Sau khi vận hành không thành công, Nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An) với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng hiện đang bị "đắp chiếu".

Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị, Quốc hội, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ thuộc ngành Công thương do đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, giúp Chính phủ đánh giá, xem xét và đưa ra các giải pháp cụ thể xử lý, giảm thiệt hại cho Nhà nước. Ban Chỉ đạo đã rà soát, lựa chọn xử lý 12 dự án, đề ra mục tiêu đến hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản, hết năm 2018, cơ bản xử lý xong các vướng mắc, yếu kém. Cuộc "đại phẫu" những "khối u" nghìn tỷ này thật sự không dễ dàng, sẽ để lại sự đau đớn và di chứng vô cùng lớn đối với nền kinh tế đất nước, có lẽ còn kéo dài hàng chục năm về sau…

Bài 1: Le lói hy vọng

 

Trở lại khảo sát một số nhà máy thuộc 12 dự án "điển hình", làm việc với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan và tham vấn ý kiến các chuyên gia, chúng tôi nhận thấy, dù các nhà máy vẫn chưa thoát khỏi cảnh hoang tàn, nhưng đâu đó đã le lói tia hy vọng. Chính phủ đã kiên định quan điểm không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách, bảo toàn tài sản Nhà nước ở mức cao nhất; tuân thủ các nguyên tắc thị trường, có tính đến các vấn đề an sinh – xã hội, bảo đảm lợi ích của người lao động và phát triển bền vững các ngành kinh tế lớn,… Từ "con đường" được vạch sẵn này, mỗi doanh nghiệp (DN) cần tự thân vận động, xử lý các vướng mắc cụ thể về tài chính, kỹ thuật, quản trị, vận hành và tiêu thụ sản phẩm,…

Khắc khoải đợi chờ

Có mặt tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), mới cảm nhận hết vẻ hoang tàn của dự án từng được hy vọng là cánh cửa mở tương lai cho người dân trong vùng. Khuôn viên rộng khoảng 50 ha của nhà máy luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, chung quanh cỏ dại um tùm. Ðể trông giữ dãy nhà xưởng xuống cấp và đống máy móc hoen gỉ, có hơn mười nhân viên bảo vệ túc trực ngày đêm. Trong giai đoạn 2011-2012, cùng với xây lắp nhà máy, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) đã chuyển giao kỹ thuật phát triển vùng nguyên liệu sắn cho nông dân ở một số vùng. Từ cuối năm 2011 đến nay, sau năm lần điều chỉnh, Nhà máy đã dừng hẳn việc thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng đóng cửa khiến nông dân trong vùng nguyên liệu đứng ngồi không yên.

Chủ tịch UBND xã Tam Cường Trần Hữu Ðạt cho biết, từ khi dừng thi công nhà máy, lãnh đạo xã cũng chẳng ai được bén mảng tới. Xã Tam Cường phải "hy sinh" cho dự án gần 22 ha bờ xôi ruộng mật của hơn 200 hộ dân. Bây giờ nhà máy bỏ không, dân không có đất sản xuất khiến địa phương thiệt hại đủ đường. Người dân từng ngày khắc khoải trông ngóng Nhà nước sớm có giải pháp để nhà máy đi vào hoạt động hoặc chuyển đổi công năng sử dụng, kêu gọi đầu tư các dự án khác, tránh lãng phí kéo dài. Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Cao Văn Mỹ cho biết thêm, việc xây dựng nhà máy chậm tiến độ, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế, còn gây dư luận xấu trong nhân dân, nhất là người dân phải nhường đất nông nghiệp. Chính quyền huyện mong muốn chủ đầu tư sớm có phương án đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy vào hoạt động. Nếu không thể thực hiện tiếp, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp hoặc chuyển nhượng cho dự án khác.

Nhà máy bột giấy Phương Nam ở tỉnh Long An sau khi vận hành thử không thành công, toàn bộ nhà máy trị giá hơn 3.400 tỷ đồng đã "trùm mền" từ đó đến nay. Vừa qua, một số nhà đầu tư cũng đã đến tìm hiểu, nhưng khi tham khảo giá chuyển nhượng thấy quá cao so với cơ sở vật chất hiện hữu, tất cả đều im lặng rút lui. Ông Bùi Văn Du (70 tuổi) ở ấp Vườn Xoài, xã Thuận Nghĩa Hòa (huyện Thạnh Hóa) bức xúc: "Mỗi ngày nhìn sang nhà máy đóng cửa im ỉm mà thấy xót ruột. Khi nhường đất cho dự án, những tưởng nhà máy sẽ giúp con cháu chúng tôi "ly nông", ai ngờ… Ruộng cấy hái không còn, bọn chúng đành phải "ly hương", lang bạt tận Bình Dương, TP Hồ Chí Minh kiếm việc. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, nếu nhà máy hoạt động, có lẽ Ðồng Tháp Mười sẽ đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bà con chúng tôi tha thiết kiến nghị Nhà nước có cách chuyển đổi công năng nhà máy sang lĩnh vực khác, tạo việc làm cho lao động địa phương".

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Dương Quốc Xuân cho rằng: Ðể nhà máy dừng hoạt động càng lâu, sẽ càng gây lãng phí, thiệt hại khối tài sản lớn của Nhà nước. Do đó, các bộ, ngành hữu quan cần tìm hướng giải quyết bằng cách phân khúc trang thiết bị sản xuất và bán thanh lý. Ðối với đất đai, nhà xưởng, cần chuyển đổi công năng cho doanh nghiệp khác đầu tư để góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hoạt động trở lại

Từ tháng 4-2015, Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc sau khi thực hiện mở rộng quy mô sản xuất (tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng) đã thua lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2017, công ty sẽ lỗ thêm khoảng 800 tỷ đồng nữa. Nguy cơ nhãn tiền đối với công ty là buộc phải ngừng sản xuất do không duy trì được dòng tiền. Về tình hình sản xuất hiện tại, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phạm Văn Trung cho hay, sản phẩm của công ty bán ra đang thấp hơn giá thành, bởi chi phí đầu tư mở rộng dây chuyền cao, lãi suất ngân hàng và chênh lệch tỷ giá lớn. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm của công ty vẫn cao hơn chi phí biến đổi, do đó công ty nỗ lực sản xuất, kéo lại được phần thu nhập để trả nợ các ngân hàng. Giá u-rê trên thị trường đang chạm đáy do chưa vào mùa vụ, song công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất, dây chuyền mở rộng của nhà máy vẫn đang vận hành tốt. Hiện nay, mỗi ngày công ty tiêu thụ bình quân khoảng 700 tấn sản phẩm. Giá u-rê thời gian tới dự báo tăng, phần thu này sẽ cao hơn, rút ngắn thời gian trả nợ. Nếu được hỗ trợ về cơ chế, chính sách như điều chỉnh giảm lãi suất đối với các dư nợ gốc; giãn thời gian trích khấu hao chi phí mở rộng quy mô,… công ty sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP Vinachem có tổng mức đầu tư (điều chỉnh cuối cùng) hơn 165 triệu USD. Từ năm 2016, công ty bắt đầu gánh khoản lỗ gần 470 tỷ đồng do không cạnh tranh được phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc. Thêm vào đó, giá DAP trên thị trường giảm tới 44%, xuống còn 278 đến 290 USD/tấn vào cuối năm 2016, khiến công ty phải tiết giảm sản xuất còn 38% công suất thiết kế. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ, công ty đã thực hiện triệt để phương án quản trị chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm, linh hoạt trong điều hành. Trong quý I vừa qua, sản lượng sản xuất đạt hơn 61.600 tấn, bằng 73% công suất; tiêu thụ 65,3 nghìn tấn, giảm 3.700 tấn hàng tồn kho.

Còn Nhà máy đạm Ninh Bình, Ban Chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương đã làm việc, đánh giá trên thực địa và chỉ đạo Vinachem, Công ty Ðạm Ninh Bình khẩn trương khởi động lại nhà máy; rà soát toàn bộ vấn đề quản trị, xây dựng phương án để cắt giảm ít nhất 20% chi phí nhân công, chi phí quản lý và các chi phí gián tiếp khác. Ðồng thời, rà soát lại toàn bộ quá trình cung cấp nguyên liệu, vật tư đầu vào, đặc biệt là các hợp đồng cung cấp than. Thực hiện yêu cầu này, Công ty Ðạm Ninh Bình đã khởi động lại nhà máy, có sản phẩm hợp cách ngày 30-1-2017 và xây dựng được phương án sản xuất trong giai đoạn 2017 – 2019 trên cơ sở tiết giảm các chi phí, tăng cường quản trị doanh nghiệp, tài chính, vật tư, lao động. Ước tính năm nay, công ty sẽ tiết giảm khoảng 130 tỷ đồng chi phí sản xuất (khoảng 5,1% tổng chi phí); trong đó, quản trị sản xuất khoảng 60 tỷ đồng, quản trị nhân sự 16 tỷ đồng,…

Ðầu tháng 3 vừa qua, Vinachem cũng đã làm việc với một số ngân hàng như VDB, Vietinbank, BIDV, VCB về tiếp tục cho vay vốn lưu động, cơ cấu và giảm lãi suất vay các khoản dư nợ của dự án. Các bên đã thống nhất việc Vinachem sẽ xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh và phương án tài chính trong 5 năm tới để các tổ chức tín dụng xem xét, thống nhất cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay các khoản dư nợ hiện nay gửi Bộ Tài chính xem xét, xử lý việc trích giảm khấu hao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ðối với dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), sau khi Chính phủ "vào cuộc", cũng đã có một số chuyển biến đáng kể. Ðến hết năm 2014, tổng lỗ lũy kế toàn bộ nhà máy của Tisco là 275 tỷ đồng, tuy nhiên nhà máy đã có lãi trở lại trong hai năm 2015 – 2016, xóa hết lỗ lũy kế. Cuối năm 2016, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án là 4.519 tỷ đồng, chủ đầu tư trả nợ gốc cho ngân hàng hơn 241 tỷ đồng, số nợ còn phải trả gần 2.988 tỷ đồng.

Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Ða cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn thành việc rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng khỏi dự án, giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống còn 1.840 tỷ đồng; cuối tháng 6 tới, Tisco sẽ tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường, thông qua chủ trương phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư tư nhân để tăng vốn điều lệ. Với động thái phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ vốn nhà nước, tăng tỷ lệ vốn của tư nhân, khả năng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được tái khởi động.

Bộ Công thương và Tổng công ty đã xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên DN có tiềm lực tài chính và năng lực sản xuất, kinh doanh thép. Thực tế cho thấy sẽ không dễ dàng lựa chọn được nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng vào nhà máy đang gánh khoản nợ gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu này. Tuy nhiên, một tín hiệu tốt lành gần đây nhiều người có thể nhận thấy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TIS của Tisco liên tục được một DN sản xuất – thương mại ngành thép mua vào, hiện tại DN này đã sở hữu 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 20% vốn của Tisco. Tại Nhà máy thép Việt – Trung (VTM), sang tháng 3 vừa qua, tình hình đã có dấu hiệu khả quan, sản xuất, tiêu thụ quặng sắt và phôi thép tăng cao, chất lượng cải thiện hơn, công ty đã lãi 28,4 tỷ đồng, giảm bớt lỗ của quý I vừa qua xuống còn 39,9 tỷ đồng, giảm 85% so mức lỗ cùng kỳ năm trước.

Với những biện pháp quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ trong xử lý thời gian qua, một số DN thua lỗ đã "gượng dậy" sau những tháng ngày dài nằm bất động. Ðã thấy nhen nhóm những tia hy vọng, song chặng đường dài phía trước còn đầy chông gai…

(Còn nữa)

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ ngành Công thương sau khi được phê duyệt điều chỉnh, tăng lên gần 63.611 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%); vốn vay hơn 47.451 tỷ đồng (74,6%); còn lại từ các nguồn khác. Vốn vay các ngân hàng trong nước hơn 41.801 tỷ đồng, vay nước ngoài 5.650 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD). Tổng tài sản của 12 nhà máy 57.679 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 53.705 tỷ đồng. Ðến cuối năm 2016, tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy lên tới hơn 16.126 tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này chỉ còn hơn 3.958 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của ba dự án dở dang, đang dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến 13.066 tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Công thương)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN