Mong ước của Người về thế hệ trẻ
Theo Bác Hồ, với tư cách là đội ngũ dự bị, lực lượng kế cận hùng hậu của cách mạng Việt Nam, và là những người chủ tương lai của nước nhà, tuổi trẻ Việt Nam luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Chúng ta thấy, trong trọn cuộc đời vì nước, vì dân của mình, Người đã hết lòng, hết sức chăm lo đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường, những thế hệ có đủ dũng, trí, tâm, trí… để cống hiến cho đất nước.
Hẵn chúng ta còn nhớ trước khi đi xa, Bác đã nhắn nhủ Đoàn viên và thanh niên và cả Đảng ta, trong Di chúc thiêng liêng của Người: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. (Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Trước đó, vào đúng ngày Quốc khánh nước nhà, mùng 2-9-1965, trong khi cả nước đang hết sức vừa kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang thực hiện “Chiến tranh Cục bộ” ở miền Nam, vừa ra sức xây dựng miền Bắc, mỗi người làm việc bằng hai, thì Bác bằng tất cả tình cảm yêu quý của mình, gửi cho Đoàn viên thanh niên cả nước 5 điều đáng quý là:
– Một là: Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
– Hai là: Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể của nhân dân, tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
– Ba là: Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng tự mãn, chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
– Bốn là: Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
– Năm là: Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo. (Thư Bác gửi thanh niên Ngày 2/9/1965)
Bác rất tin yêu các thế hệ Đoàn viên, thanh niên, nhưng Người cũng mong muốn những bạn trẻ hãy phấn đấu vì đất nước, tại bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19-11-1955, Bác đã nói:
“Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
Vào ngày 2 – 9 – 1965, Bác Hồ lại chúc các thế hệ Đoàn viên, thanh niên: “chúng ta chúc mừng lần thứ 20 Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 20 tuổi. Nhiều cháu thanh niên gái và trai năm nay cũng vừa đúng hoặc xấp xỉ tuổi 20…Cách mạng Tháng Tám thành công đã giải phóng 25 triệu đồng bào ta. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập là Nhà nước đầu tiên của nhân dân ta. Từ đó nhân dân ta làm chủ đất nước của mình, cùng nhau ra sức xây dựng cuộc đời độc lập, tự do, hạnh phúc.
Nhưng thực dân Pháp lại đến xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng bào cả nước ta từ Nam đến Bắc đã kháng chiến cực kỳ anh dũng trong suốt chín năm. Cuối cùng chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp và bè lũ bù nhìn. Hòa bình được lập lại. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng đã chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Mười một năm qua, miền Bắc ta xây dựng không ngừng, ngày càng đổi mới. Chúng ta đã xóa bỏ chế độ người bóc lột người, nhân dân lao động hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội và đã thu được nhiều thành tích rực rỡ.
Trong sự nghiệp vĩ đại ấy, thanh niên ta ở miền Bắc được sự giáo dục của Đảng và sự dìu dắt của Đoàn đã tỏ ra rất xứng đáng là thế hệ của Cách mạng Tháng Tám vẻ vang. Đại đa số các cháu thanh niên đều hăng hái thi đua trên mọi mặt trận: nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, y tế, v.v…
Cũng trong mười một năm qua, dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng bào miền Nam ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, ngày nay đang liên tiếp đánh mạnh kẻ địch trên khắp các chiến trường và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Hơn một năm nay, đế quốc Mỹ và bọn tay sai càng điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam và mở rộng chiến tranh đến miền Bắc, gây thêm đau thương tang tóc cho đồng bào ta. Quân và dân ta ở cả hai miền một lòng chống Mỹ, cứu nước, đã chiến đấu anh dũng vô cùng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng”. (Thư Bác Hồ gửi 2-9-1965)
Tuổi trẻ Việt Nam nối tiếp nhau, học tập và làm theo những lời dạy của Người
Như vậy, trong bất kỳ công việc gì lớn lao, Bác cũng đều nghĩ về tuổi trẻ, nghĩ về những thế hệ cách mạng nối tiếp các bậc đàn anh đi trước. Và các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam và tuổi trẻ Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh đã nối tiếp nhau, học tập và làm theo những lời dạy bảo của Người.
Trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hàng triệu bạn trẻ từ mọi miền đất nước, đã nối tiếp nhau lên đường. Từ trên những chiến trường ác liệt, qua 9 năm kháng chiến chống Pháp oai hùng, đã có những tấm gương sáng ngời của tuổi trẻ: Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… đã quên mình, hy sinh cả thân thể mình cho đất nước, để có những chiến thắng Việt Bắc, Đông-Bắc… đi đến chiến dịch Điện Biên Phủ, đập tan hoàn toàn đội quân đầu não của Pháp, đưa đến sự thất bại hoàn toàn tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954.
Tiếp tục ra đi, trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ 21 năm trời, là những thế hệ trẻ hơn 3 triệu người (chưa tính Lực lượng Thanh niên Xung phong) đã cùng cả nước làm nên những chiến công. Và trong 21 năm ác liệt đó, dù đế quốc Mỹ tung ra những chiến lược tàn bạo nhất: “Chiến tranh Đặc biệt”,“Chiến tranh Cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”…tung vào miền Nam Việt Nam những đoàn quân hùng hổ nhất, những chiến thuật tàn bạo nhất, những viên tướng lĩnh lừng danh nhất… nhưng tất cả đều cúi đầu thất bại trước ý chí và sự thông minh, ngoan cường của dân tộc Việt Nam, trong đó tuổi trẻ Việt Nam luôn đi đầu trong các phong trào chống Mỹ, mà Bác Hồ tin yêu.
Trong những chiến thắng sáng ngời của tuổi trẻ Việt Nam và tại Sài Gòn – trung tâm đầu não Ngụy quyền của chúng, Bác Hồ bao giờ cũng theo dõi và đánh giá cao những chiến công và tấm gương dũng cảm của các anh: Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang, Trần Bội Cơ, Võ Thị Sáu, Võ Thị Thắng… Chính các anh đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, hy sinh thân mình vì Tổ quốc quyết sinh, đã làm cho Bác bao nhiêu lần phải khóc, phải nghĩ đến những hy sinh vô bờ bến của các thế hệ trẻ để cho kẻ thù phải thấm hiểu thế nào là tuổi trẻ Việt Nam.
Lòng tin của Bác, lòng tin của người cha, người ông đối với con, cháu là thế hệ trẻ vẫn muôn đời kết tinh nên sức mạnh mà một dân tộc, dù nhỏ, còn nghèo nàn, song đã không bao giờ chịu khuất phục trước thực dân, đế quốc hùng mạnh gấm ngàn lần.
Chúng ta hãy tâm niệm lời mong ước của Người vẫn luôn luôn nhìn, dõi theo tuổi trẻ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951).
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi khi ra pháp trường
Nụ cưới chiến thắng Võ Thị Thắng
Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu