Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc luôn là vấn đề nóng bỏng trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; dù ở thời đại nào và chế độ nào, giống hay khác nhau đều mang tính thời sự, phức tạp và nhạy cảm. Điểm nổi bật xuyên suốt là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Trong thời hiện đại, qua gần 70 năm, kể từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (18-1-1950 – 18-1-2019), quan hệ giữa hai nước cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Cách đây 40 năm, ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây ra cuộc chiến vô cùng tàn khốc và những xung đột quân sự dai dẳng suốt 10 năm sau đó. Trước hành động quân sự của Trung Quốc, với truyền thống yêu nước và ý chí quật cường, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, kiên quyết đánh bại hành động gây chiến tranh, buộc quân Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam ngày 18-3-1979, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo, bang giao hòa hiếu, Việt Nam đã làm hết sức mình, thực hiện gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, phấn đấu cho lợi ích của mỗi quốc gia và nguyện vọng nhân dân hai nước, ra sức xây dựng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng tốt đẹp. Bước ngoặt của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc được đánh dấu bằng Hội nghị Thành Đô từ ngày 3 đến ngày 4-9-1990. Tại hội nghị này, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ Việt Nam và của phía Trung Quốc đã ký kết Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước. Tiếp đó, vào tháng 11-1991, Trung Quốc và Việt Nam đã thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Kể từ đây, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định, hữu nghị giữa hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa và vận mệnh sống còn của hai đảng cầm quyền hai nước hết sức gần gũi, gắn bó: “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”, lãnh đạo cấp cao hai bên đã thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và liên tục củng cố trong khuôn khổ quan hệ hai nước. Hai nước đã xác định phát triển quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”và nhất trí cùng nhau trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Đặc biệt, từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa. Hiếm có đối tác nào của Việt Nam có nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác sâu rộng giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giữa các tổ chức chính trị xã hội, địa phương như Trung Quốc. Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ chính trị; gác lại và tránh nhắc tới những bất đồng, xung đột trong quá khứ để hướng đến tương lai.
Về ngoại giao chính thức, Việt Nam luôn cam kết tuân theo “phương châm 16 chữ vàng”, là láng giềng tốt của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc sẽ kiềm chế những xung đột, tranh chấp trên biển Đông, không để ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Trong đó, thành tựu trong quan hệ chính trị – ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc là tiền đề cho quan hệ chính trị giữa hai nước được tiếp tục củng cố và duy trì đà phát triển tích cực. Các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai nước được duy trì thường xuyên. Qua đó, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, tạo sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai quốc gia.
Trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Với nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác đầu tư về kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế, quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều tăng mạnh; chênh lệch cán cân thương mại đang dần được cải thiện. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 32 triệu USD năm 1991 lên 22,5 tỷ USD năm 2009; năm 2014, đạt hơn 55 tỷ USD; đặc biệt, năm 2018, đã đạt khoảng 100 tỷ USD (gấp gần 3.200 lần so với năm 1991). Đến đầu năm 2018, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam; vừa là nguồn nhập khẩu vừa là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp tăng mạnh và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại song phương giữa hai nước.
Từ con số không, đầu tư của Trung Quốc đến năm 2014 đã đạt tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 8 tỷ USD, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2017, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 4 vào Việt Nam, chưa kể nguồn đầu tư gián tiếp, thông qua trung gian.Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư ngày càng nhiều tại Việt Nam.
Hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh được đẩy mạnh. Hai bên phấn đấu cho sự thống nhất một cách đầy đủ, tự giác nhằm thực hiện phương châm chung của lãnh đạo hai Đảng là giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các hiệp định khu vực đã ký như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Riêng với hai quân đội, cam kết với nhau không sử dụng vũ lực quân sự để xử lý những gì còn khác biệt về vấn đề Biển Đông. Đây là nội dung không bao giờ thiếu và đều được nhất trí trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai quân đội. Đó là nguyên tắc và chúng ta luôn luôn nỗ lực giữ gìn để Biển Đông sóng yên biển lặng, giữ vững chủ quyền và hòa bình bền vững cho đất nước. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; đạt được những nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển và đang tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển.
Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, khoa học kỹ thuật… giữa hai nước cũng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Hai nước đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, các cuộc gặp gỡ giữa các bộ, ngành và địa phương, nhất là giữa các địa phương khu vực biên giới, giữa các thế hệ trẻ hai nước được tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và củng cố nền tảng hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2017, có hơn 4 triệu lượt du khách Trung Quốc, tăng 48,6%, chiếm hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (riêng 10 tháng đầu năm 2018, đã có gần 4,2 triệu lượt khách Trung Quốc thăm Việt Nam, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, hằng năm có khoảng 3 triệu lượt du khách Việt Nam sang Trung Quốc. Việt Nam có hơn 13 nghìn sinh viên đang học tập tại Trung Quốc và Trung Quốc cũng có hàng nghìn sinh viên đang học tập tại Việt Nam.
Trên thực tế, chưa đầy 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, với thiện chí gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và xuất phát từ lợi ích lâu dài, hai nước đã giải quyết thành công 2 trong 3 vấn đề do lịch sử để lại hết sức phức tạp trong quan hệ hai nước. Đó là ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (25-12-2000) và hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền (31-12-2008). Còn vấn đề Biển Đông đòi hỏi cả hai nước cùng nỗ lực kiên trì tháo gỡ khó khăn. Những diễn biến trong những năm gần đây trên Biển Đông càng cho thấy sự cần thiết phải tôn trọng lợi ích chính đáng, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cả hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước. Việt Nam đang ra sức nỗ lực thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020. Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước. Việt Nam chân thành mong muốn Trung Quốc phát triển thành công, có vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự thịnh vượng ở khu vực châu Á nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.
Nhân 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc lùi vào lịch sử, chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và cùng gác lại quá khứ để hướng tới một chặng đường mới cho quan hệ hai nước. Trước sau như một, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc; chân thành mong muốn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang đầy rẫy phức tạp, diễn biến khó lường. Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Cùng đó, các bộ, ngành và địa phương hai nước cần cùng nhau cố gắng thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Để củng cố nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước, hai bên cần tích cực có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường tình cảm hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt giữa thế hệ trẻ hai nước. Tương lai của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực đòi hỏi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phải phát triển ổn định, lành mạnh.
Tuy nhiên, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 cũng nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ cho phép chúng ta “gác lại quá khứ”, để hướng tới tương lai mà không được phép “khép lại quá khứ”. Phải tiếp tục thấu suốt bài học đề cao cảnh giác, tự lực tự cường – bài học muôn thủa trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của cha ông. Chúng ta phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(1). Đồng thời, tỉnh táo ngăn chặn và đẩy lùi những tư tưởng và hành động quá khích biểu tình, bạo loạn gây phương hại tới mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc, phá vỡ môi trường hoà bình, ảnh hưởng tới tiến trình phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đất nước./.
Hai bên cần thực hiện có hiệu quả nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai bên cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thực hiện tiến trình quản lý, giải quyết tranh chấp, xung đột ở Biển Đông để hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển cũng như bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và ở khu vực. |
——————
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự Thật, H, 2016, tr. 147-148.