Kinh tế TP.HCM 8 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà hồi phục. Tuy nhiên, 4 ban lớn của Thành phố chiếm số vốn đầu tư công lớn nhưng giải ngân chỉ đạt 10,4%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu kiểm điểm lại từng dự án, cập nhật các kế hoạch và giữ cam kết giải ngân hàng tháng…
Sáng 4/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ trì phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm.
KINH TẾ TIẾP ĐÀ TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết tình hình kinh tế Thành phố trong 8 tháng năm 2024 đạt được những chỉ số tích cực.
Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 765.233 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%, trong khi chỉ số tồn kho giảm mạnh 14%.
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2024 tăng 15,3% so với cùng kỳ, với mức tăng ấn tượng 23,8% từ các khu vực kinh tế nội địa. Đặc biệt, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng nhẹ 0,3%, cho thấy sự phục hồi trong hoạt động thương mại.
Bên cạnh đó, nhờ việc tiếp tục chương trình khuyến mãi tập trung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. HCM trong 8 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ – Ảnh: Cục Thống kê TP.HCM.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành ghi nhận mức tăng cao là 65,8%.
Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng qua tăng 3,23%, với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức giá tăng, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế, cùng nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất, lần lượt là 7,80% và 7,48%.
Đáng chú ý, bà Mai cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5%, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Thành phố.
Thống kê cho thấy có đến 82,4% doanh nghiệp thành lập mới tại TP.HCM hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; 17,3% doanh nghiệp đăng ký ngành công nghiệp – xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tuy nhiên, dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 272.867 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ (quy mô vốn bình quân mỗi doanh nghiệp giảm 15,7%). Theo bà Mai, vấn đề đáng quan ngại là lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao.
“Nếu so sánh giữa số doanh nghiệp tham gia vào thị trường và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì cứ 100 doanh nghiệp tham gia thì có 58 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, bà Mai cho biết.
GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG CÒN CHẬM
Phát biểu tại phiên họp, sau khi điểm qua những mặt tích cực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá vẫn còn không ít hạn chế. Đặc biệt, giải ngân đầu tư công tiếp tục dẫn đầu “danh mục hạn chế” khi đến giờ này mới chỉ đạt 18,1% so với kế hoạch.
Theo ông Mãi, tổng số giải ngân từ đầu năm đến nay của 4 ban lớn chỉ đạt 10,4%, thấp hơn mức bình quân chung của thành phố là 18,1%. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân trung bình của các quận, huyện đã là 34%. Như vậy, các địa phương đang “gánh” kết quả giải ngân của thành phố trong 8 tháng đầu năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM phát biểu tại phiên họp – Ảnh: TTBC.
Do đó, người đứng đầu Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị thủ trưởng 4 ban quản lý dự án (Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM) phải tiếp tục tập trung cao độ cho nhiệm vụ này.
Từ nay đến cuối năm, ông Mãi đề nghị 4 ban quản lý dự án này cùng thành phố Thủ Đức phải kiểm điểm thật kỹ từng dự án, cập nhật kế hoạch và giữ cam kết hằng tháng. Đến cuối năm, các ban phải đảm bảo giải ngân 95%, ban nào khó khăn thì cũng phải trên 90%.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng yêu cầu ngay trong tuần đầu tháng 9, các sở ngành, địa phương phải cập nhật lại nhiệm vụ giải ngân đến cuối tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12 và sang tháng 1 năm sau để điều hành từng dự án. Đồng thời giao nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ dự án và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ này.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết đến hết tháng 8, Ban đã giải ngân được 691 tỷ đồng, chiếm 8,2% so với kế hoạch là 8,9%. Hiện nay, Ban đã được các sở, ngành duyệt 12 dự án và phấn đấu sẽ khởi công vào cuối năm nay để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, khó khăn lớn nhất của Ban hiện nay là điều chỉnh quy hoạch 1/2000 và 1/500. Ban cũng đang phối hợp với các quận, huyện cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc tháo gỡ từng dự án cụ thể, phục vụ cho công việc giải ngân vốn đầu tư công vào quý 1 năm sau.
Còn đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông cho biết Ban được giao 12.380 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2.450 tỷ đồng, đạt 20%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Ban phải giải nhân hơn 9.000 tỷ đồng. Hiện, Ban vẫn giữ vững mục tiêu giải ngân trên 95%, các giải pháp để đảm bảo mục tiêu này là tiếp tục đẩy mạnh phần xây lắp của các dự án đang triển khai, trong đó đặc biệt là dự án Vành đai 3.
Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm, cụ thể: Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Dự kiến tháng 11 năm 2024, toàn tuyến Metro 1 vận hành thử, phục vụ công tác nghiệm thu cùng đánh giá an toàn hệ thống và vận hành chính thức vào cuối năm 2024. Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%; Tuyến Metro số 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030. Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 Thành phố được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đang triển khai. Dự kiến tình trạng thiếu cát của dự án sẽ được giải quyết sớm nhất trong tháng 9 năm 2024 khi được các địa phương hỗ trợ các mỏ cát. Dự án Thành phần 2 đường Vành đai 3 Thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 99,0%. Trong đó có 1.675/1.692 trường hợp đã bàn giao mặt bằng và 17 trường hợp chưa đồng ý bàn giao sẽ lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất. Dự án mở rộng Quốc lộ 50 gồm 7 gói thầu xây lắp. Trong đó 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50, dự kiến hoàn thành trong năm 2024; 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025. |