Nhiều vấn đề “nóng”

 

Trong bản báo cáo tổng quan tình hình an ninh thế giới, giới lãnh đạo MSC ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2015. Có thể kể đến thành tựu trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đó là việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ đã giúp giảm số người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực trên thế giới xuống dưới mức 10%, bảo đảm an ninh con người. Đã có 2 thành tựu thông qua con đường đàm phán ngoại giao tạo bước đột phá sau nhiều thập niên, có tác động sâu rộng đối với an ninh thế giới: Một là, thành công mà nước Pháp đạt được tại cuộc đàm phán khí hậu ở Paris, đem đến một “Thỏa thuận Paris” lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá là con đường công phá có thể ngăn chặn các hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Hai là, các thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran đạt được với Nhóm P5 + 1, góp phần giảm sự bất ổn ở khu vực Trung Đông. 

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực ngoại giao nhằm có được kết quả khả quan trong một số vấn đề quốc tế, thế giới vẫn đang từng ngày phải đối mặt với nhiều điểm “nóng” chưa có lời giải. Một loạt các vấn đề như cuộc chiến tại Syria; cách thức phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn, tương lai của trật tự an ninh châu Âu; sự đe dọa an ninh thế giới từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sự ổn định ở khu vực Nam Sahara châu Phi,… là những nội dung hàng đầu của các chương trình nghị sự được thảo luận tại các phiên họp. 

 

Cuộc chiến ở Syria trong năm 2015 tiếp tục là chủ đề gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế. Theo số liệu thống kê của LHQ, đã có khoảng 260.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột 5 năm nay ở Syria, buộc 4,6 triệu người dân nước này phải rời bỏ quê hương.

 

Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây được nhắc đến với những vấn đề nội khối khó có thể giải quyết. Cho đến nay, châu Âu đã thất bại trong việc xây dựng một chính sách đối ngoại và an ninh chung đáng tin cậy như được quy định bởi Hiệp ước Lisbon, với thể chế ra quyết định hành động kiểm soát các cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, Brussels tiếp tục bị cản trở bởi nhiều vấn đề lớn, đó là: thỏa thuận về lệnh trừng phạt đối với Nga; giải quyết vấn đề Hy Lạp; các mối đe dọa từ nguy cơ Brexit khi Chính phủ Anh đưa ra quyết định rời khỏi EU; có hay không việc tái lập đường biên giới quốc gia;… Và một trong những nguyên nhân gây thêm sự chia rẽ sâu sắc tại EU là sự bất đồng trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư hiện nay tại khu vực.

 

Khu vực châu Phi, cụ thể là tiểu vùng Nam Sahara trong năm qua được biết đến với sự hứa hẹn về sự tiến bộ và những thành quả. Tỷ lệ đói nghèo tuy vẫn còn cao, song đã cắt giảm được 40% so với năm 1990 tại tiểu vùng Sahara. Sự gia tăng hợp tác của các tổ chức châu Phi, như Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi (AU) đã được thúc đẩy nhằm giải quyết các vấn đề của châu lục cũng như đạt được các thỏa thuận mang tính bước ngoặt, như thỏa thuận về chống sa mạc hóa. Tuy nhiên, khu vực này còn nhiều vấn nạn cần giải quyết: phát triển kết cấu hạ tầng kém, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán ma túy, nạn dịch bệnh lan rộng,… Và điều gây nhức nhối nhất đối với khu vực và thế giới đó là việc gìn giữ hòa bình nơi đây, nhất là khi khu vực Trung Đông và Bắc Phi luôn là “chảo lửa” với những cuộc nội chiến và khủng bố không có hồi kết. 

 

Năm 2015, nhân loại đã phải trải qua nỗi lo sợ, ám ảnh về các cuộc khủng bố kinh hoàng xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới do các lực lượng khủng bố, đứng đầu là tổ chức IS với mức độ tàn bạo không giới hạn gây ra. An ninh thế giới đã bị đặt trong tình trạng báo động.

 

Lần đầu tiên hội nghị có phiên thảo luận về mối nguy hiểm của dịch bệnh đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu. Kể từ khi “Cái chết đen” – một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra ở châu Á và châu Âu vào thế kỷ XIV, đã giết chết 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn gần 375 triệu người. Đại dịch cúm ở Tây Ban Nha vào những năm 1918 – 1920 giết chết ít nhất 50 triệu người; năm 1957, dịch cúm châu Á gây ra cái chết cho khoảng 2 triệu người; đại dịch cúm H1N1 năm 2009 đã lây nhiễm gần 30.000 người tại 74 quốc gia; dịch bệnh Ebola bùng phát tại Tây Phi năm 2014 đã cướp đi hơn 4.000 sinh mạng… là những con số không nhỏ và mới đây nhất là dịch bệnh virus Zika đang khiến thế giới lo ngại. Ngoài những tổn thất về người, dịch bệnh tác động đáng kể đến nền kinh tế và gây ra rủi ro chính trị cho các chính phủ, đặc biệt là những nước không kiểm soát được dịch bệnh.

 

Cần hơn sự đoàn kết

 

Triển vọng chiến lược an ninh toàn cầu vào đầu năm 2016 được đánh giá là ảm đạm khi căng thẳng gia tăng giữa các nước lớn tại nhiều khu vực: cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga – phương Tây, Nga – Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế; ở khu vực Trung Đông, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia trở nên tồi tệ sau những mâu thuẫn về giáo phái;… Trong ngắn hạn, năm 2016, thế giới sẽ chứng kiến một giai đoạn của những rủi ro ngày càng tăng, trong đó có sự đối đầu quân sự, và kịch bản có thể cứu vãn là cần hơn nữa sự đoàn kết giữa các quốc gia cho một kỷ nguyên ổn định hơn. 

 

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng xuyên biên giới từ cuộc nội chiến Syria tới dòng người nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát tại châu Âu, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ngày càng tàn bạo hay dịch bệnh do virus Zika mới đây, có thể nói chưa bao giờ bài toán đoàn kết được nhắc tới nhiều như lúc này. Do vậy, các nước cần thể hiện nhiều hơn nữa tình đoàn kết và tìm kiếm câu trả lời chung cho các cuộc khủng hoảng thay vì các giải pháp mới chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia. Hội nghị MSC lần này đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho thảo luận và đối thoại. Và Hội nghị càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh mới với những đòi hỏi và thách thức lớn hơn bao giờ hết.

 

Những hoài nghi về hiệu quả lệnh ngừng bắn mới đạt được cộng thêm những bất đồng lâu nay giữa Mỹ và Nga về khái niệm “nhóm khủng bố” ở Syria cần hướng tới mục tiêu chung là chấm dứt cuộc chiến ở quốc gia này. Sự bất đồng giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Syria cũng cần được gạt bỏ. Bởi nếu quốc gia Syria thống nhất sụp đổ, đó sẽ là thảm họa đối với toàn khu vực Trung Đông.

 

Về mối đe dọa từ IS, theo các chuyên gia, nguy cơ lớn nhất từ IS là việc tổ chức này có thể sử dụng vũ khí hóa học để tấn công khủng bố ở các quốc gia phương Tây. Trong đó, đáng lo ngại là nhiều khả năng IS tìm cách thực hiện tiếp các vụ khủng bố ở châu Âu và Mỹ trong năm 2016.

 

Tại Hội nghị MSC, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Trung Quốc Fu Ying đã tuyên bố, do lợi ích chung ngày càng gia tăng trong các vấn đề thế giới, Trung Quốc và Mỹ cần phải hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Vì mục tiêu này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị thiết lập mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ dựa trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

 

Đối với việc ổn định hòa bình ở Trung Đông, Iran và Ảrập Xêút – hai quốc gia chủ chốt trong khu vực cũng có những lời hứa hẹn giải hòa nhằm vượt qua tình trạng căng thẳng hiện nay và có các bước đi hợp tác nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và ổn định tình hình Trung Đông.

 

Kết thúc sau 3 ngày làm việc, những lo ngại về một viễn cảnh của nền hòa bình cũng như sự ổn định của thế giới vẫn chưa thể sáng sủa, cộng đồng quốc tế còn phải tiếp tục đối mặt với những bất ổn khó lường, cùng với đó là việc chưa đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề giữa các bên, Hội nghị MSC năm 2016 cũng đã gửi đến cộng đồng quốc tế một thông điệp về sự nỗ lực hơn nữa trong việc củng cố và xây dựng lòng tin, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và trên hết là sự đoàn kết, hợp tác.

 

(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)