Như thường lệ, buổi sáng của chúng tôi bắt đầu từ 5 giờ, nhưng trong những ngày này, nó đặc biệt hơn ở chỗ là trước khi đi làm, chúng tôi phải chuẩn bị cơm mang theo cho cả ngày và phải kiểm tra những thứ cần bổ sung cho "kho lương" trong nhà. Đoạn đường từ nhà đến chỗ làm trong những ngày này như gần hơn vì đường thông thoáng và dễ di chuyển hơn, các anh cảnh sát làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra giao thông cũng dễ dàng cho chúng tôi đi vì đã quá quen thuộc chúng tôi rồi.

 

Đúng 6 giờ, ca làm việc chính thức bắt đầu. Chúng tôi tất bật với những tảng thịt, con cá, mớ rau… tất cả đều phải thật nhanh, thật gọn để kịp phục vụ khách hàng. Chỉ một lúc mà mồ hôi đã ướt đẫm nhưng ai cũng vui khi hôm nào có thịt về nhiều hơn, có thêm cá biển hay thêm vài loại rau thơm, thứ mà chúng tôi thường gọi là "xa xỉ phẩm" trong những ngày này.

 

Một ngày của chúng tôi - Ảnh 1.

Quầy hàng thực phẩm tươi sống đầy đủ và phong phú tại  TTTM Satra Phạm Hùng

 

7 giờ, khách đã xếp hàng khá đông trước cửa. Thi thoảng, anh bảo vệ lại lên tiếng nhắc nhở một vài khách hàng đứng giãn cách, tuân thủ đúng 5K. Lượt khách tới càng nhiều đồng nghĩa với từng bước chân của chúng tôi cũng phải tăng tốc theo. Nào cân hàng, nào sơ chế rau, cá và không quên chỉ chỗ đặt những món hàng mà khách có nhu cầu mua. Từng tốp 7-15 khách vào – ra, theo quy định của từng nơi, nhoáng cái đã đến trưa, cơ thể chúng tôi lúc này bắt đầu "đình công" thì mới chợt nhớ rằng năng lượng buổi sáng chưa kịp nạp, giờ đã đến lúc phải ăn trưa. Thế là, thay vì có được khoảng thời gian ít ỏi thư giãn thì chúng tôi phải tranh thủ thay phiên nhau nuốt vội những miếng cơm đã nguội để còn kịp châm hàng lên kệ.

 

Lúc xe giao hàng đến cũng là lúc quay cuồng với hàng hóa, với khách hàng. Nhân viên phải ngưng việc để giao nhận, kiểm đếm, vận chuyển vào kho sắp xếp cho gọn gàng, chiếm khá nhiều thời gian và sức lực. Mệt, tất nhiên rồi nhưng vui vì có hàng về để kịp thời phục vụ và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.

 

Người lao động tại Siêu Thị Sài Gòn, nỗ lực phục vụ khách hàng 

 

Mệt, tất nhiên rồi nhưng chúng tôi vui vì có hàng về để kịp thời phục vụ và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn

 

Công việc cứ thế cuốn trôi đi, vèo cái đã hết ngày! Có nhiều hôm đã hết giờ nhưng cửa vẫn chưa đóng được vì một hai người khách vội vàng chạy vào mua nhanh một hai món đồ khiến chúng tôi không nỡ từ chối phục vụ. Cửa sập xuống là đến việc vệ sinh, châm hàng quầy kệ, là kiểm đếm thu ngân, là kết sổ – đếm tiền… mọi thứ vẫn tất bật như lúc bắt đầu một ngày mới vậy.

 

Tắt đèn, niêm phong cửa, lấy xe ra về là đồng hồ điểm 17 giờ 30. Một ngày làm việc của chúng tôi trôi qua nhanh như chưa bao giờ nhanh hơn thế vì lượng khách tăng nhưng thời gian phục vụ lại giảm, vì những lời cảm ơn, động viên thật dễ thương của khác hàng. Có khi chỉ nhận được 1 tin nhắn cảm ơn qua hotline, chúng tôi vui cả ngày và quên hết mệt nhọc.

 

Chia tay nhau khi hoàng hôn sập hẳn, chúng tôi không quên chúc nhau bình an. Điều mà không nói ra nhưng hẳn trong lòng ai cũng mong muốn cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp và tất cả khách hàng của mình. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, không biết ai trong số chúng tôi một ngày nào đó trở thành nạn nhân của đại dịch thế kỷ này, dù luôn tuần thủ 5K nghiêm ngặt.

 

Một ngày của chúng tôi - Ảnh 3.

Khách hàng tuân thủ quy tắc 5K và xếp hàng chờ đến lượt khi vào mua hàng tại cửa hàng Satrafoods

 

Thực tế cũng đã xảy ra, một chị đồng nghiệp của chúng tôi đã không dám về nhà để đảm bảo an toàn cho 5 người ở nhà, trong đó có người mẹ lớn tuổi bị bệnh nền chưa được tiêm ngừa vaccine cùng đứa em nhỏ còn tuổi đi học. Những lúc ấy, chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng. Với chúng tôi, những nhân viên phục vụ trong hệ thống bán lẻ Satra không chỉ đơn giản là một nghề mưu sinh mà đó còn là thực thi nhiệm vụ của chính quyền TP HCM giao, là trách nhiệm của cư dân sinh sống tại mảnh đất đang bị tổn thương này.

Đôi lúc chúng tôi nhìn nhau, nghẹn lại khi thấy mình và đồng nghiệp đứng 1 góc, nuốt vội miếng cơm nguội quá giờ. Đôi lúc chúng tôi tự tạo cho nhau tiếng cười và tự thưởng cho mình những món ăn "trong mơ" để tạo động lực làm việc.

Thỉnh thoảng gặp những khách hàng khó tính, chúng tôi vẫn phải bình tĩnh, nở nụ cười, trả lời nhẹ nhàng và sau đó nhắc nhau "Nghề làm dâu trăm họ mà, cố lên!".

Thành phố sẽ còn tiếp tục những ngày dãn cách, cuộc sống sẽ còn nhiều khó khăn, công việc sẽ vẫn còn nhiều bộn bề và lúc này, tất cả đều phải sống một cuộc sống rất khác những gì mình đã có. Chúng tôi và các bạn cùng nỗ lực để những ngày tốt đẹp sớm trở lại, mong lắm!

Thy Trường