Tương lai giá dầu
Giá dầu những ngày qua liên tiếp gây chấn động giới đầu tư và nền kinh tế toàn cầu với những phiên sụt giảm giá mạnh, làm cho tương lai về một thế giới “chìm” trong dầu mỏ giá bèo ngày càng trở nên gần hơn.
Từ đầu năm 2016 tới nay, giá dầu đã mất giá tổng cộng hơn 20%, bất chấp một vài thời điểm phục hồi chóng vánh và chỉ ở mức “không đáng kể” so với mức hao sụt trong những phiên màu đỏ, xuống mức thấp nhất khoảng 27 USD/thùng. Các chuyên gia năng lượng nhận định, hiện tại tâm lý của các nhà đầu tư đã không còn đủ vững trước những con số thống kê không mấy tươi sáng về những nhân tố tác động đến giá dầu, khiến “vàng đen” này mất giá thảm hại.
Trước hết là bởi sự ì ạch của nền kinh tế toàn cầu nói chung đang làm cho nhu cầu dầu và các sản phẩm về dầu giảm đi rõ rệt, kéo theo mức chênh lệch giữa cung – cầu dầu trên thế giới ngày càng lớn thêm. Hiện nay, lượng dầu dự trữ của thế giới đang ở mức dư thừa trầm trọng, chỉ tính riêng lượng dầu tồn kho và các sản phẩm xăng dầu của Mỹ đã đạt tới một mức kỷ lục mới là 1,3 tỷ thùng. Kho dầu Cushing ở Oklahoma với sức chứa 73 triệu thùng hiện cũng đã đầy khoảng 87%, tương đương khoảng 64 triệu thùng dầu, mức cao nhất trong lịch sử của kho dự trữ dầu lớn nhất nước Mỹ này.
Tiếp đó, những lo ngại về một nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc đã lan ra khắp nơi trên thị trường, kể từ khi xuất hiện những dự báo về tốc độ tăng trưởng của quốc gia này không đạt nổi mục tiêu 7% đã đề ra và thấp hơn đáng kể so với con số tăng trưởng 7,3% của năm 2014. Thị trường chứng khoán của quốc gia này liên tục bị bao trùm bởi sắc đỏ với những phiên giảm điểm kỷ lục, mà ngay từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 đã mất giá tới 7%. Tới thời điểm chốt phiên ngày 15/1, chỉ số Shanghai Composite cũng rơi về mức thấp kỷ lục kể từ tháng 12/2014.
Hơn cả là sự quay trở lại của Iran, sau khi quốc gia này chính thức được Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Ngày 18/1, Iran cũng đã đưa ra thông báo sẽ nhanh chóng đạt tới mức sản lượng như thời kỳ hoàng kim trước đây, đồng nghĩa là sẽ bơm thêm vào thị trường tối thiểu là 500.000 thùng dầu mỗi ngày.
Trong khi đó thì các thành viên nằm trong tổ chức OPEC, đặc biệt là Ảrập Xê-út vẫn tăng thêm sản lượng nhằm mục đích bảo vệ thị phần và nhằm đánh bật những nhà sản xuất dầu mỏ chi phí cao như Mỹ ra khỏi thị trường.
Theo các chuyên gia, giá dầu thế giới sẽ khó tăng trở lại trong thời gian ngắn tới. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tổng quát, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo “một quá trình tái cân bằng” giá dầu sẽ bắt đầu trong năm 2016.
Tác động đa chiều tới nền kinh tế Việt Nam
Đánh giá tác động của việc giá dầu thế giới giảm đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã từng đưa ra 3 kịch bản cho giá dầu trong giai đoạn 2016 – 20120. Trong đó, với giá dầu dưới 30 USD/thùng, khi so sánh với kịch bản cơ sở (tức không có cú sốc giảm giá dầu) thì dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt sẽ bị giảm 1,36 điểm % trong năm 2016; lạm phát giảm 3,95 điểm % và kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 1,52%, chi phí nhập khẩu theo đó cũng giảm 1,84%.
Tiến sĩ Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội cho biết, việc giá dầu thế giới giảm có tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam. “Một mặt, nguồn thu từ dầu mỏ giảm do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô. Nhưng mặt khác, do cũng nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước nên giá dầu giảm cũng giúp cho Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước giảm giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất”.
Cụ thể, theo như thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2015, ngân sách hụt thu tới 64.000 tỷ đồng vì giá dầu giảm, dù dầu thô chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu ngân sách cả năm. Từ đó, dự báo mức hụt thu ngân sách sẽ còn nặng hơn nữa trong năm 2016, khi thực tế hiện nay giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng.
Tuy nhiên, tác động trái chiều khác khi giá dầu giảm xuống là giá đầu vào của sản xuất cũng giảm theo. Đây có thể được xem là cơ hội để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam, cũng như giúp cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách. Lý do là bởi nguồn thu ngân sách năm 2016 từ dầu thô sẽ chỉ chiếm khoảng 5,3% tổng thu ngân sách nên khi giá dầu giảm, nền kinh tế sẽ có điều kiện phát triển, tăng tích lũy, cộng với các khoản thu nội địa và xuất nhập khẩu tăng lên sẽ đảm bảo cho việc bù đắp hụt thu, thậm chí là tăng thu cho ngân sách.
Ở một góc độ khác, báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội cũng cho rằng, việc giá dầu giảm sẽ làm giảm GDP vào năm 2016, song tốc độ giảm này sẽ hạ dần vào các năm sau đó, do các nền kinh tế đối tác của Việt Nam được cải thiện.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng có tác động tích cực khác như kích thích khu vực doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển do chi phí đầu vào đã được cải thiện. Ngoài ra giá các loại dịch vụ như vận tải hay giá cả xăng dầu, giá hàng hóa cũng sẽ có cơ hội giảm, kích thích tiêu dùng trong nước. Điều này được thể hiện khi năm 2015, chỉ số tiêu dùng (chỉ số lạm phát) CPI ở thấp kỷ lục trong vòng 14 năm, trong khi tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,68% so với năm 2014, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê.
Với những dự báo đa chiều – có cả tích cực và tiêu cực, Chính phủ sẽ cần phải điều tiết giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng để tận dụng cơ hội, tập trung vào việc kiểm soát giá xăng dầu và giá cước vận tải.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu và chính sách của các nước đối tác kinh tế lớn để điều chỉnh tỷ giá hợp lý, có những biện pháp bổ trợ như nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, giảm giá xăng dầu để thúc đẩy sản xuất và cải cách hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu, hoặc bù đắp hụt thu do sự sụt giảm của giá dầu thế giới.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ
Thông tấn xã Việt Nam và các báo)