Chặng đường đáng tự hào

 

Kể từ khi được thành lập năm 1967, ASEAN đã giúp biến đổi khu vực Đông Nam Á từ nghi kỵ, đối đầu và xung đột, thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác thông qua nhiều sáng kiến về chính trị, an ninh và đặc biệt là kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng giúp các thành viên ngày càng thịnh vượng. Trong những năm gần đây, ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể, kinh tế toàn khối tăng trưởng khoảng 5%/năm và tạo ra một tầng lớp trung lưu khá hùng hậu. Đến đầu năm nay, ASEAN đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và dự báo sẽ tăng thêm một bậc vào năm 2020.

 

Bên cạnh đó, ASEAN dần xây dựng được các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia, thống nhất các mục tiêu chung, tạo dựng lòng tin và thói quen hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á, bảo đảm hòa bình và ổn định không chỉ trong khu vực mà còn góp phần tăng cường hòa bình và hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cố gắng thúc đẩy quan hệ với hầu hết đối tác và khu vực quan trọng trên thế giới, đặc biệt đã xây dựng được quan hệ đối tác với tất cả các nước lớn. Nhờ đó, ASEAN tranh thủ được các nguồn lực để phát triển, và nâng cao vị thế của tổ chức trên trường quốc tế. Về kinh tế, nếu được quản lý hiệu quả trong thập kỷ tới, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực thêm 7,1% vào năm 2025, đồng thời tạo ra 14 triệu việc làm mới.

 

 

Ưu tiên của tương lai

 

ASEAN đang tận hưởng những trái ngọt nhưng giai đoạn 50 năm tiếp theo của Hiệp hội chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển biến phức tạp, đáng chú ý là làn sóng bạo lực cực đoan, chủ nghĩa dân túy, bảo hộ gia tăng, hợp tác đa phương đang suy yếu… các nhà lãnh đạo ASEAN cần chú trọng thúc đẩy liên kết khu vực, đạt được mục tiêu thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay. Không tính đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp khó khăn, RCEP là hiệp định tự do thương mại lớn nhất đang được đàm phán. Nếu thành công, RCEP sẽ liên kết ASEAN, thị trường hơn một nửa tỷ dân, với 6 quốc gia đối tác (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), tạo ra một thị trường lớn hơn 3,5 tỷ người. Hiệp định này sẽ không chỉ tăng vai trò của ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu mà còn giúp Hiệp hội có tiềm năng trở thành động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu.

 

 

Và để phát triển một cách bền vững, các chính sách của ASEAN phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Như đã đề cập ở trên, khi AEC ra đời có thể tạo thêm  14 triệu việc làm, nhưng các nhà lãnh đạo ASEAN phải có chính sách phù hợp để bảo đảm rằng số việc làm được phân bổ công bằng giữa các quốc gia thành viên và cho tất cả người dân. Hội nhập kinh tế phải mang lại cơ hội việc làm và lợi ích rộng rãi hơn trong xã hội, ngoài việc giúp tăng trưởng tổng thể. Thực tế cho thấy, những lo ngại liên quan đến khoảng cách thu nhập ngày càng lớn đã một phần giải thích tại sao chủ nghĩa dân túy đã trỗi dậy mạnh mẽ ở một số nước, đe dọa kế hoạch hội nhập kinh tế tương lai. Hiện nay, Singapore có mức thu nhập bình quân trên đầu người vào khoảng 54 nghìn USD/năm, trong khi Lào, Myanmar và Campuchia gộp lại chia trung bình vẫn chưa được đầy 2.000 USD/năm.

 

 

 

Vì vậy, theo nhiều nhà quan sát, trong vòng 50 năm tiếp theo, những ưu tiên của ASEAN có thể tập trung vào thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMS) để tạo ra tăng trưởng toàn diện hơn. Có thể nói doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của các nền kinh tế Đông Nam Á, tạo ra đa số việc làm và là một nguồn không thể tách rời của tăng trưởng kinh tế. Khác với đầu tư nước ngoài, hầu như chỉ thể tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương hoạt động được ở nhiều ngành, lĩnh vực, sử dụng nhiều bộ phận lao động.

 

Tiếp đến, ASEAN nên áp dụng phương pháp tiếp cận đa diện và cải cách tổ chức. Cần có thêm nhiều tiếng nói trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là giới trẻ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Trong đó, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. ASEAN cần hướng tới mục tiêu hợp tác cùng với các doanh nghiệp nhằm ưu tiên cho trách nhiệm xã hội của họ. Điều này có thể khuyến khích kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương thành công.

 

ASEAN cũng có thể làm tốt hơn công tác truyền thông về thành quả, tầm nhìn và mục tiêu của mình. Mức độ nhận thức của ASEAN trên các quốc gia vẫn chưa cao, nên ý tưởng về bản sắc khu vực chung vẫn là mục tiêu xa xôi. Khi người dân hiểu ít về Hiệp hội, ASEAN sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình xây dựng cộng đồng. 

 

 Nguồn Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Thành phố