Những điểm cộng khiêm tốn

Kết quả hạn chế tại Đối thoại lần này thể hiện rõ trong các tuyên bố đưa ra trong ngày làm việc cuối cùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết các quan chức Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết không hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) vốn đang yếu vì mục đích cạnh tranh. Bắc Kinh cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận thị trường tài chính của nước này vốn bị quản lý chặt chẽ, cho phép các nhà đầu tư Mỹ mua một lượng cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trị giá tới 250 tỷ NDT (khoảng 38,1 tỷ USD). Hai nước cũng đồng ý chỉ định các ngân hàng tại Mỹ được phép thực hiện các giao dịch bằng đồng NDT. Điều này sẽ thúc đẩy sử dụng rộng rãi hơn đồng tiền của Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để biết được ngân hàng nào của Mỹ sẽ được lựa chọn. 

 

 

 Hai bên thừa nhận rằng tình trạng sản xuất dư thừa trong một số ngành, trong đó có ngành thép, là thách thức toàn cầu và cần nỗ lực chung để giải quyết. Phía Trung Quốc cam kết kìm hãm sản xuất thép để giải quyết tình trạng dư thừa. Tuy nhiên, Mỹ mong muốn các bảo đảm tương tự cho các ngành công nghiệp khác nhưng không được đáp ứng. Cụ thể ở đây là ngành sản xuất nhôm của Trung Quốc, một trong nhiều ngành mà Mỹ và các đối tác thương mại khác cho rằng sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài và đe dọa công ăn việc làm ở các nước.

Một điểm cộng nữa của lần Đối thoại này là đàm phán về hiệp định đầu tư song phương. Washington hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng nắm bắt những cơ hội do cải cách cơ cấu của Trung Quốc mang lại và tăng đầu tư vào nước này.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tăng hạn ngạch cho các nền kinh tế mới nổi.

Bất đồng che phủ

S&ED 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng sau một loạt các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại các đảo, bãi đá và các vùng biển tranh chấp. Đây chính là bất đồng lớn nhất chi phối kết quả lần gặp này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ quan ngại về các hoạt động đơn phương của “bất kỳ bên nào” – ám chỉ các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc tại Biển Đông – đồng thời tuyên bố Mỹ ủng hộ các giải pháp hòa bình dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế. 

Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ “tôn trọng lời hứa” không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, đồng thời lặp đi lặp lại rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng phải là đàm phán “giữa các bên liên quan”, nghĩa là tiếp tục con đường đàm phán song phương.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mới đây thông qua Luật Quản lý chặt chẽ các tổ chức phi chính phủ cũng phủ bóng đen lên Đối thoại Mỹ-Trung lần này. Trong khi phía Trung Quốc cho rằng luật này sẽ bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức tuân thủ đầy đủ luật này thì giới chức Mỹ lại cho rằng các tổ chức phi chính phủ khó mà thực hiện được đầy đủ các quy định trong luật trên.     

Một trong những nguyên nhân khiến Đối thoại lần này thiếu đột phá là bởi hai bên đều đang ở trong quá trình chuẩn bị cho sự thay đổi nhân sự cấp cao. Đây sẽ là cuộc đối thoại cuối cùng dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama trong khi Trung Quốc cũng sớm có cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng vào năm 2017 với 5 trong số 7 thành viên trong Bộ Chính trị sẽ rời nhiệm sở. Hai bên chưa thể đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong giai đoạn tiền quá độ hiện nay vì phần thực hiện sẽ thuộc về chính quyền kế nhiệm (tại Mỹ) cũng như phụ thuộc vào ban lãnh đạo mới tại Trung Quốc.

Lý do khác lớn hơn đó là Đối thoại diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm liên quan tới tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong vòng một năm qua, Trung Quốc không ngừng tăng cường các cuộc tuần tra trên khắp Biển Đông; tiến hành xây dựng trái phép hàng loạt căn cứ quân sự trên các hòn đảo tự tôn tạo trong bối cảnh Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) sắp ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Ngay trước khi S&ED 8 diễn ra, tại Diễn dàn An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Ấn Độ đã cùng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhắc đến từ “có nguyên tắc” 24 lần trong bài phát biểu. Ông kêu gọi các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng nhau xây dựng một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”- một mạng lưới đối tác song phương, ba bên và đa phương để nâng cao các giá trị chung và đơn giản hóa việc chia sẻ tài nguyên.

Bất chấp những mâu thuẫn nói trên, mối quan hệ Mỹ-Trung nói chung và Đối thoại lần này nói riêng vẫn đi đúng định hướng: đó là giải quyết những mâu thuẫn kinh tế, và gác lại những vấn đề về chiến lược.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)