Cải thiện chất lượng tăng trưởng

Mục tiêu tổng quát được đặt ra trong năm 2016 vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

 


Trước khi tiến hành thông qua văn kiện quan trọng này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu chỉnh lý giải trình dự thảo Nghị quyết. Đối với tính khả thi trong việc đề ra mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2016, báo cáo giải thích, chỉ số này được đưa ra dựa vào dự kiến tăng trưởng 6,5% GDP của báo cáo tăng trưởng năm 2015, dự báo tình hình quốc tế, trong nước và cân đối các nguồn lực.


Ngoài chỉ tiêu về GDP, CPI, Nghị quyết của Quốc hội cũng đề ra mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP. Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo: 21%. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%.Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85% và tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.


Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 

Kiểm soát chặt chẽ nợ công


Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong năm 2016. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.


Đặc biệt trong năm 2016, Quốc hội yêu cầu xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016, áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp tục bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và bảo đảm chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình giao thông, y tế, giáo dục cấp thiết.


Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát năng lực, thái độ thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.


Triển vọng kinh tế Việt Nam


Trong thời gian qua, các tổ chức kinh tế – tài chính quốc tế (WB, IMF, ADB) đều có nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó dự báo sẽ tăng trưởng GDP đạt trên 6,5% vào năm 2015 và khoảng 6,6-6,7% vào năm 2016.


Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt từ sau Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016.


Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 29/9 cho thấy, chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 nền kinh tế được WEF khảo sát năm nay. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất.


Ngày 28/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng công bố báo cáo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016 (Doing Business 2016). Kết quả, năm 2015 Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước, ở vị trí thứ 93. Còn Doing Business 2016 ở vị trí 90, tăng 3 bậc. Cụ thể, Việt Nam có 5 chỉ số tăng hạng nhẹ so với năm ngoái. Chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, từ thứ hạng 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119; Chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc, từ mức 172 trong Doing Business 2015 lên mức 168 trong xếp hạng Doing Business 2016…


(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

các tạp chí chuyên ngành)