Các đồng chí lãnh đạo thành phố trồng cây trong khuôn viên Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tại Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và tổng vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh năm 2020, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020). (Ảnh: Báo Lao động)

Về “trồng người”, Hồ Chí Minh là một bậc thầy về giáo dục và định hướng giáo dục. Quan điểm về giáo dục của Người xứng đáng là những “khuôn vàng thước ngọc” cho tất cả các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục. Còn quan điểm về “trồng cây” của Người cũng rất đáng để chúng ta học tập bởi không chỉ có tính thiết thực, cụ thể mà còn vượt thời đại.

Yêu cầu về trồng cây xanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân ngày 28/11/1959. Bài viết nêu rõ, “để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, ví dụ: bộ nông lâm, các ty nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu… Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”. Những ý tưởng và lời dặn dò của Bác vô cùng sâu sắc và thiết thực; đó là: gần như mọi người đều có thể trồng cây, muốn việc trồng cây đạt kết quả tốt thì phải có kế hoạch và có sự chuẩn bị chu đáo, trồng nhiều cây có ý nghĩa to lớn về đời sống và khí hậu, gắn việc trồng cây với việc thực hiện kế hoạch 5 năm, trồng cây phải gắn với chăm sóc cây tốt… Từng điều ấy, liệu bao nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện ra sao rồi?

Mùa xuân Canh Tý 1960, Bác đến Công viên Thống Nhất tham gia cùng nhân dân thủ đô trồng cây. Cũng trong năm này, Bác viết hai câu thơ nổi tiếng: “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Năm 1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp. Trong bài Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây đăng trên báo Hà Đông năm 1965, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”. Trong bài Tết trồng cây viết năm 1969, Bác Hồ dặn: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”. Người kêu gọi: “Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức ‘một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược’”.

Để định hướng  phong trào, trong hơn 10 năm, Bác đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan đến hoạt động trồng cây, trồng rừng. Và từ năm 1959, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân, được duy trì cho đến hiện nay.

Hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, Người thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Đến bất kỳ địa phương nào có dịp Bác lại tham gia trồng cây. Năm 1969, dù sức khỏe đã yếu nhưng sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, huyện Ba Vì. Và trong bản Di chúc, liên quan đến “việc riêng”, Người còn căn dặn: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”…

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), thành phố mang tên Bác đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Trong dịp này, toàn thành phố đã trồng hàng ngàn cây xanh ở một số khu vực trồng cây tập trung và ở các địa phương, cơ quan, đơn vị theo điều kiện cụ thể của mình. Thành phố cũng khuyến khích người dân tự trồng cây xanh ở nhà mình vừa tạo mảng xanh vừa góp phần cải thiện môi trường sống. Trong năm 2020, thành phố đã trồng được khoảng 1 triệu cây xanh các loại. Đối với TPHCM, trồng cây xanh có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là đô thị lớn, mật độ dân cư dày, có rất nhiều phương tiện giao thông… Mỗi cây xanh trồng được sẽ góp thêm vào mảng xanh của thành phố, giúp cải thiện môi trường sống, có tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của mỗi người dân về bảo vệ và cải thiện môi trường…

Ngay sau tết Tân Sửu 2021, TPHCM cùng nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động trong Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Thực hiện Chỉ thị 45, việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng… Có như vậy, hoạt động này mới thực sự có ý nghĩa thiết thực.

Học tập Bác Hồ, trong việc trồng cây xanh, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch thật cụ thể, khoa học, như trồng ở khu vực nào, ở đó thì nên trồng loại cây gì cho phù hợp, số lượng cụ thể bao nhiêu để cây phát triển tốt, ai sẽ chăm sóc, gìn giữ… Hay việc động viên các cơ quan và người dân trồng cây xanh cũng phải hướng đến sự thực chất, như trồng cây phải bảo đảm cây phát triển tốt, tránh làm theo phong trào, hình thức, tránh trồng cây với thái độ đối phó… Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hành vi phá hoại cây xanh, nhất là cây trồng trên vỉa hè, vốn hay bị một số người giết hại để lấy chỗ buôn bán. Đồng thời, với những cây có tán lớn, cần có biện pháp tỉa cành, che chống phù hợp để tránh gãy đổ, nhất là trong mùa mưa.

Trúc Giang