Thất bại liên tiếp

Ngày 20/6, Thượng viện Mỹ đã liên tiếp bác bỏ 4 biện pháp kiểm soát súng đạn, do các thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất. Trong cuộc bỏ phiếu này, không đề xuất nào hội đủ 60 phiếu tối thiểu cần thiết để vượt qua vòng phê chuẩn của Thượng viện, ngay cả những đề xuất của đảng Cộng hòa, hiện đang kiểm soát cả hai viện.

 

 

Đây là thất bại nặng nề của nỗ lực thỏa hiệp giữa các thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhằm thúc đẩy các biện pháp kiểm soát súng đạn. Theo thỏa hiệp, các thượng nghị sĩ của mỗi đảng đã soạn thảo hai biện pháp kiểm soát súng, trước sức ép ngày càng tăng từ những lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ, xảy ra tại câu lạc bộ đêm Pulse ở thành phố Orlando, bang Floria ngày 12/6 vừa qua, làm 49 người thiệt mạng và 53 người bị thương.

Đề xuất đầu tiên được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, dân biểu của bang Iowa Chuck Grassley bảo trợ, chỉ nhận được 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống. Đề xuất này yêu cầu cập nhật hệ thống kiểm tra lý lịch của người mua súng, quy định các bang bổ sung thông tin về hồ sơ sức khỏe tâm thần vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Đề xuất này còn bao gồm điều khoản quy định các cơ quan thực thi pháp luật phải được cảnh báo khi một cá nhân nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ đối với những phần tử tình nghi khủng bố trong vòng 5 năm trở lại mua súng.

Đề xuất thứ hai do đảng Cộng hòa soạn thảo, trong đó đề nghị trì hoãn việc bán súng cho những cá nhân nằm trong danh sách theo dõi những đối tượng tình nghi khủng bố của Chính phủ trong 72 giờ, để chính quyền có thêm thời gian kiểm tra và quyết định. Đề xuất này do Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn bảo trợ, chỉ nhận được 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống. Theo đề xuất, thẩm phán có quyền ra phán quyết chặn vĩnh viễn mọi giao dịch mua bán súng nếu tòa án xác định đối tượng mua súng từng tham gia hoạt động khủng bố.

Đề xuất đầu tiên của đảng Dân chủ do Nghị sĩ bang Connecticut Chris Murphy bảo trợ, đã bị Thượng viện bác bỏ với 56 phiếu chống và 44 phiếu thuận. Đề xuất yêu cầu mở rộng phạm vi kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng tại các triển lãm súng đạn và các giao dịch trên mạng.

Đề xuất còn lại của đảng Dân chủ tìm cách cấm mọi hoạt động mua bán súng đối với những cá nhân nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Chính phủ, cũng thất bại trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, khi chỉ nhận được 47 phiếu thuận và 53 phiếu chống. Đề xuất này do Nghị sĩ bang California Dianne Feinstein lần đầu tiên trình ra Thượng viện vào tháng 12/2015, sau vụ xả súng ở San Bernardino, bang California, nhưng không được thông qua. Sau vụ xả súng ở Orlando, đề xuất này sau đó được chỉnh sửa và trình lại Thượng viện.

Chia rẽ, cản trở và đổ lỗi lẫn nhau

Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện ngày 20/6 một lần nữa cho thấy sự chia rẽ giữa các phe phái chính trị tại Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn. Mặc dù cả hai đảng đã tìm cách thỏa hiệp nhằm ban hành các biện pháp kiểm soát súng đạn, nhưng hai bên không đạt được sự đồng thuận trong những biện pháp do mỗi đảng đề xuất. Hai bên liên tục chia rẽ trong từng vấn đề, cản trở lẫn nhau. Các nghị sĩ Dân chủ đã ngăn chặn 2 đề xuất sửa đổi của đảng Cộng hòa vì cho rằng việc kiểm soát buôn bán vũ khí quá lỏng lẻo. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng phản đối 2 đề xuất của phe Dân chủ, với lý do đề xuất này đe dọa quyền hợp Hiến của người sở hữu súng.

Sau cuộc bỏ phiếu, các nghị sĩ của hai đảng tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thất bại này. Lãnh đạo nhóm thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid chỉ trích các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khi không ủng hộ các đề xuất của đảng Dân chủ; đồng thời cáo buộc Hiệp hội súng trường quốc gia đã mua chuộc lá phiếu của họ. Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell khẳng định, các đề xuất của đảng Cộng hòa nhắm thẳng vào những nguyên nhân dẫn tới vụ xả súng ở Orlando và cho rằng đảng Dân chủ không nên đưa ra thủ tục nhằm ngăn cấm các cá nhân mua súng. Trong khi đó, kết quả thăm dò do hãng tin CNN phối hợp với công ty ORC công bố ngày 20/6 cho thấy, phần đông người dân Mỹ ủng hộ việc cấm những cá nhân nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Chính phủ mua súng. Trong số đó, có 90% người thuộc đảng Cộng hòa, cao hơn số người thuộc đảng Dân chủ, chiếm 85%, và những người không thuộc đảng nào, chiếm 83%.

Đây không phải lần đầu tiên nỗ lực ban hành các biện pháp kiểm soát súng đạn thất bại tại Thượng viện. Trước đó, nỗ lực kiểm soát súng tại Mỹ từng được trình ra Thượng viện bỏ phiếu, sau các vụ xả súng tại trường tiểu học ở Newtown, bang Connecticut năm 2012, làm 20 học sinh thiệt mạng và tại trung tâm hội nghị ở San Bernardino cuối năm ngoái, làm 14 người thiệt mạng. Song các nỗ lực này đều thất bại do vấp phải sự phản đối của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người chịu ảnh hưởng lớn từ Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA) và các nhóm vận động hành lang ủng hộ quyền sở hữu súng.

Theo thống kê, trung bình 89 người chết mỗi ngày và 32.514 người chết mỗi năm vì bạo lực súng đạn ở Mỹ. Năm 1990, khoảng 19% dân Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Hiện, khoảng 55% người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng. Các nhà phân tích cho rằng, lý do Mỹ chưa thể phá vỡ bế tắc trong nỗ lực ban hành luật kiểm soát súng đạn là bởi vấn đề này gây chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội. Thêm nữa, các đề xuất kiểm soát súng đạn lại chưa đủ sức thuyết phục đối với các nghị sĩ Mỹ, trong khi làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh súng đạn của các thành viên NRA, vốn mang lại lợi nhuận khổng lồ. Thực tiễn cho thấy, mặc dù các loại vũ khí sát thương đóng vai trò chính trong các vụ xả súng quy mô lớn, song lại chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong vấn đề bạo lực súng đạn nói chung ở Mỹ. Đạo luật kiểm soát súng đạn liên bang được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1994, đã hết hạn năm 2004, hầu như không mang lại kết quả rõ rệt nào trong việc giảm thiểu số vụ bạo lực liên quan tới súng đạn.  

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)