Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhấn mạnh, đồng chí Võ Văn Tần, nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ là một trong những chiến sỹ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng. Trưởng thành qua các cuộc cách mạng khốc liệt của dân tộc ta, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thường xuyên đối mặt với sự truy lùng của kẻ thù, đồng chí Võ Văn Tần luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Buổi tọa đàm không chỉ là sự tri ân của Đảng và nhân dân ta đối với đồng chí Võ Văn Tần mà còn góp phần tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ, lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ do Đảng ta lãnh đạo.
Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891 tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình nghèo, giàu truyền thống yêu nước. Thực hiện chủ trương của Liên tỉnh ủy Chợ Lớn – Gia Định, ngày 4/6/1930, đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí trong Quận ủy Đức Hòa tổ chức một cuộc biểu tình lớn của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp. Tuy không đạt được thắng lợi trọn vẹn, nhưng cuộc biểu tình đã như ngọn gió thổi bùng những đốm lửa đang cháy trong lòng người dân Đức Hòa thành một phong trào yêu nước mạnh mẽ. Vì sự kiện này, đồng chí bị kết án tử hình vắng mặt.
Những năm sau đó, đồng chí Võ Văn Tần được Đảng giao cho nhiều trọng trách. Năm 1931, đồng chí được cử làm Bí thư Ban Chấp hành tỉnh đảng bộ Chợ Lớn; năm 1932 được điều động sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1938, đồng chí Võ Văn Tần được bầu vào Thường vụ Trung ương và góp phần xây dựng chính sách mới của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ.
Cuối năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng và các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần đã họp Hội nghị lần thứ 6 tại Hóc Môn – Bà Điềm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển hướng chiến lược của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Với vai trò là Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị.
Ngày 28/8/1941, đồng chí Võ Văn Tần bị thực dân Pháp đưa ra xử bắn cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến (Hải Đông) tại trường bắn Sở Rác (nay là bệnh viện Hóc Môn).
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tham luận, phát biểu ý kiến, tập trung vào một số nội dung: những nhân tố tác động đến việc hình thành nhân cách Võ Văn Tần; Võ Văn Tần – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng; Võ Văn Tần – tấm gương người cộng sản mẫu mực. Các đại biểu khẳng định, đồng chí Võ Văn Tần trưởng thành từ phong trào cách mạng, trên mọi cương vị công tác từ bí thư chi bộ, bí thư Quận ủy, bí thư Tỉnh ủy, bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Trung ương,… đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những cống hiến về tư duy sắc bén và định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương, bằng kinh nghiệm công tác và sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc, tư duy sắc sảo và kiên định, đồng chí không chỉ hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở, bảo đảm an toàn về mặt tổ chức của Đảng mà còn có nhiều đóng góp tích cực về mặt định hướng và quan điểm lý luận cho sự thành công của các Hội nghị Trung ương lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu.
Suốt cuộc đời, đồng chí Võ Văn Tần luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Là một trong những nhà lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, tự rèn luyện để trưởng thành, trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí Võ Văn Tần luôn có tác phong làm việc khoa học, sâu sát bám sát thực tiễn và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng.
Đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn. Đồng chí thường nói: “Mình làm cách mạng mà không để cho nhân dân tin tưởng ở lời nói và việc làm của mình thì khó mà làm cách mạng được”. Bởi vậy, trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, đến đâu, hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần cũng đều nhận được tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ vô tư chí tình của đồng chí, đồng bào, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Cũng chính tác phong gương mẫu và gần gũi với mọi người, đồng chí luôn nhạy bén, nắm bắt được những vấn đề cốt lõi từ thực tiễn cách mạng, kịp thời có những ý kiến đề xuất với Đảng các vấn đề quan trọng về đường lối và sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong cuộc sống, đồng chí Võ Văn Tần sống rất giản dị, tôn trọng và gần gũi mọi người, là tấm gương mẫu mực đối với đồng chí, đồng đội và gia đình.
Cuộc đời đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sỹ cộng sản kiên cường quả cảm. Bất chấp hy sinh gian khổ, đồng chí Võ Văn Tần luôn kiên định con đường đã chọn, bền bỉ hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Sự kiện định của Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về lý tưởng sống để thế hệ trẻ noi theo và học tập./.
Hoàng Mẫn