Thời gian qua, việc triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc “Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn TPHCM đã từng bước giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thịt heo với đầy đủ thông tin tất cả các chủ thể liên quan đến quá trình chăn nuôi và kinh doanh thịt heo. Từ kết quả của đề án này, TPHCM thực hiện mở rộng thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng trứng, gia cầm. Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng thực hiện “Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” diễn ra sáng 1/7. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực phía Nam.

1.280 cơ sở chăn nuôi tham gia đề án

Theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM, đến nay đã có 1.280 cơ sở chăn nuôi của 16 tỉnh, TP khu vực phía Nam tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. Số cơ sở chăn nuôi đã thực hiện kích hoạt khai báo thông tin về truy xuất nguồn gốc là 132 cơ sở với khoảng hơn 421.600 con heo (trung bình khoảng 4.800 con heo/ngày) có thông tin nguồn gốc xuất xứ tại trang trại. Về các cơ sở giết mổ, đã có 25 cơ sở tại TPHCM và các tỉnh tham gia đề án, trong đó có 10 cơ sở có kiểm soát, kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc.

Đối với các cơ sở kinh doanh thịt heo, Sở Công thương TP đã triển khai đề án tại 786 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm…) và 146 gian hàng kinh doanh thịt heo thuộc hệ thống Vissan tại 23 chợ truyền thống. Riêng hai Chợ đầu mối nông sản của TP là Hóc Môn và Bình Điền có 227 gian hàng kinh doanh với 146 tiểu thương tham gia đề án. Ngoài ra, Đề án cũng được triển khai tại 52 cơ sở kinh doanh tại các tỉnh khác trong khu vực miền Đông Nam Bộ.

Theo thống kê, kênh phân phối hiện đại trung bình mỗi ngày có 1.300 con heo tiêu thụ và 100% số heo này đã được kích hoạt cung cấp thông tin đầy đủ tất cả các chủ thể tham gia. Tại hai 2 chợ đầu mối nông sản, mỗi ngày có khoảng 7.000 con heo được tiêu thụ, trong đó có 53% được kích hoạt thông tin.

Để thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, TP đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các các đơn vị, cá nhân tham gia Đề án, như: hỗ trợ chi phí mua vòng nhận diện đeo 2 chân sau con heo cho các hộ chăn nuôi, các hộ đăng ký tham gia tổ hợp tác và các cơ sở giết mổ; hỗ trợ chi phí mua tem truy xuất cho tiểu thương, thương nhân kinh doanh heo tại các chợ bán lẻ… Cùng với đó, TP đã hỗ trợ 131 thiết bị chuyên ngành đọc mã QR –Code (mã phản hồi nhanh) cho cơ quan thú y TP và các tỉnh; hỗ trợ 5 máy quét truy xuất tập trung tại các chợ: Bến Thành, Thái Bình (Quận 1), Phú Lâm(Quận 6), Hòa Bình (Quận 5), Gò Vấp (quận Gò Vấp).

Mở rộng truy xuất nguồn gốc trứng và thịt gia cầm

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng việc triển khai Đề án Quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo còn gặp nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, khó khăn hiện nay là trong thời điểm giá thịt heo giảm sâu và không ổn định, người chăn nuôi phải cắt giảm chi phí tối đa nên việc mua thêm vòng nhận diện (giá 3.000 đồng/vòng) theo yêu cầu kỹ thuật của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TPHCM sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh.

 

 

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, qua thực tế, triển khai Đề án thì khó khăn hiện nay là số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ cung cấp thịt heo cho thị trường TP khá lớn nhưng đa số các hộ này chưa đăng ký tham gia đề án. Các tỉnh, TP vẫn chưa tích cực phối hợp triển khai đề án dẫn đến tình trạng thông tin các khâu chưa được kết nối, việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn gây hiểu lầm là việc thực hiện truy xuất nguồn gốc chỉ mang tính hình thức, lãng phí, không hiệu quả. Tại một số điểm tập kết heo xuất đi do cơ quan thú y quản lý ở khu vực vùng sâu, vùng xa không có sóng wifi, sóng 3G của điện thoại chập chờn nên không thực hiện được việc kích hoạt truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, đa số đại biểu thống nhất rằng, việc thực hiện truy gốc nguồn gốc thực phẩm của TPHCM là một hướng đi đúng, từng bước giúp người tiêu dùng có được tiếp cận với thực phẩm đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bên cạnh việc khắc phục những khó khăn về truy xuất nguồn gốc thịt heo nêu trên, TP nên mở rộng sang các mặt hàng khác. Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm không là thực hiện đạo đức kinh doanh mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, việc triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, phù hợp với xu hướng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Cùng với triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, TP sẽ nhân rộng ra các mặt hàng thực phẩm khác, trước mắt từ 1/7/2017 triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm. Đến đầu tháng 9 người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thịt phẩm này với các thông tin từ khâu chăn nuôi đến khâu tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt phẩm nhằm giúp người chăn nuôi thu hoạch sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận; đồng thời xây dựng nguồn thực phẩm sạch để người tiêu dùng chọn lựa. Đây là biện pháp căn cơ, đúng với xu hướng phát triển của thế giới, giúp kiểm soát từ xa tất cả các sản phẩm thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, cùng với kênh phân phối hiện đại, nếu không có gì thay đổi hạn cuối cùng là 31/7/2017, tất cả thịt heo không truy xuất được thông tin nguồn gốc sẽ không được vào hai chợ đầu mối nông sản của TP (Bình Điền và Hóc Môn) và một số chợ truyền thống. “TP không phải làm khó khăn cho người chăn nuôi mà vì cộng đồng trách nhiệm, vì sức khỏe của người tiêu dùng cần thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi. TP sẽ kiến nghị Chính phủ để có hành lang pháp lý cho việc triển thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm; từ đó các tỉnh cũng dễ dàng triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thực hiện cùng TPHCM”  – Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cùng với triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong truy xuất nguồn gốc thịt heo hiện nay, TP đã bàn các giải pháp xóa dần các chợ tự phát vì đây là nơi lưu thông nhiều thực phẩm không sạch, không an toàn; đồng thời mở rộng các điểm bán hàng lưu động của các kênh phân phối hiện đại để phục vụ người dân khó khăn, công nhân với giá cả hợp lý.

Tổng hợp từ thanhuytphcm.vn; tuoitre.vn, TTXVN