Nhà máy DAP số 1 – Hải Phòng đang cố gắng duy trì sản xuất, mong sớm thoát lỗ.

 

Hầu hết gói thầu EPC đều phát sinh tranh chấp, nhiều dự án kết thúc vẫn chưa quyết toán được. Các nhà máy khi vận hành đều gặp khó khăn về tài chính, về thị trường tiêu thụ cũng như nguyên liệu đầu vào. Giải quyết cơ bản những hạn chế này là cách mở hướng giúp các chủ dự án dần thoát ra khỏi thảm cảnh thua lỗ.

Khẩn trương, quyết liệt

Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo Chính phủ xử lý các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) đã trực tiếp làm việc tại các dự án và ban hành nhiều văn bản xử lý các yếu kém, vướng mắc ở từng dự án. Từ ngày 17-12-2016 đến ngày 16-1-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cùng đại diện các bộ, ngành đã trực tiếp tổ chức chín cuộc làm việc liên tục, xem xét các vấn đề cụ thể tại 9/12 dự án. Từ tháng 12-2016 đến nay, Ban Chỉ đạo, Bộ Công thương và các bộ, ngành đã ban hành 120 văn bản, giao các bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện 189 nhiệm vụ cụ thể xử lý các vấn đề vướng mắc.

Các dự án được chia thành sáu nhóm ngành, gồm phân bón (đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 – Hải Phòng và DAP số 2 – Lào Cai); nhiên liệu sinh học (bio-ethanol Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước); thép (Việt – Trung, Tisco-II); xơ sợi Đình Vũ (PVTex); tàu thủy Dung Quất (DQS) và bột giấy Phương Nam.

Đối với các nhà máy phân bón, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo phương án xử lý là tập trung tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo quy định với lộ trình phù hợp. Như vậy, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần hoàn thành việc quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán dự án; tiết giảm chi phí sản xuất, nhân công, tiêu hao vật tư; làm chủ công nghệ, bảo đảm chạy đủ tải dài ngày; xây dựng chiến lược, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với Nhà máy bio-ethanol Quảng Ngãi, Ban Chỉ đạo đã xem xét, thống nhất chọn phương án định giá, bán đấu giá nhà máy, sẽ định giá tài sản (lựa chọn tư vấn định giá, thẩm định,…) để làm cơ sở triển khai thực hiện đấu giá. Đồng thời, tiếp tục triển khai xử lý dứt điểm những vướng mắc của dự án và thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ ethanol thông qua các cơ chế, chính sách chung của Nhà nước. Phương án này có ưu điểm sẽ chấm dứt được tình trạng thua lỗ kéo dài, các cổ đông chỉ phải xử lý khoản lỗ do đầu tư một lần duy nhất. Tuy nhiên, điểm bất lợi là các cổ đông có khả năng mất vốn cao, chủ đầu tư mất cơ hội đầu tư vốn trong trường hợp giá dầu phục hồi, thuận lợi cho tiêu thụ ethanol. Điều kiện để thực hiện phương án này là các ngân hàng đồng tài trợ chấp thuận phương án, cổ đông phê duyệt chủ trương bán nhà máy.

Dự án bio-ethanol tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo đã quyết định lựa chọn phương án chuyển nhượng/thoái vốn, yêu cầu PVN chỉ đạo PVOil đàm phán với đối tác là cổ đông chi phối của dự án hoặc với đối tác khác để chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn khỏi dự án. Phương án này có ưu điểm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục triển khai dự án. Việc chuyển nhượng vốn thực hiện minh bạch, công khai, do đó giá trị tài sản phần vốn nhà nước tại dự án được thu về ở mức cao nhất, đồng thời xử lý dứt điểm được tình trạng bế tắc kéo dài. Hạn chế của phương án này là việc định giá khởi điểm khó khăn và cần nhiều thời gian do dự án dở dang, chưa hoàn thiện.

Nhà máy bio-ethanol tại Bình Phước cũng được chấp thuận phương án chuyển nhượng vốn/thoái vốn, giao PVN chỉ đạo PVOil đàm phán với các đối tác để chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn khỏi dự án.

Bảo toàn tài sản nhà nước

Đối với dự án mở rộng giai đoạn 2 Tisco, Chính phủ và Ban chỉ đạo đã làm việc, đánh giá và đưa ra các chỉ đạo để xử lý. Theo đó, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc với tổng thầu MCC. Có nhiều dấu hiệu cho thấy sau khi “nắm đằng chuôi”, được thanh toán giá trị phần E+P trị giá 110,5/117,9 triệu USD, MCC đã tìm cách kéo dài việc xử lý các vướng mắc, lợi dụng các điểm bất lợi của Tisco theo các phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC để né trách nhiệm. Vì vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Tisco sớm thuê tư vấn pháp lý có kinh nghiệm rà lại các hợp đồng, văn bản để làm rõ trách nhiệm mỗi bên, từ đó đề xuất giải pháp xử lý tổng thể, dứt điểm vướng mắc. Trong mọi trường hợp, Tisco cần tính đến phương án khởi kiện MCC theo điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong Tisco chiếm 77,3%; trong đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) chiếm 42,1%, SCIC chiếm 35,2%. Chính phủ đã chỉ đạo SCIC rút 1.000 tỷ đồng tại Tisco và việc này đã thực hiện thành công. Tại dự án này, Ban Chỉ đạo chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Tisco. Việc thoái vốn nếu được sẽ ưu tiên chọn kịch bản thoái toàn bộ cổ phần sở hữu của SCIC và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của VnSteel xuống dưới 30%. Để thực hiện phương án, trước mắt phải tập trung xác định giá trị dự án, Bộ Công thương đã chỉ định được nhà thầu tư vấn thẩm định giá và đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án (giai đoạn 2).

Khi xây dựng phương án thoái vốn nhà nước khỏi Tisco, để bảo đảm dự án hoàn thành và đưa nhà máy vào hoạt động, lựa chọn nhà đầu tư mới bảo đảm các tiêu chí: là nhà đầu tư trong nước, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép hơn 5 năm, doanh thu bán hàng ba năm gần nhất tối thiểu tương đương Tisco (khoảng 8.000 tỷ đồng), báo cáo tài chính ba năm gần nhất có lãi; cam kết không chuyển nhượng vốn, không thay đổi ngành nghề kinh doanh trong vòng 10 năm, cam kết đưa dự án vào hoạt động trong vòng hai năm kể từ khi hoàn thành nhận chuyển nhượng, cam kết bằng văn bản đặt cọc 10% giá trị cổ phần đăng ký mua và cam kết bảo đảm ổn định sản xuất, an sinh xã hội cho người lao động.

Còn Nhà máy bột giấy Phương Nam, hiện đã phải dừng đầu tư để tiến hành bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho. Do dây chuyền sản xuất giấy được thiết kế dựa trên công nghệ chưa được kiểm chứng trong thực tế sản xuất để cho ra sản phẩm công nghiệp cuối cùng, không có một dây chuyền tương tự nào để so sánh, phải tính toán căn cứ vào giá trị đầu tư thực tế để xác định giá. Với loại dây chuyền sản xuất dạng “năm cha ba mẹ” này, việc xác định giá khởi điểm làm căn cứ tổ chức đấu giá sẽ rất khó khả thi.

Tại Nhà máy đóng tàu DQS, thị trường vận tải biển trầm lắng thời gian qua khiến DQS không có khách hàng. Nhà máy được đầu tư với công suất đóng mới thiết kế 699 nghìn tấn tàu/năm, tuy nhiên thực tế chủ yếu chỉ sửa chữa, cho nên chỉ có khoảng 30% giá trị tài sản cố định phục vụ sản xuất, 70% còn lại chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng.

Mặc dù vậy, cơ sở vật chất của DQS còn thiếu và chưa đồng bộ, cho nên hiệu suất sử dụng tài sản chỉ đạt khoảng 20 đến 30%. Phương án xử lý được chọn là thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật hoặc chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản công nợ (bán nợ), nhằm xử lý dứt điểm những vướng mắc của công ty, thu hồi một phần vốn nhà nước. Rủi ro của phương án bán đấu giá tài sản của DQS là khó thực hiện do nhiều hợp đồng xây dựng dở dang, chưa quyết toán dẫn đến không đủ cơ sở để định giá, khả năng thu hồi các khoản đầu tư thấp.

Do có rủi ro và khả thi thấp khi bán DQS cho nên Ban Chỉ đạo dự kiến ưu tiên cho phá sản, trả lại đất cho địa phương để bảo đảm khả thi hơn, đồng thời bảo đảm được vấn đề quốc phòng an ninh do DQS có vị trí “đắc địa và nhạy cảm”. Bối cảnh thị trường ngành đóng tàu và dầu khí hiện tại cũng như triển vọng vài năm tới chưa có tín hiệu khả quan, các hoạt động mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp lĩnh vực đóng tàu, giàn khoan không hấp dẫn các nhà đầu tư và khó thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu trong nước thậm chí đang tìm cách co hẹp quy mô, không đơn vị nào có nhu cầu mở rộng đầu tư. Vì thế, việc bán DQS tại thời điểm này, theo nhận định của Ban Chỉ đạo, là tương đối khó thực hiện. Để thực hiện phương án này bảo đảm hiệu quả cao nhất, sẽ tập trung xử lý ở mức cao nhất những vướng mắc, trên cơ sở đó xem xét quyết định thời điểm chuyển nhượng phù hợp. Trong thời gian thực hiện các công việc nêu trên, tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DQS,…

Có thể thấy, trong một thời gian ngắn, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan đã hết sức nỗ lực đưa ra những phương án giải quyết cụ thể, quyết liệt, kiên định quan điểm tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm lợi ích cho người lao động; Nhà nước không “bơm vốn” để xử lý khó khăn, bảo toàn tài sản ở mức cao nhất, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngân sách; công khai, minh bạch trong quá trình xử lý,…

Tuy nhiên, khi đi tìm hiểu thực tế, liên hệ làm việc với một số đơn vị chủ đầu tư và địa phương, chúng tôi nhận thấy một điều đáng ngại: Hầu hết chủ đầu tư và lãnh đạo địa phương có tâm lý né tránh, đẩy “quả bóng” trách nhiệm lên Chính phủ và Bộ Công thương. Trước đây, khi các dự án có quy mô hoành tráng được khởi công xây dựng, đại diện lãnh đạo địa phương đều phát biểu bày tỏ vui mừng khôn xiết, rằng dự án sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn,… Thế nhưng, khi nhà máy gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ đổ vỡ, một bên Chính phủ hết sức nỗ lực tìm mọi cách “xắn tay” giải quyết thì phía bên kia, một số đơn vị chủ đầu tư, địa phương lại có chiều hướng “buông tay”!

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31-5-2017.

Theo thông cáo phát ra từ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chính phủ xử lý các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương, tinh thần của Chính phủ là xử lý nghiêm khắc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi để các dự án, nhà máy rơi vào tình cảnh trên, làm tiêu hao nguồn lực của Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách của Chính phủ.

Theo nguồn tin phóng viên Báo Nhân Dân được Ban Chỉ đạo cung cấp, các cơ quan thanh tra, công an đã củng cố hồ sơ, chỉ rõ mức độ sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan trong việc đầu tư, thực hiện các dự án yếu kém, thua lỗ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo.

Việc thanh tra, kiểm tra công tâm, làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan sẽ có vai trò rất lớn đối với việc củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và sẽ là bài học đắt giá cho các cá nhân, tổ chức trong việc ban hành chủ trương, thực hiện chính sách kinh tế sau này.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN