Cùng chung một ước vọng 


Là một người may mắn có mặt và chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đến hôm nay, ông Chu Chí Thành (74 tuổi), nguyên là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam vẫn nhớ như in những ngày có mặt tại chiến trường Quảng Trị để ghi lại các hình ảnh “một đi không trở lại”. 

Thủ tướng Fidel Castro chụp ảnh chung với các chiến sỹ Khe Sanh trong chuyến thăm vùng Giải phóng Miền Nam, Việt Nam (1973). Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Lần giở những tấm ảnh cũ đen trắng chụp được trong thời kỳ ấy, ông như lạc vào quá khứ: Ngày ấy, nhiệm vụ của tôi là có mặt tại ranh giới giữa quân đội hai bên để phản ánh tình hình thực thi Hiệp định Paris sau khi ký kết, đồng thời ghi nhận lại những hình ảnh trong cuộc trao trả tù binh lớn nhất lịch sử chiến tranh Việt Nam. Chính tại đây, hòa mình trong không khí ấy, tôi đã may mắn chứng kiến và cảm nhận sâu sắc được lợi ích mà Hiệp định Paris mang lại. 

 
Trong thời điểm hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, niềm hạnh phúc vô biên lan tỏa khắp nơi, không chỉ tồn tại trong mỗi người dân hay các chiến sỹ cách mạng mà ngay cả những người lính phía bên kia cũng ngập tràn sung sướng vì họ sẽ được trở về với gia đình, quê hương. Đây là chiến thắng của toàn dân tộc chúng ta và của tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới chứ không phải riêng của một bên nào. Trong thời khắc ấy, tôi đã chụp lại được những bức ảnh rất cảm động, bản thân tôi cũng không cầm được nước mắt… Hình ảnh những con người ở hai bên đối địch nhau nhưng cùng bắt tay, khoác vai cùng vui một niềm vui chung mang tên hòa bình. Lúc này, gạt bỏ hết mọi hiềm thù cá nhân và những nhận thức cực đoan lệch lạc, chỉ còn lại sự hòa hợp và hòa giải dân tộc tồn tại… 

Trong chiến tranh, ranh giới về chính nghĩa và phi nghĩa được phân định rất rõ ràng nhưng khi đã ngừng tiếng súng, dù phía bên này hay bên kia, mọi người dân dù ở bất kỳ dân tộc hay đất nước nào cũng đều hướng đến một khát vọng hòa bình. Vượt qua những thù hận và sự chết chóc của chiến tranh, tất cả mọi người đã xích lại gần nhau. Những khoảnh khắc đáng giá của lịch sử đã được ghi lại trong những bức ảnh của nhà báo Chu Chí Thành. Đến nay, những tấm hình ấy như một minh chứng lịch sử rằng, khi trái tim chạm tới trái tim, hạnh phúc sẽ tồn tại trong chính niềm vui được sống, được yêu thương, được tồn tại trong hòa bình vì tất cả họ đều là người Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Chiến (64 tuổi, ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) là một nữ du kích được Nhà báo Chu Chí Thành chụp lại trong khoảnh khắc lịch sử khi việc thực hiện lệnh ngừng bắn có hiệu lực, trong bức ảnh “Tay bắt mặt mừng” tại chốt Long Quang năm 1973. Bức ảnh ghi lại hình ảnh những người lính miền Nam vui vẻ bắt tay với các o du kích đã mang lại những dấu ấn sâu sắc về tinh thần hòa hợp dân tộc. Bà Chiến nhớ lại: Khi bắt đầu ngừng tiếng súng, tôi cùng một số người khác đến các chốt vận động lính Việt Nam cộng hòa về với cách mạng. 

 
Chúng tôi đến bắt tay những người lính cộng hòa rồi thuyết phục, rất nhiều người muốn trở về đoàn tụ với vợ con không đi vào chiến trường miền Nam nữa. Tôi nhớ bức ảnh được bác Chu Chí Thành chụp lại ở chốt Long Quang chính là những thời khắc đầu tiên sau khi ngưng tiếng súng. Lúc ấy, không chỉ riêng tôi mà tất cả những con người của hai bên chiến tuyến đều xúc động, hạnh phúc, vui mừng khôn tả, vừa bắt tay, ôm nhau khóc vì vui mừng… 

Quảng Trị – điểm đến của hòa bình 

Chiến dịch tiến công Khe Sanh – giải phóng Hướng Hóa, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 cùng với thắng lợi Chiến dịch Xuân – Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã tạo nên lợi thế trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris. Ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam. Sức mạnh ấy cùng với sự đóng góp xương máu của cả dân tộc đã viết nên khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa đi sự chia cắt đau thương để Bắc – Nam sum họp một nhà. 

Hòa bình hôm nay có được là sự đánh đổi của biết bao khao khát hòa bình của các thế hệ cha ông đã tình nguyện hy sinh xương máu để con cháu sau này được sống trong tự do, hạnh phúc. Đây cũng chính là mong mỏi, khao khát thầm kín không chỉ của những người con cách mạng mà cũng là nỗi lòng ước ao của những người lính phía bên kia. 

Trong những ngày tháng lịch sử khi cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ với ông Bùi Trọng Nghĩa, nguyên ở đơn vị Đại đội 1, Tiểu đội 6, Sư đoàn 9, Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Giờ đây, khi mái đầu đã bạc, hồi ức về quá khứ được ông hồi tưởng lại: Tôi sinh ra ở miền Nam nên ở cái thế không thể không đi lính nhưng thật lòng chẳng ai muốn cầm súng đi giết hại đồng bào mình cả. May mắn sao, khi có tin ngừng chiến giữa hai bên, hòa bình lập lại sau Hiệp định Paris, tôi và những người khác đều mừng lắm. 

 

Chỉ cần không phải đánh nhau, được trở về quê hương sum vầy với vợ con là ước mơ lớn nhất của không chỉ bản thân tôi. Tôi vẫn nhớ khi nghe tin ngừng bắn, cả hai bên chiến tuyến đã không ngại ngần bắt tay nhau như những người thân thiết. Chiến tranh đã qua đi, hôm nay, khi về lại Quảng Trị, tôi thấy rất ngỡ ngàng, mọi thứ thay đổi rất nhanh. Ngày xưa tan hoang là thế nhưng giờ đường phố, nhà cửa phát triển sầm uất. Ước mong lớn nhất của một người từng bước qua chiến tranh như tôi chính là hòa bình sẽ tồn tại mãi mãi, để mọi người luôn được hưởng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển đi lên… 

Ngày hôm nay, vượt qua những vết thương mà chiến tranh để lại, biến đau thương thành động lực Quảng Trị đã trở mình thay đổi hoàn toàn diện mạo. Các đô thị sầm uất mới mọc lên trên những đống đổ nát hoang tàn. Những làng quê trù phú đang thay màu áo mới trên nền những hố bom và vỏ đạn. Các khu công nghiệp đang dần dần hình thành và phát triển hứa hẹn mang tới tiềm năng kinh tế mới thay thế cho hàng rào thép gai và xác pháo. Những tượng đài với biểu tượng hòa bình và lá cờ đỏ thắm thay thế cho máu và nước mắt xưa kia… Tất cả đã hòa chung vào dòng chảy và sự phát triển không ngừng của dân tộc ta. 

Hướng tới xây dựng thành phố hòa bình, Quảng Trị đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm biến mảnh đất này trở thành điểm đến của du lịch tâm linh, du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”. Qua đó, thể hiện một thông điệp về tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. 

 
Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh Quảng Trị chủ trương chọn ngày 27/1 hằng năm là Ngày Hòa bình của tỉnh để tổ chức nhiều hoạt động qua đó, khẳng định ý nghĩa và giá trị khát vọng hòa bình trong chiến tranh cũng như để các du khách trong và ngoài nước biết đến ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Paris; từ đó tiến tới đề xuất với Chính phủ lấy ngày 27/1 là ngày Ngày Hòa bình của Việt Nam. Về lâu dài, tỉnh mong được đặt một số biểu tượng hòa bình ở thị xã Quảng Trị để khách du lịch trong nước và quốc tế đặt chân đến Việt Nam sẽ có dịp đến với Quảng Trị, cầu nguyện ước muốn hòa bình… 
 

 

Thanh Thủy (TTXVN)