Đình chỉ sinh hoạt đảng với ông Đinh La Thăng

 

Ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 456/NQ- UBTVQH14 ngày 08/12/2017 “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV” 

 

Cùng ngày, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 08/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có). 

 

Ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng. Ảnh: TTXVN

 

Các sai phạm của ông Đinh La Thăng trong thời gian làm bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2011.

 

Ông Đinh La Thăng khi còn là chủ tịch HĐQT PVN đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn 20% tại OceanBank (800 tỷ đồng) trước khi HĐQT tập đoàn họp thống nhất nội dung trên, trái quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Khoản tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN vào OceanBank đã bị mất trắng do OceanBank làm ăn thua lỗ và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng vào tháng 4/2015. 

 

Ông Thăng chịu trách nhiệm khi ký ban hành một số nghị quyết, quyết định để Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.  

 

Ông Đinh La Thăng cũng bị điều tra vì liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

 

Ông Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học). 

 

 

Cơ quan điều tra xác định, trong giai đoạn từ 2011 – 2013, lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.

 

Liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình II, theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC (xây dựng – vận hành – chuyển giao) giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.

 

Sau khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng.

 

Ngoài ra, đem góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng.

Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập quỹ dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ. Tính đến 31-12-2013, PVC đầu tư vào PVC-Land hơn 203 tỉ đồng (trong đó có 50 tỉ đồng sử dụng từ nguồn vốn 1.080 tỉ). Từ năm 2011 – 2015 đơn vị này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

 

Với công ty con PVC-Mekong, tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền mà PVC đầu tư là hơn 153 tỉ đồng (trong đó có 30 tỉ đồng sử dụng từ nguồn tiền 1.080 tỉ đồng). Trong 3 năm (từ 2012 – 2015), công ty này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.  

 

Nguồn Tổng hợp