Do đó, xét theo nghĩa rộng, sinh hoạt đảng là tất cả các hoạt động của tổ chức đảng, bao gồm sinh hoạt của cấp ủy (nếu chi bộ có cấp ủy hoặc đảng viên đó là cấp ủy viên), sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt đột xuất, các hoạt động khác (kiểm điểm, nghe báo cáo thời sự, tổ chức kết nạp đảng, hoạt động kiểm tra của tổ chức đảng, hoạt động chất vấn…). Trong nhiều trường hợp, sinh hoạt chi bộ là một hình thức của sinh hoạt đảng nói chung; và theo nghĩa hẹp nhất, sinh hoạt chi bộ còn có nghĩa là các cuộc họp định kỳ của chi bộ (hàng tháng, chuyên đề…).
Trong Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI, “sinh hoạt đảng” là cụm từ được nhắc tới nhiều lần, vừa mang nghĩa hẹp vừa mang nghĩa rộng. Chẳng hạn, một trong những nội dung của Khoản 1 Điều 12 là cấp ủy viên phải “chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Trường hợp này, sinh hoạt đảng mang nghĩa rộng. Còn nội dung ở Khoản 1 Điều 8 quy định: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên” thì có hàm ý mang nghĩa hẹp, chỉ việc tham dự các kỳ họp định kỳ của chi bộ.
Còn Khoản 2 Điều 23 quy định tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ “nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng” có thể hiểu đồng thời theo nghĩa hẹp, tức là có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, đồng thời theo nghĩa rộng là phải nâng chất tất cả các hoạt động của tổ chức đảng đó.
Một trong những quy định quan trọng điều chỉnh về sinh hoạt chi bộ là Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư khóa X về “nâng cao chất lượng sinh hoạt ở chi bộ”. Chỉ thị 10 nêu một số nhiệm vụ quan trọng trong vấn đề sinh hoạt chi bộ, đó là:
– Cấp ủy, chi bộ phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng theo Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc để tổ chức và sinh hoạt đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, để mọi đảng viên hiểu và xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của mình…
– Sinh hoạt chi bộ phải kịp thời phổ biến quán triệt nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các chủ trương, chính sách pháp luật mới của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước cho đảng viên; tập trung thảo luận thẳng thắn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của chi bộ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng.
– Phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên, tạo được không khí cởi mở chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong Đảng…
– Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cấp ủy phải nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên do cấp ủy cấp trên quản lý; kịp thời bồi dưỡng, khen thưởng những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc và giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và tiêu chuẩn đảng viên…
Trên cơ sở Chỉ thị này, ngày 25/5/2007, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW về “nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng”. Trong đó, Hướng dẫn nêu yêu cầu chi ủy, chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng; sinh hoạt chi ủy, chi bộ phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Trong sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ…
Hướng dẫn này nêu một số nội dung cụ thể đối với từng loại hình chi bộ, như chi bộ thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố, chi bộ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu…), chi bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, chi bộ trong doanh nghiệp có vốn của nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài, chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi bộ trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an). Với mỗi loại hình khác nhau thì có nội dung sinh hoạt không giống nhau, dù có cùng những yêu cầu tương tự nhau.
Tiếp đó, ngày 2/3/2012, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW “hướng dẫn thực hiện về nội dung sinh hoạt chi bộ”, thay thế cho Hướng dẫn 05. Đến ngày 22/9/2017, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 18-KL/TW về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới”. Kết luận nêu rõ: “Cấp ủy đảng các cấp, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tập trung chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi bộ. Phân công cấp ủy viên, cán bộ các ban của cấp ủy dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt của các chi bộ trong đảng bộ cơ sở mình. Quan tâm củng cố, giúp đỡ các chi bộ nông thôn vùng khó khăn, những chi bộ còn yếu kém, chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước”.
Ngày 6/7/2018, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW về “một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, thay thế cho Hướng dẫn 09. Hướng dẫn này đặt ra một yêu cầu quan trọng là “các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ; tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ”. Đồng thời, “chi ủy phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ”… Hướng dẫn cũng nêu cụ thể và chi tiết về công tác chuẩn bị và các bước sinh hoạt chi bộ, nội dung sinh hoạt chi bộ, khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ…
Hướng dẫn số 12 hiện tại là quy định có giá trị thi hành về sinh hoạt chi bộ, bên cạnh Kết luận 16 và Chỉ thị 10. Tuy nhiên, những nội dung của các hướng dẫn trước đây vẫn nên được tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thực tiễn.
Vân Tâm