Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, đồng thời kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, trong đó có quan điểm về đạo làm người, coi đó là một phần không thể thiếu của đạo đức và rèn luyện đạo đức, vì đạo đức là gốc, là nền tảng cần có để mỗi người sống và làm việc đúng đạo lý. 

 

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo làm người 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ"[1]. Người cũng xem đạo làm người là một phần không thể thiếu của đạo đức. Tựu trung, đạo làm người trong tư tưởng Hồ Chí Minh có những nội dung cơ bản sau: 

 

Mỗi người luôn phải học tập, rèn luyện hoàn thiện đạo đức, nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội; đặc biệt là tinh thần tự tu thân, nhất là đối với người cán bộ cách mạng.Đây là nội dung mang tính nguyên tắc, dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người cũng luôn phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách để góp phần xây dựng cuộc sống độc lập, hạnh phúc, ấm no. Việc tu dưỡng đạo đức phải gắn liền với hoạt động thực tiễn, trên tinh thần tự giác, tự nguyện và phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời.

 

Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, phải nêu gương về đạo đứcTrong gia đình, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu; trong đơn vị, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên; ở nơi cư trú thì đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Muốn hướng dẫn nhân dân làm theo, người cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước, làm trước. Hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó cũng là một nguyên tắc trong đạo lý làm người và là điều kiện không thể thiếu của mỗi con người, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên.

 

Đồng thời thực hiện tốt vai trò, bổn phận với gia đình, với tập thể và với xã hội. Trong xã hội, mỗi người có vị trí, vai trò, trách nhiệm được quy định bởi luật pháp hoặc bởi những nguyên tắc, hương ước do con người xây dựng nên. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Do vậy, mỗi người phải tự giác tuân theo pháp luật, kỷ luật lao động, hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước là nước của dân và dân là chủ của nước. Do vậy, vai trò, trách nhiệm công dân bao trùm trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân và gia đình.

 

Để thực hiện đạo làm người, mỗi người phải tự học tập, rèn luyện những phẩm chất đạo đức là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tuân thủ pháp luật, có tinh thần quốc tế trong sáng… Trong đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu nước là phẩm chất quan trọng, bao trùm và chi phối các phẩm chất khác. Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, kính trọng và hết lòng vì dân. Phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Tình yêu thương con người thể hiện trước hết là tình thương yêu nhân dân, người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột; mỗi người phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đoàn kết với nhân dân các dân tộc bị áp bức và dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột. 

 

Trong mối quan hệ giữa đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ cách mạng không thể thiếu thiếu mặt nào và khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[2]. Và đạo làm người còn là sự giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, không trái với tự nhiên, tuân thủ các quy luật khách quan. Tóm lại, theo Người, đạo làm người là suốt đời tu dưỡng đạo đức, phải thống nhất giữa nói và làm, để quy tụ và lãnh đạo quần chúng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc trong thời đại mới, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn và giành thắng lợi. 

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm giúp thực hiện tốt đạo làm người

 

Những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, chạy theo lợi ích cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, hối lộ; có lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, đã và đang làm băng hoại đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc; trở thành thách thức lớn đối với công cuộc đổi mới đất nước và là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để khắc phục thực trạng trên và góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt nội dung về đạo làm người trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Thứ nhất, phát huy vai trò chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để có bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng vững vàng, nhãn quan chính trị đúng đắn, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và coi đó là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Trước hết, cấp ủy và người đứng đầu cần tạo điều kiện tối đa cho thế hệ trẻ học tập, lao động, cống hiến và kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

 

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; nâng cao chất lượng, triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung của việc học tập và làm theo với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đơn vị; duy trì thường xuyên trong sinh hoạt đảng và hoạt động của đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, làm theo gương Bác sâu rộng trong toàn xã hội nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Thứ bathực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị, xã hội đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên và của hệ thống chính trị; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực, vị trí công việc dễ phát sinh tham ô, tham nhũng, vi phạm đạo đức lối sống; quản lý chặt chẽ, thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên cả ở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm và có biện pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả; kiên quyết xử lý các vi phạm, làm tốt việc nêu gương người tốt, việc tốt nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên tự giác học tập, rèn luyện, gương mẫu trong đạo đức và lối sống để nhân dân noi theo. Việc phát huy dân chủ phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống phải gắn với việc cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, giúp cho họ yên tâm, gắn bó với công việc, được thể hiện quyền và trách nhiệm của mình đối với công việc.

 

Có thể nói, đạo làm người trong tư tưởng Hồ Chí Minh về là nền tảng để xây dựng, hình thành nên con người có nhân cách, đạo đức hoàn thiện; là thành tố quan trọng tạo nên sự đoàn kết, gắn bó "lòng dân, ý Đảng, phép nước làm một". Đó cũng là sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, hay bất kỳ thách thức nào. 

 

(Nguồn Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng Thành phố)

 


[1]Trích Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950

[2]Hồ Chí Minh, toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2002, tập 5, tr.252-253.