Thế giới Hồi giáo chia rẽ
Phát biểu với ngoại trưởng các nước thuộc OIC trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh “nội bộ thế giới Hồi giáo có nhiều bất đồng”; các cuộc xung đột đẫm máu gây ra những nỗi đau lớn; trong khi chủ nghĩa phe phái chia rẽ cộng đồng Hồi giáo. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh này được kỳ vọng sẽ giúp hàn gắn các vết thương. Trên thực tế, các quốc gia Hồi giáo đã thất bại trong việc tìm một tiếng nói chung về cuộc xung đột ở Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút ủng hộ quân nổi dậy, còn Iran lại hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Bashra al-Assad.
Hội nghị Thượng đỉnh OIC diễn ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng quan hệ với Moscow sau vụ Ankara bắn rơi một máy bay của Nga, và quan hệ ngày một căng thẳng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel sau hơn nửa thập kỷ lạnh giá, trong khi có nhiều nguồn tin cho rằng Ảrập Xêút đã âm thầm tìm kiếm các biện pháp hòa giải tương tự với Ai Cập.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng, hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để Tổng thống Erdogan thể hiện khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng. Nhà nghiên cứu chính trị, Trưởng nhóm nghiên cứu Sciences Po Grenoble tại Pháp, Jean Marcou, chia sẻ: “Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh OIC không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ lấy lại uy tín mà còn là một cơ hội. Cuộc họp diễn ra đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần khôi phục hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo”. Một điểm cần lưu ý là sự kiện này được tổ chức sau cuộc họp song phương tại Ankara ngày 12/4 giữa Tổng thống Erdogan và Quốc vương Ảrập Xêút Salman bin Abdulaziz al Saud Salman, sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Ankara và Riyadh trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiệm vụ bất khả thi
Tuy nhiên, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị này khó đạt được do nhiều chính sách của chính quyền Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang khiến dư luận bất bình. Hiện Ankara bị cáo buộc hậu thuẫn quân nổi dậy với hy vọng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Không chỉ vậy, khủng hoảng trong mối quan hệ với giới lãnh đạo thế tục của Ai Cập và Iran, theo dòng Hồi giáo Shiite, đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm cách xây dựng liên minh với các cường quốc Hồi giáo dòng Sunni là Ảrập Xêút và Qatar. Khi thế giới Hồi giáo phân chia rõ hai nhánh quyền lực Shiite và Sunni, vai trò hàn gắn của Ankara là hết sức mong manh. Ông Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Washington, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ với Ảrập Xêút xích lại gần nhau giờ là “yếu tố sống còn”, song Ankara nên cẩn thận trước phản ứng của thế giới Hồi giáo đối với mối quan hệ này. Theo ông, mối quan hệ gần gũi hơn với Riyadh có thể đẩy Ankara tới chỗ bị coi là một quốc gia có những quan điểm bè phái.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Hai nước cùng kiên quyết phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ủng hộ lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền Damascus. Cả Ankara lẫn Riyadh đều lo ngại về những diễn biến tại Iraq và Yemen, nơi các cuộc xung đột phe phái gây ra những nguy cơ lớn đối với cả hai nước. Tuy nhiên, ở một phần khác của điểm nóng này, Iran – đồng minh gần gũi của Syria – ngày càng gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt tại vùng Vịnh. Điều này buộc Ảrập Xêút phải vận động các quốc gia Sunni cùng ngăn cản điều mà họ gọi là những tham vọng khu vực và các chính sách bành trướng của Iran. Trong khi đó, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập – hai nước có thế lực ảnh hưởng lớn trong khu vực – bất đồng với nhau khiến cho các sáng kiến của Ảrập Xêút tại Trung Đông trở nên phức tạp. Mối quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã bị cắt đứt sau việc phế truất cựu Tổng thống Mohamed Morsi hồi năm 2013 trong bối cảnh xảy ra các cuộc biểu tình của dân chúng. Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi là hợp pháp.
Với những lợi ích mâu thuẫn chồng chéo như vậy với các nước lớn tại Trung Đông, rõ ràng tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc hàng đầu có khả năng hàn gắn thế giới Hồi giáo xem ra không dễ dàng, nếu không nói là bất khả thi.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)