Tỉnh táo trước “ma trận thông tin” thật – giả lẫn lộn

Có một điểm chung dễ nhận thấy là khi các vụ việc tiêu cực nổi cộm được đưa ra ánh sáng công luận, thì những trang mạng này đều đồng loạt “hô ứng” với những thông tin “phân tích, mổ xẻ, bình luận” mang nặng tính chủ quan, suy diễn, võ đoán theo kiểu “bé xé thành to”, “ít xít ra nhiều”, đánh tráo khái niệm, đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất.

Chẳng hạn, họ coi một số ít tập đoàn kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ “sẽ dẫn tới sự sụp đổ của mô hình kinh tế nhà nước là không tránh khỏi”(!). Họ nhận định việc khởi tố, xét xử một vài vụ án ngân hàng là “dấu hiệu của sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng trong một tương lai gần”(!). Họ lấy vài vụ khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến đất đai ở một vài địa phương để khẳng định “do chế độ sở hữu đất đai chỉ mang lại lợi ích cho quan chức, doanh nghiệp nên người nông dân mất đất mới phải vùng lên đấu tranh đòi quyền lợi như vậy”(!). Hay gần đây, cócán bộ cấp cao về hưu thiếu gương mẫu trong thực hiện chính sách nhà đất và đã được cơ quan chức năng xem xét, kết luận cụ thể, rõ ràng và người vi phạm cũng đã trả lại những căn nhà, thửa đất được cấp vượt tiêu chuẩn và chịu hình thức kỷ luật, nhưng họ lại suy diễn rằng “có tình trạng đó chẳng qua là bắt nguồn từ chính sách đặc quyền, đặc lợi của chế độ độc đảng”(!)… Rõ ràng, những kiểu “nhận định, bình luận” nêu trên xuất phát từ thái độ rất thiếu thiện chí, áp đặt chủ quan, nếu không muốn nói là hồ đồ. 

Một điểm đáng lưu ý nữa là, bên ngoài thì tỏ vẻ đứng trên lập trường “lo lắng cho vận mệnh dân tộc, tương lai đất nước”, nhưng thực chất họ cố ý làm cho ranh giới tốt-xấu, thật-giả, đúng-sai, phải-trái lẫn lộn vào nhau, nhằm gây nhiễu nội dung thông tin, đánh lạc hướng dư luận xã hội, đưa công chúng lạc vào một “ma trận thông tin” rối ren, phức tạp. Đây là một kiểu “cài bẫy thông tin” rất tinh vi, nham hiểm, nếu ai thiếu bản lĩnh, thiếu hiểu biết và không tỉnh táo, mơ hồ, mất cảnh giác thì rất dễ bị “sập bẫy”. Khi ấy mưu đồ, dụng ý xấu của họ đã phần nào được hiện thực hóa.

Kiên quyết đẩy lùi những thông tin bất lợi, độc hại

Một điều không mới, nhưng luôn có ý nghĩa thời sự: Một trong những âm mưu mà các thế lực thù địch kiên trì theo đuổi là triệt để lợi dụng tính hai mặt của thời đại “thế giới phẳng” để tiến công phá hoại nền tảng tư tưởng-văn hóa của nước ta. Với phương châm “Đầu tư 1 USD cho mặt trận tư tưởng-văn hóa hiệu quả hơn đầu tư 10USD cho mặt trận quân sự”, những năm qua, họ đã tiêu tốn hàng triệu USD vào việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đào tạo nhân lực để hình thành “đế quốc thông tin” chĩa thẳng vào nước ta nhằm làm chuyển biến hệ tư tưởng, thay đổi hệ giá trị văn hóa, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội.

 Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 62 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, 390 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản và 397 trang web, blog, mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài thường xuyên “nuôi dưỡng” nguồn tin và cung cấp, đăng tải những thông tin thiếu thiện chí, bất lợi cho nước ra. Tất cả những hoạt động này nhằm chung một ý đồ là xuyên tạc tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ Đảng ta; đồng thời cổ súy lối sống cá nhân vị kỷ và huyễn hoặc, lôi kéo thế hệ trẻ đi tìm “chân trời mới” bằng những viễn cảnh ảo tưởng, xa thực tế.

Trước những thông tin bất lợi, độc hại nhằm vào nước ta ngày càng nhiều, với tần suất lớn và mật độ dày, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành thông tin và truyền thông, Chính phủ khẳng định: Năm 2015, nước ta sẽ tổ chức kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, do vậy, càng gần đến các sự kiện lớn cần phải chú trọng đấu tranh, phản bác và làm thất bại những thông tin không đúng sự thật, thông tin bất lợi, gây chia rẽ, nhụt chí trong nhân dân.

Để thực hiện tốt công việc này, ngoài việc chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, tin cậy để định hướng dư luận nhân dân, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết tiếp nhận những thông tin đúng đắn, lành mạnh, bổ ích. Phải làmsao cho mọi người dân có một “bộ lọc văn hóa” để biết tiếp cận, tìm kiếm, thưởng thức những thông tin chuẩn mực, nhân văn, đồng thời đủ “sức đề kháng” ngăn ngừa, phòng tránh và không bị sa đà vào những thông tin sai trái, bất lợi, độc hại.

Bên cạnh đó, cần ra sức khuyến cáo, cảnh tỉnh, cảnh báo cho công chúng những trang tin điện tử, mạng xã hội, blog… chủ ý cung cấp những thông tin trái quan điểm đường lối của Đảng và gây phương hại đến ổn định an ninh tư tưởng, an ninh chính trị quốc gia. Đối với những trang mạng, blog cố tình sai phạm, được nhắc nhở nhiều lần mà không chuyển biến, không cầu thị vì lợi ích quốc gia, dân tộc, thì phải kiên quyết “đóng cửa” để góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin ở nước ta.

(Nguồn tổng hợp từ Báo Quân đội nhân dân)