Trách nhiệm nước lớn


Bình luận về sự kiện này, giới phân tích quốc tế nhận định, sau nhiều năm phải hứng chịu những chỉ trích rằng Bắc Kinh đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là nhằm mục đích tiếp cận nguyên liệu thô chứ không phải để giúp người nghèo, giờ đây Chính phủ Trung Quốc có vẻ đang hướng tới chủ trương mà các nước giàu có lâu nay vẫn áp dụng trong lĩnh vực viện trợ phát triển. 

 


Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, bằng số tiền trích từ Quỹ Tài trợ Hợp tác Nam Nam mà ông Tập Cận Bình tuyên bố tại New York, Trung Quốc và LHQ sẽ hợp tác trợ giúp những nước nghèo nhất thế giới. Ngoài ra, còn có những dấu hiệu khác cho thấy các cơ quan viện trợ của Bắc Kinh sẽ phối hợp với các tổ chức chủ chốt trên thế giới. Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ hợp tác với Cơ quan Viện trợ Phát triển Mỹ để thực hiện các mục tiêu giảm đói nghèo của LHQ. 


Steve Tsang, người đứng đầu viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc trường Đại học Nottingham ở Anh cho rằng, cam kết chi tiền và hợp tác giảm đói nghèo của nhà lãnh đạo Bắc Kinh “đánh dấu mốc thay đổi quan trọng trong chính sách viện trợ nước ngoài của Trung Quốc” bởi lẽ Bắc Kinh sẽ cho phép LHQ có tiếng nói đối với cách thức sử dụng số tiền nói trên. 


Các nhà lãnh đạo thế giới lâu nay vẫn hối thúc Trung Quốc gánh vác hơn nữa các khoản chi viện trợ phát triển, vì các công ty Trung Quốc nổi tiếng là “mạnh chi” ở nước ngoài. Theo tổ chức Rhodium Group, năm 2014, các công ty Trung Quốc đã đầu tư gần 12 tỷ USD chỉ riêng vào Mỹ và gần 1.000 tỷ USD trên toàn cầu. 


Tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 25/9, Tổng thống Mỹ Obama đã lập luận rằng, Trung Quốc không còn bị xem là một quốc gia đang phát triển rất nghèo như 50 năm về trước. Giờ đây, Bắc Kinh đã là một cường quốc. Và điều này có nghĩa là Trung Quốc phải gánh nhiều trách nhiệm hơn, đáp ứng nhiều kỳ vọng hơn.


Củng cố quyền lực mềm


Theo một nghiên cứu của cơ quan quản lý ngân sách của Chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc hiện đứng thứ sáu thế giới về tài trợ ra nước ngoài. Ước tính năm 2013, Trung Quốc đã chi 7,1 tỷ USD cho viện trợ phát triển. Tuy nhiên, chỉ có 15% số tiền này được rót cho các thể chế đa phương như LHQ. Bắc Kinh cấp số tiền này trực tiếp cho các chính phủ theo diện song phương, chủ yếu ở châu Phi – nơi Trung Quốc suốt 1 thập niên qua đã ráo riết tiếp cận các nguồn cung dầu, khóang sản và các tài nguyên thiên nhiên khác để bảo đảm nhiên liệu cho sự tăng trưởng kinh tế.  


Từ thực tế này, giới quan sát không quá lạc quan về sự vô tư của Trung Quốc trong các cam kết viện trợ tài chính này, đặc biệt khi nền kinh tế thứ hai thế giới đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Vì vậy, một mặt hoan nghênh những tuyên bố của Bắc Kinh, một mặt các chuyên gia vẫn giữ thái độ khá thận trọng.


Sun Yun, chuyên gia về chính sách tài trợ của Viện Stimson tại Washington cho rằng, “Trung Quốc đang tiến tới các tiêu chuẩn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế của các quốc gia giàu nhất thế giới). Chúng ta đang chứng kiến sự tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia OECD trong các dự án phát triển ở châu Phi và Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, bà Sun dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng viện trợ nước ngoài như một công cụ để khai thác các nguồn tài nguyên ở nước ngoài. 


Ở một góc nhìn rộng hơn, có ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang củng cố quyền lực mềm trong cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Mỹ. Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình tại LHQ cho thấy, Bắc Kinh hướng tới mục tiêu xa hơn khai thác tài nguyên. Trước đó, Trung Quốc đã cam kết cấp 3,1 tỷ USD để giúp các quốc gia giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và đóng góp 1 tỷ USD cho các lực lượng gìn giữ hòa bình. Theo bà Sun Yun, Trung Quốc đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Mỹ. Và cạnh tranh trong khuôn khổ LHQ sẽ an toàn cho họ vì không phải lo nguy cơ phản tác dụng về mặt chính trị. Những cam kết hào phóng… tốt cho LHQ, tốt cho những nước kém phát triển và tốt cho tham vọng vươn lên vị trí lãnh đạo thế giới của Trung Quốc.


Trước đó, khi kế hoạch cải cách đối với các thể chế tại Washington bị các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ phong tỏa, Trung Quốc đã tự mình thành lập một thể chế cho vay riêng, có tên gọi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Ngân hàng này được Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định sẽ sớm đi vào hoạt động, được dư luận coi là cách để Trung Quốc làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản, những nước công khai tẩy chay thể chế cho vay mới này.


Tuy nhiên, bất chấp những con số được đưa ra trong các cam kết của ông Tập Cận Bình, mức độ trách nhiệm hỗ trợ của Trung Quốc vẫn còn kém xa các quốc gia phương Tây. Theo số liệu của OECD, năm 2013, Mỹ đã cung cấp 30 tỷ USD, trong khi Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, mỗi nước đều đóng góp 11 tỷ USD.


 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)