Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ và bộ máy hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Nhưng tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra ngày 31/7 vừa qua, một kết quả khảo sát đã cho thấy rõ ràng hơn về mong muốn của doanh nghiệp, người dân.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khi dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng tới hiện trường chứng kiến việc tiêu hủy gần 300 tấn hải sản nhiễm độc do sự cố môi trường biển. Ảnh: VGP


Với tinh thần công tâm, khách quan, không ngại va chạm, công khai và minh bạch, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã góp phần rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu nói trên.Trước sự hiện diện của Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, 65% doanh nghiệp cho biết điều họ mong muốn nhất là Chính phủ hành động, còn 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”. Và kết quả này đã được Thủ tướng nhắc lại tại phiên họp Chính phủ sau đó vài ngày, với thông điệp "nhóm lửa" như trên.

 

Cuối năm 2015, tỷ lệ nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao nhưng các bộ, cơ quan, địa phương chậm trễ thực hiện lên tới  25%, nhưng tới cuối năm 2016 chỉ còn 2,18% và sau đó tiếp tục duy trì ở mức thấp.

 

Năm 2017, từ đầu năm tới ngày 31/7, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ. Còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 5.856 nhiệm vụ trong hạn và chỉ có 237 nhiệm vụ quá hạn, tức chỉ có 3,2% nhiệm vụ chậm trễ.

 

Xử lý nhiều vấn đề nóng

 

Qua 1 năm hoạt động, tính tới ngày 21/8/2017, Tổ công tác đã tiến hành 32 cuộc kiểm tra, gồm 24 cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương và 8 cuộc kiểm tra chuyên đề. Các cuộc kiểm tra đã đề cập hàng loạt vấn đề thuộc loại nóng nhất thuộc phạm vi chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngay từ những buổi kiểm tra đầu tiên, Tổ công tác đã nêu rõ ý kiến Thủ tướng nhắc nhở Bộ Kế hoạch và Đầu tư bên cạnh những hành động đổi mới quyết liệt vẫn có tư tưởng co kéo thẩm quyền về mình, cơ chế xin cho… Tương tự là Bộ Tài chính vẫn để tình trạng Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố lên Bộ xin giao dự toán thấp; Bộ Xây dựng phải tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp “lên xếp hàng” trên Bộ.

 

Mới đây nhất, ngày 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành kiểm tra 11 bộ, cơ quan về tình hình cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nêu rõ thực trạng kiểm tra chuyên ngành quá nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất ít, trong khi doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công, 14.300 tỷ đồng cùng chi phí không chính thức cực lớn, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ kiểm tra từng Bộ về từng thủ tục, nếu “kiểm tra nhiều mà phát hiện vi phạm ít thì mời Bộ bãi bỏ”.

 

Nhiều vấn đề rất nóng khác được người dân, dư luận quan tâm cũng được Tổ công tác “truy” trách nhiệm cụ thể như tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém trong ngành công thương; việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực tại Hà Nội; tình hình bồi thường và khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; nạn khai thác cát lậu…

 

Thông qua các cuộc kiểm tra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao của bộ, cơ quan, địa phương được tháo gỡ, nhiều nhiệm vụ quá hạn còn nợ đọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được khẩn trương thực hiện.

 

Từ kiến nghị của Tổ công tác, Thủ tướng đã chính thức yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công; ban hành cơ chế phân cấp triệt để, mạnh mẽ nhất cho TP Hồ Chí Minh để đầu tàu kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa…

 

Tổ công tác cũng đã phát hiện mắc lớn nhất trong triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao là nhiều loại tài sản trên đất như nhà kính… lại không được thế chấp vay vốn; đồng thời phát hiện hàng loạt vướng mắc cần sửa đổi trong Nghị định 86 năm 2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Nghị định 38 năm 2012 về an toàn thực phẩm…

 

Tác động trực tiếp tới đối tượng kiểm tra

 

Hoạt động của Tổ công tác đã tác động trực tiếp tới các đối tượng kiểm tra. Chẳng hạn mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định mới, theo đó đã thu gọn được đầu mối bộ máy tổ chức trước đây đã được Thủ tướng nhắc nhở thông qua Tổ công tác là quá cồng kềnh.

 

Một ví dụ khác, đến ngày 15/6, có 13 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, nhưng ngay sau khi có văn bản kiểm tra của Tổ công tác, tình hình giải ngân của một số bộ, cơ quan, địa phương đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân cao hơn nhiều so với thời điểm yêu cầu kiểm tra.

 

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vừa qua cũng đã cam kết trước công luận sẽ sớm giải quyết dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

 

Đặc biệt, sau 2 cuộc kiểm tra của Tổ công tác đối với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đến nay tình trạng nợ đọng văn bản đã được khắc phục về cơ bản. Ở thời điểm tháng 10/2016, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng bất kỳ văn bản hướng dẫn nào.

 

Hoạt động của Tổ công tác cũng góp phần khắc phục một hạn chế rất lớn lâu nay trong hoạt động của các cơ quan nhà nước – đó là công tác phối hợp. Qua kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho rằng khi có ý kiến khác nhau thì không gì bằng việc các Bộ trực tiếp ngồi lại tìm cách giải quyết. Cũng nhờ việc phối hợp tốt hơn, nên tình trạng “đẩy việc” lên Chính phủ, Thủ tướng đã giảm rất nhiều.

 

Trong trường hợp các bộ có xung đột về quan điểm, Văn phòng Chính phủ là cơ quan trung gian, “trọng tài”, cùng làm việc trực tiếp với các Bộ để xử lý, tránh tình trạng văn bản “đẩy đi đẩy lại” giữa các bên. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng văn bản, Văn phòng Chính phủ cũng cử cán bộ tham gia trực tiếp với các Bộ ngay từ đầu.

 

Thực tế, đã có những nhiệm vụ chậm trễ kéo dài vì quá trình lấy ý kiến qua lại giữa các Bộ, như việc đề xuất trình Thủ tướng phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

 

Hằng tháng, Tổ công tác có báo cáo kết quả kiểm tra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác có thông báo gửi các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác.

 

Dư luận và người dân kỳ vọng tình hình sẽ chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt hơn, để các bộ ngành, địa phương thực hiện đến nơi đến chốn, đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, chất lượng những nhiệm vụ được giao, chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên” trong chỉ đạo, điều hành.

 

Nguồn baochinhphu.vn