“Mỗi công đoàn cơ sở – một lợi ích đoàn viên”

 

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – báo cáo kết quả hoạt động “Năm vì lợi ích đoàn viên” 2017 (hoàn thiện để trình ra Hội nghị BCH). Để tăng lợi ích cho đoàn viên, Tổng LĐLĐVN triển khai thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ và NLĐ Việt Nam”. Ngay từ nửa cuối năm 2016 đến nay, Tổng LĐLĐVN chỉ đạo Ban Chính sách xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) và các ban liên quan tham mưu, làm việc với các DN, lựa chọn được hơn 20 đối tác là các Tập đoàn kinh tế, TCty và DN lớn hoạt động trong các lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ liên quan đến đời sống hằng ngày của đoàn viên và NLĐ, mời tham gia ký kết thỏa thuận, hợp tác thực hiện chương trình. Qua 2 đợt thương thảo, Tổng LĐLĐVN đã ký kết được với 17 đối tác tham gia thực hiện chương trình (chiều 25.12, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN và TCty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, nâng tổng số đối tác ký kết với Tổng LĐLĐVN là 18 – PV). Nội dung chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên CĐ và NLĐ với chính sách ưu đãi giảm giá từ 5% đến 25% so với đối tượng khác cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các đối tác cung ứng. Theo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ, đã có 786.586 đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do các DN tham gia chương trình cung cấp với chính sách ưu đãi giảm giá; giá trị hưởng lợi khoảng 83 tỉ đồng. Theo đánh giá của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, chương trình đã tạo bước chuyển về nhận thức của cán bộ CĐ trong chăm lo lợi ích cho đoàn viên.

 

Đối với việc xây dựng thiết chế CĐ, hiện đã có 22 tỉnh, thành có giới thiệu địa điểm đất. Đến thời điểm hiện tại, Tổng LĐLĐVN đã phê duyệt chủ trương đầu tư của 8 dự án tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

 

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.Ảnh: HẢI NGUYỄN

 

Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – trình bày tờ trình về Kế hoạch tổ chức Tháng CN năm 2018. Theo tờ trình, mục đích, yêu cầu của tổ chức “Tháng CN” năm 2018 là gắn với các hoạt động trước thềm Đại hội XII CĐ Việt Nam nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên với tổ chức CĐ; khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức CĐ Việt Nam trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; đồng thời tập trung phát triển nguồn lợi ích, đưa lợi ích đến đoàn viên, NLĐ.

 

Vẫn theo như tờ trình, chủ đề của Tháng CN năm 2018 sẽ là “Mỗi CĐCS – một lợi ích đoàn viên”. Cụ thể, theo chủ đề, mỗi CĐCS chủ động tìm kiếm, làm việc với các DN để triển khai chương trình phúc lợi; đồng thời đề xuất với DN tổ chức ít nhất 1 hoạt động hoặc 1 mô hình chăm lo về lợi ích (về vật chất, tinh thần, sức khỏe, học tập…) cho đoàn viên, NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần tổ chức diễn đàn “Nghe CN nói – nói để CN nghe” để nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách trong đoàn viên CĐ, CNVCLĐ; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động.

 

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, trong Tháng CN năm 2018, song song với triển khai các hoạt động chăm lo cho CN thì cũng cần chú trọng phát huy CN đóng góp vào sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

 

Tổ chức 12 trung tâm thảo luận tại Đại hội Công đoàn Việt Nam.

 

Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN – trình bày dự kiến phương án Chương trình Đại hội XII CĐ Việt Nam. Theo phương án dự kiến, chương trình Đại hội XII CĐ Việt Nam diễn ra trong vòng 3,5 ngày. Dự kiến chương trình có nhiều điểm mới, trong đó, Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức 12 trung tâm thảo luận 12 vấn đề theo từng trung tâm.

 

Đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – trình bày tờ trình đề án phát động “Nói không với tiêu cực trong cán bộ công chức viên chức”. Góp ý vào nội dung này, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) – cho rằng nên gọi đây là cuộc vận động thay vì phong trào, vì đây là sự thôi thúc từ bên trong về trách nhiệm xã hội của những người thực hiện. Đồng thời đề xuất 5 nhóm hành vi tiêu cực cần nói không: Không cửa quyền hách dịch gây khó khăn phiền hà; không quan liêu vô trách nhiệm, vô cảm; không tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm; không chạy chọt, xu nịnh, gian dối; không lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác.

 

Để thực hiện tốt cuộc vận động nói không này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho rằng, đề án phải cụ thể những hành vi, biểu hiện tiêu cực đồng thời nhấn mạnh, các giải pháp, mục tiêu cần phải ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể hóa; nếu chỉ chung chung, cuộc vận động sẽ không đi vào cuộc sống. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN giao Ban Chính sách xã hội và Thi đua khen thưởng tiếp thu các ý kiến đóng góp; đồng thời Thường trực Đoàn Chủ tịch sẽ tiếp tục bổ sung vào dự thảo đề án để báo cáo Chính phủ.

 

Cũng trong ngày làm việc cuối cùng, hội nghị còn bàn và quyết định về nhiều nội dung khác: Tờ trình sắp xếp lại các Cụm, Khối thi đua trực thuộc Tổng LĐLĐVN; kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công; cho ý kiến để trình Hội nghị BCH quyết định theo thẩm quyền các nội dung: Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động CĐ năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018; tờ trình về chủ đề thảo luận tại Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII. Chủ tịch Bùi Văn Cường giao cho Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các văn bản; những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch sẽ ban hành; những vấn đề nào không thuộc thẩm quyền sẽ trình BCH Tổng LĐLĐVN trong kỳ họp sắp tới.

 

 

Nguồn congdoan.vn