Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây đã chỉ ra một số tín hiệu khởi sắc trong nền kinh tế dù còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các diễn biến phức tạp cả trong nước lẫn khu vực cũng như quốc tế. 

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, về lúa đông xuân, tính đến ngày 15/4/2024, cả nước gieo cấy được 2.948,6 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 2,5 nghìn ha so với vụ đông xuân 2023. Các địa phương phía Nam thu hoạch 1.612 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 85,2% diện tích gieo trồng và bằng 102% so với cùng kỳ 2023. Về lúa hè thu, tính đến giữa tháng 4, các địa phương phía Nam gieo cấy được 553,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 130,9% cùng kỳ 2023. Chăn nuôi lợn và gia cầm tăng trưởng khá. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 4/2024 tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,2%; tổng số bò giảm 0,2%; tổng số trâu giảm 2,7%.Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 68,3 nghìn ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ 2023; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 31,1 triệu cây, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.133,8 nghìn m3, tăng 5,2%; diện tích rừng bị thiệt hại là 388,5 ha, giảm 27,2%.

Sản lượng thủy sản tháng 4/2024 ước đạt 772,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 2.713,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2023.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2024 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,4% so với cùng thời điểm 2023.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 4, cả nước có hơn 15,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,4% so với tháng trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, cả nước có 7.618 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 84,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023; 4.656 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 6,5% và giảm 20,2%; 1.344 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8% và giảm 10,9%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ 2023.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2024 ước đạt gần 44 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 142,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ 2023.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024 có 36 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ 2023; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 580 nghìn USD, giảm 95,7%. Tính chung 4 tháng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 98,9 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ 2023.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 4/2024 ước đạt 175,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ 2023. Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 4/2024 ước đạt 138,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 522,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023.

Trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2023.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 3 xuất siêu 2,78 tỷ USD; quý I xuất siêu 7,72 tỷ USD; tháng 4 ước tính xuất siêu 0,68 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Hoạt động vận tải tháng 4 diễn ra sôi động phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch và tiêu dùng của nhân dân trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30/4 – 1/5. Vận tải hành khách tháng 4/2024 ước đạt 403,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 1,3% và luân chuyển đạt 22,8 tỷ lượt khách.km, tăng 3,1% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 1.602,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023 và luân chuyển đạt 89,7 tỷ lượt khách.km, tăng 12,7%.

Vận tải hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 210,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,3% và luân chuyển đạt 39,6 tỷ tấn.km, tăng 0,7% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 831 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2023 và luân chuyển đạt 166,8 tỷ tấn.km, tăng 7,6%.

Đáng chú ý, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn tiếp tục phát huy tác dụng, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam khá cao so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 4/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 58,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo khảo sát, tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 4/2024 tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số gạo do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 18,5 nghìn tấn gạo.

Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, là tín hiệu mừng cho ngành công nghiệp không khói. (Ảnh: PV)

Theo ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện.

Trong khi đó, dự báo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt mức 6%. Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng, song cần hiện thực hóa kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch luôn ở mức thấp, dao động quanh 80%.

Để thúc đẩy tăng trưởng, ADB nhấn mạnh, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước, phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế. Thị trường vốn non trẻ, phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, còn rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, địa phương cũng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. Đặc biệt, hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công./.

NGUỒN BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM