Quốc hạn chế đi du lịch hoặc mua sắm ở nước ngoài, do chi phí đắt đỏ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam.
Trước đó, Việt Nam phải đối mặt với tình hình ảm đạm từ khách du lịch Nga và một số nước châu Âu do đồng rouble và euro mất giá. 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam chỉ đón hơn 190.400 lượt khách Nga, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, thị trường này luôn có mức tăng trưởng 2 con số và thuộc top 10 thị trường gửi khách đông nhất Việt Nam.
Song, Tổng cục Thống kê cũng cho biết mặc dù chiếm tỷ lệ cao nhưng khách du lịch Trung Quốc lại là đối tượng chi tiêu thấp hơn so với khách quốc tế khác tại Việt Nam. Theo số liệu điều tra của cơ quan này, khách du lịch Trung Quốc tự tổ chức đi du lịch có mức chi tiêu bình quân khoảng 90 USD mỗi ngày, bằng 63% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam. Chi tiêu trung bình ngoài tour của khách Trung Quốc là 41,28 USD một ngày, bằng 35% mức chi tiêu trung bình.
Động thái giảm giá đồng NDT (NDT) của Trung Quốc liên tiếp trong 3 ngày, từ 11 – 13/8, được dự báo sẽ gây ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Ngay sau ngày đầu tiên Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu đồng NDT 1,9%, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, có hiệu lực từ 12/8.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá, xuất khẩu của nước ta nên NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm giá đồng Việt Nam 2%. Do vậy, thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua.
Sau khi NHNN “nới” biên độ tỷ giá, một số ý kiến lo ngại rằng, Việt Nam đang phá giá tiền đồng. Trả lời rõ hơn vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế”.
Do vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ
Thông tấn xã Việt Nam và các báo)